Có rất nhiều lý do để các bà mẹ bỏ bê, chán chường chuyện bếp núc: Con lười ăn, con hay ốm, công việc bận rộn, chồng đi làm xa… Còn với chị Lê Thu Trang (hiện đang sống tại Hà Nội) thì lại khác, khi tất cả những lý do này gộp lại, chị lại càng đam mê nấu nướng hơn. Dù khó khăn, vất vả chồng chất như vậy, chị vẫn luôn cố gắng để những mâm cơm chỉ có 3 mẹ con tươm tất một cách vượt bậc.
Nhìn những mâm cơm chị nấu, không ít các bà mẹ khác phải trầm trồ thán phục vì tưởng nhầm đó là một thực đơn tại nhà hàng cao cấp. Trình bày bố cục đẹp miễn chê, những món ăn độ khó ở mức cao và hơn hết cả là cảm nhận được trái tim ấm nóng, tinh tế của một người mẹ đằng sau những bữa ăn này.
Chị Thu Trang tâm sự: "Nhiều người hỏi mình rằng có 3 mẹ con ở nhà với nhau thì bày vẽ làm gì. Nhưng cũng không biết từ khi nào, việc nấu ăn đã trở thành đam mê. Hồi đầu, mình lần mò học nấu nướng vì không có người trợ giúp và muốn cải thiện những mâm cơm cho 3 bố con. Sau là con lười ăn nên cố gắng bày biện đẹp để "dụ con". Dần dần khi con đỡ lười ăn hơn, mình vẫn duy trì như một phần tất yếu trong gia đình".
Những bữa cơm nhiều màu sắc như khiến cuộc sống của chị Thu Trang trở nên rực rỡ, có nhiều cảm hứng hơn. Nhiều người nghĩ nấu được mâm cơm như vậy sẽ rất mệt, nhưng chị Trang lại chỉ thấy vui. Nhất là mỗi khi thấy các con ngồi vào bàn và quay sang bảo nhau: "Chị ơi, trông đẹp chưa kìa", "Em ơi, đẹp quá!", hay khen mẹ: "Mẹ ơi, còn đẹp và ngon hơn cả nhà hàng nữa ạ!".
Chị Trang tâm sự thêm: "2 bạn nhà mình đều rất lười ăn, có lúc 2-3 ngày không cho ăn gì càng thích. Cả hai bạn cũng rất hay ốm, mỗi tháng đều 1-2 đợt thuốc, chồng thì đi làm xa, thi thoảng mới về nhà. Mình cũng hơi vất vả nhưng nhờ có đam mê nấu nướng mà vừa giúp con chịu khó ăn hơn, vừa khiến bản thân đỡ stress, căng thẳng".
Nhưng để có được những bữa cơm gia đình đủ đầy như vậy, chị Trang cũng phải sắp xếp thời gian mỗi ngày một cách hợp lý: "Mình thường thức dậy vào lúc 6h kém 15 phút, chuẩn bị bữa sáng cho mẹ và con gái lớn, sau đó đưa 2 bạn đi học. Bạn nhỏ ăn sáng ở trường rồi nên đỡ phải lo hơn. Còn buổi chiều đi làm, mình về nhà lúc 5h15 phút, trong lúc mình nấu ăn thì bạn lớn làm bài tập, bạn bé loanh quanh chơi cùng mẹ".
Nếu bữa sáng, chị Trang thường nấu những món nhanh gọn như: bún, mì, cháo, xôi, bánh khúc… thì buổi tối sẽ mất thời gian hơn. Hôm nào nấu các món dễ sẽ ăn sớm, còn nấu món khó thì ăn muộn hơn, nhưng tất cả các bữa tối đều muộn nhất vào lúc 7h tối. Bởi chị muốn đảm bảo cho các con một lịch trình ăn uống, sinh hoạt khoa học, nếu ăn quá muộn sẽ không tốt cho sức khỏe của con.
Và bất kể là con muốn ăn gì, chị đều học hỏi rồi làm cho con: "Cứ món nào con muốn ăn, mình cũng sẽ cố gắng làm được. Như hôm trước con bảo muốn ăn xôi khúc mà quán bỏ hạt tiêu, bị cay nên mình làm ở nhà cho con. Con muốn ăn pizza, mẹ cũng làm để con ăn… Mình cứ nhìn con ăn là thấy hạnh phúc, chỉ mong con mỗi ngày đều khỏe mạnh, ăn được thật nhiều món mẹ làm".
Những nỗ lực của chị Trang cũng đã được đền đáp phần nào, khi 2 cô con gái Hà My (8 tuổi) và Bảo Hân (4 tuổi) ngày càng cải thiện thói quen ăn uống, biết chờ đợi những món ăn mẹ nấu. Từ việc chỉ thích ăn cánh gà rán công nghiệp, nay các bé thích ăn rau hơn, cứ bữa ăn nào mẹ dọn ra cũng trầm trồ và tự hào về người mẹ đảm đang của mình.
Còn bản thân chị Trang cũng đã khám phá ra được một đam mê mới của bản thân. Từ một người vợ 32 tuổi vẫn chưa biết thái thịt sao cho đúng thớ, đến nay đã trở thành một "nghệ sĩ" thực thụ trong gian bếp. Quả thật làm mẹ là một con đường không ngừng khám phá, phát hiện ra những điều diệu kỳ từ chính mình, với chị Trang, điều này càng đúng hơn bao giờ hết.