Chỉ còn ít ngày nữa cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày (29/4-3/5). Đáng chú ý, kỳ nghỉ lại rơi vào đúng thời điểm số ca mắc COVID-19 gia tăng trở lại. Điều này khiến không ít người cảm thấy lo ngại trước nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 sắp tới, lượng người di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng, mật độ khách tại các điểm du lịch sẽ tăng rất cao, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và các bệnh khác.

Để người dân có kỳ nghỉ lễ an toàn, khỏe mạnh, bác sĩ Hoàng đưa ra một số lưu ý giúp phòng tránh dịch bệnh trong dịp lễ sắp tới. Cụ thể, những người có nguy cơ cao thì nên ở nhà, hạn chế tới nơi đông người, sắp xếp du lịch vào dịp khác.

Những người đi du lịch cần đảm bảo thực hiện tốt thông điệp 2K (khẩu trang - khử khuẩn) của Bộ Y tế, ăn ngủ điều độ, tránh thức khuya hay sử dụng rượu bia quá mức.

Ca mắc COVID-19 tăng, bác sĩ khuyến cáo biện pháp phòng dịch dịp lễ 30/4 – 1/5 - Ảnh 1.

Người dân đi du lịch cần đảm bảo thực hiện tốt thông điệp 2K (khẩu trang - khử khuẩn) của Bộ Y tế để phòng chống COVID-19.

Mọi người cần chấp nhận khả năng bị lây nhiễm, nếu bị thì chủ động tự điều trị và tránh lây nhiễm cho người khác. Người dân nên mang theo thuốc hạ sốt, giảm ho, nước muối sinh lý, dung dịch súc họng, máy đo SpO2 và test nhanh COVID-19, thuốc hạ sốt, thuốc giảm ho, thuốc nhỏ mắt nhỏ mũi, các loại viên ngậm và dung dịch sát khuẩn để giảm đau họng, các dung dịch bù điện giải đường uống để chủ động chăm sóc cho bản thân.

Bác sĩ Hoàng cũng nhấn mạnh, sau khi kết thúc chuyến du lịch, mọi người nên hạn chế tiếp xúc với người thân có bệnh nền trong vòng 24h, sau đó làm lại test nhanh để đảm bảo mình không bị nhiễm bệnh và cũng hạn chế nguy cơ không lây nhiễm cho người khác.

Bác sĩ khuyến cáo, bên cạnh việc trang bị đồ dùng cá nhân, thuốc thang phòng COVID-19, người dân không quên các thuốc thông thường để xử lý các tình huống như dị ứng, côn trùng đốt, đau đầu, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa.

Chuẩn bị sẵn một ít hoa quả và đồ ăn quen thuộc, các vitamin tổng hợp để trong trường hợp bản thân nhiễm COVID-19 thì có thể tự đảm bảo bữa ăn hợp khẩu vị, đủ dinh dưỡng…

Theo bác sĩ Hoàng, số ca mắc COVID-19 gia tăng thời gian qua là do nhiều yếu tố như thời tiết nồm ẩm, sự suy giảm miễn dịch của cộng đồng, thái độ chủ quan của người dân trong việc phòng dịch… Tuy nhiên, hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong do COVID-19 tăng cao so với các đợt dịch trước.

Chuyên gia cũng nhận định, với khả năng lây lan nhanh của chủng Omicron, vào dịp nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương và ngày 30/4 và 1/5 sắp tới, khi lượng người đi lại tham quan, du lịch khá nhiều thì khả năng số người mắc COVID-19 tiếp tục tăng lên hoàn toàn có thể xảy ra, song khó có thể gây ra những đợt bùng phát rộng lớn như các năm trước. Bởi đa số người dân trong cộng đồng đã có kháng thể với SARS-CoV-2 nhờ tiêm vaccine hoặc mắc bệnh trước đó.

Ông Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cũng khuyến cáo, để phòng, chống dịch trong dịp nghỉ lễ sắp tới, người dân cần đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, phương tiện giao thông, tại không gian kín và các địa điểm bắt buộc; khử khuẩn nhất là vệ sinh tay và tiêm phòng vaccine COVID-19 đúng lịch, đủ liều.

Cạnh đó, người dân cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo của chính quyền, cơ quan y tế địa phương trong việc phòng, chống dịch.

Bệnh viện không được từ chối trường hợp cấp cứu dịp nghỉ lễ 30/4

Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế ngày 26/4 có văn bản về bảo đảm công tác khám, chữa bệnh trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5/2023 và Giỗ Tổ Hùng Vương.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị chỉ đạo và thực hiện tốt các công việc như đảm bảo trực đầy đủ theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ; tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ trường hợp cấp cứu.

Bộ Y tế lưu ý, nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ trường hợp cấp cứu.

Cạnh đó, các đơn vị phân công thường trực cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng và khẩn trương ứng phó trong trường hợp cấp cứu tai nạn hàng loạt, tai nạn giao thông nghiêm trọng, thảm họa liên quan các sự kiện tập trung đông người (nếu có) tại địa phương.

Bảo đảm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng tránh đuối nước, cảnh bảo tai nạn tại các địa điểm tập trung đông khách du lịch.

Bảo đảm thường trực đường dây nóng 24/24 để sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp, chi viện, ứng cứu trong trường hợp cần thiết. Báo cáo hàng ngày tình hình khám chữa bệnh, cấp cứu tai nạn giao thông, COVID-19 và danh sách ca tử vong trên trang cdc.kcb.vn.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng lưu ý trong trường hợp có diễn biến đặc biệt như bùng phát dịch COVID-19 và các dịch bệnh nguy hiểm, cấp cứu thảm hoạ, tai nạn hàng loạt, ngộ độc thực phẩm và các trường hợp đặc biệt khác, đề nghị đơn vị có báo cáo khẩn về cơ quan quản lý trực tiếp để kịp thời giải quyết…