Tiếng của người mẹ trong điện thoại nghe rất buồn và bất lực. Chị kể, con gái chị học sư phạm Văn, tốt nghiệp loại giỏi, vừa ra trường đã được một trường quốc tế mời về theo giới thiệu của giáo sư phản biện luận văn của cháu.
Và sau 2 năm đứng lớp, cháu đã nhận được sự tin tưởng của các đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh, đã tham gia các hội thảo chuyên ngành trong và ngoài nước.
Cháu còn tham gia hướng dẫn học sinh trong các khoá hè ở nước ngoài, được học sinh và cộng sự tin tưởng vì trình độ tiếng Anh tốt, vừa giải quyết các công việc với đối tác nhanh chóng, vừa hỗ trợ học sinh trong quá trình khoá học hè.
Mọi việc đang yên ổn, con gái chị có thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng, còn dành thời gian theo học chương trình thạc sĩ, bỗng dưng cháu thông báo sẽ nghỉ việc, bảo lưu kết quả học để chuyển vào Nam cùng người yêu.
Bạn trai của cháu học cùng lớp cấp 3, sau khi tốt nghiệp đại học thì vào TPHCM làm thiết kế và thi công nội thất. Cậu ấy còn nhận làm thiết kế online cho một công ty khác nên thu nhập cao và ổn định.
Nhưng vấn đề là bọn trẻ không chịu đăng ký kết hôn mà cứ líu ríu theo nhau như thế nên vợ chồng cô không yên tâm cho con gái.
Thanh Tâm hiểu nỗi lo lắng của người mẹ khi con gái bất ngờ quyết định thay đổi cuộc sống như vậy. Nhưng người mẹ ấy có một cô con gái có trình độ, năng lực làm việc tốt nên được đồng nghiệp, cấp trên tin cậy.
Có lẽ, điều chị băn khoăn chính là lo các con sống chung trước hôn nhân, lo con gái bỏ phí việc học thạc sĩ đã gần xong, lo cuộc sống tự lập xa nhà sẽ khiến con gái vất vả và thiếu an toàn.
Thanh Tâm mong chị bình tĩnh, đặt mình vào vị trí của con để hiểu và chia sẻ với suy nghĩ, quyết định của con. Có thể con chị đang tìm kiếm một điều mới mẻ, một cơ hội để khám phá bản thân hoặc đơn giản là muốn thoát khỏi vùng an toàn.
Hãy tạo một không gian thoải mái, không phán xét để con gái có thể chia sẻ về những suy nghĩ của mình. Việc chị lắng nghe con một cách chân thành, không ngắt lời và tránh đưa ra những nhận xét tiêu cực sẽ giúp chị hiểu rõ hơn động cơ của con gái, từ đó tìm ra cách giải quyết phù hợp.
Cách hiệu quả với chị là đặt những câu hỏi mở, khuyến khích con gái chia sẻ sâu hơn, giúp con gái suy nghĩ kỹ hơn về quyết định của mình. Ví dụ: "Con có thể chia sẻ rõ hơn về lý do con muốn vào Nam không?",
"Con hình dung cuộc sống của con ở đó sẽ như thế nào?", "Điều gì khiến con cảm thấy lo lắng nhất về quyết định này?", "Con có kế hoạch gì về công việc và cuộc sống ở đó không?", "Nếu gặp khó khăn, con sẽ làm gì?"…
Thanh Tâm cũng mong anh chị, dù có lo lắng đến đâu, cũng nên thể hiện sự ủng hộ đối với quyết định của con. Hãy cho con biết rằng, bố mẹ và gia đình luôn ở bên cạnh để lắng nghe và giúp đỡ khi cần.
Tuy nhiên, chị cũng cần đặt ra những giới hạn để bảo vệ con gái như cần tìm địa điểm thuê nhà thế nào, có kế hoạch tài chính cụ thể, sống độc lập với bạn trai…
Anh chị có thể cùng con gái xây dựng một kế hoạch chi tiết cho cuộc sống mới ở miền Nam, giúp con cảm thấy tự tin và có định hướng rõ ràng hơn.
Thanh Tâm nhắc đi nhắc lại với chị, con gái có quyền được lựa chọn con đường đi của mình và đó là một phần trong quá trình trưởng thành của con.
Là cha mẹ, chúng ta phải học cách buông tay con, hãy tin tưởng vào con, luôn động viên, khích lệ con vững bước tiến lên, làm chủ cuộc sống của mình.