Ở thời điểm hiện tại, biến thể Covid-19 mới Omicron đã lây lan ra 45 quốc gia trên thế giới, trong đó Mỹ và phần lớn các nước châu Âu đang ghi nhận nhiều ca nhiễm mới mỗi ngày. Và dù chẳng ai chắc chắn được việc biến thể mới sẽ tác động như thế nào đến đại dịch, nhiều quốc gia vẫn đã ban hành và duy trì lệnh hạn chế di chuyển. Thậm chí, một số còn đưa ra những quy tắc phòng dịch nghiêm ngặt hơn thế.
Với việc số ca nhiễm Omicron tăng lên, viễn cảnh về những quy định hạn chế mới đang lộ rõ và gây chán nản cho nhiều người, bởi kỳ nghỉ lễ Noel và năm mới đang tới gần. Tại châu Âu - nơi đang được xem là tâm dịch với những làn sóng lây nhiễm mới trong nhiều tuần qua, mối đe dọa từ biến thể Omicron khiến người ta thêm lo sợ, về một mùa đông khó khăn hơn mong đợi.
Hôm 5/12, Cơ quan y tế Anh xác nhận thêm 86 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc biến thể Omicron trên toàn quốc lên con số 246. Ở Đan Mạch, con số là 183. Cả 2 đều là những quốc gia dẫn đầu thế giới về xét nghiệm và giải mã trình tự gene, giúp họ có lợi thế trong việc phát hiện và theo dõi đột biến của virus.
Nhìn chung, việc Omicron đang lây lan nhanh là điều đã rõ ràng. Điều còn mơ hồ là ý nghĩa của sự lây lan này.
Người dân đi mua sắm nhộn nhịp tại London, bất chấp ca nhiễm biến thể Omicron đang gia tăng
Omicron liên tục lây lan
"Chúng ta sẽ chứng kiến số ca nhiễm gia tăng trong vài tuần tới, ở nhiều quốc gia trên thế giới," - Tiến sĩ Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Bệnh truyền nhiễm tại ĐH Minnesota (Mỹ) nhận xét. "Đây không phải điều bất ngờ. Bản thân con virus này vốn đã là loại có thể lây lan nhanh qua đường hô hấp."
Lý do con số được ghi nhận gia tăng có thể giải thích bằng việc quan chức y tế các nước đang dồn toàn lực chống lại biến thể này, bởi các bằng chứng ban đầu cho thấy nó có thể lây nhiễm mạnh hơn cả Delta - biến thể đang chiếm ưu thế toàn cầu.
"Khi thấy một ca nhiễm, bạn sẽ bắt đầu lần vết tiếp xúc, theo dõi môi trường họ từng ở, và rồi sẽ tìm ra nhiều ca khác," - Osterholm cho biết.
Tiến sĩ Peter J. Hotez, trưởng khoa Y học nhiệt đới tại ĐH Y Baylor (Mỹ) cho rằng, số ca nhiễm được xác định hiện nay vẫn còn rất nhỏ, nên thật khó để biết được nó sẽ tăng đến bao nhiêu. Vài trăm ca nhiễm chỉ là một phần nhỏ trong số hơn 44.000 ca nhiễm mới mà nước Anh phải đón nhận mỗi ngày.
Một trung tâm tiêm chủng tại Anh. Chính phủ Anh đang thúc giục người dân đi tiêm chủng mũi 3, vì đó là "phòng tuyến vững chắc nhất"
"Câu hỏi lớn nhất mà mọi người muốn biết có lẽ là chuyện Omicron liệu có thể đánh bật Delta? Khả năng ấy là có thể xảy ra," - ông nhận định.
Cũng theo Tiến sĩ Hotez, lúc này vẫn chưa có đủ dữ liệu để khẳng định bất kỳ điều gì. Nếu vào cuối tuần tới, Omicron chiếm được "10% số ca nhiễm của Delta, tôi sẽ lo lắng hơn," - ông nói thêm.
Nhưng ngay cả trước khi tìm ra biến thể mới, một số chuyên gia y tế đã cảnh báo về việc các lệnh hạn chế di chuyển tại phần lớn các nước châu Âu đang là không đủ để ngăn ca nhiễm gia tăng. Một số còn cho rằng đây là cái giá phải trả khi các quốc gia đã buông lỏng cảnh giác, chỉ trích sự thất bại trong việc tái áp lệnh đeo khẩu trang bắt buộc và giãn cách xã hội, hay giữ những người tiếp xúc với ca nhiễm phải duy trì cách ly.
Mùa Noel tới gần, người Anh tấp nập mua sắm
Jeremy Farrar, giám đốc quỹ từ thiện Wellcome Trust và là một cựu thành viên trong ban tư vấn khoa học của chính phủ Anh nhận định, sự gia tăng ca nhiễm biến thể Omicron là dấu hiệu cho thấy "những tiến bộ rất mạnh" có được từ đầu đại dịch "đang bị lãng phí nghiêm trọng". Các nước giàu có đã quá thoải mái, chìm đắm trong suy nghĩ rằng "những điều tồi tệ nhất của đại dịch đã trôi qua".
"Biến thể mới giống như một lời nhắc nhở rằng chúng ta vẫn chỉ đang ở gần vạch xuất phát, hơn là chạm tới giai đoạn kết thúc dịch bệnh."
Thế giới lo sợ
Tại Mỹ, các chuyên gia y tế đang nhận thấy số ca nhiễm biến thể Omicron tăng rất đều. Hiện tại, ít nhất 16 bang của Mỹ đã xuất hiện ca nhiễm Omicron, bao gồm cả những bang lớn như California, New York, Washington... Người Mỹ, cũng giống như người châu Âu, đang cảm thấy lo sợ.
"Chúng ta giờ mới đang chú trọng hơn (vào chuyện phòng dịch), điều chẳng ai làm suốt một khoảng thời gian," - Rory Bakke, cư dân tại California nói một cách chán nản. "Nếu như ai cũng làm theo quy định, chắc sẽ chẳng có tình cảnh này xảy ra. Thật sự nản mà."
Biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tại phía Nam châu Phi vào cuối tháng 11. Tính đến ngày 4/12, Zambia là quốc gia châu Phi mới nhất ghi nhận ca nhiễm, bên cạnh Nam Phi, Botswana, Nigeria và Ghana.
Sân bay Nam Phi vắng lặng sau lệnh hạn chế di chuyển quốc tế
Kể từ khi xuất hiện, một loạt các quy định hạn chế di chuyển đến châu Phi được các nước đặt ra nhằm hạn chế sự lây lan của biến thể mới, điển hình là Mỹ và châu Âu. Dù vậy, một số quốc gia tại châu Âu vẫn đang ngần ngại áp đặt các lệnh hạn chế trong nước khi giai đoạn tăng cường di chuyển và tụ tập sự kiện đang tới gần, nhất là khi họ vừa phải trải qua một mùa đông phong tỏa vào năm 2020. Nhiều nơi quyết định chỉ tập trung vào việc hạn chế di chuyển quốc tế, hoặc yêu cầu hành khách nhập cảnh phải xét nghiệm chặt chẽ hơn.
Nhưng dù họ có làm gì, dường như mọi chuyện đã là quá muộn rồi.
"Tôi nghĩ đây là tình huống 'mất bò mới lo làm chuồng'," - trích lời Mark Woolhouse, giáo sư dịch tễ từ ĐH Edinburgh. "Giờ đã là quá muộn để tạo ra sự khác biệt trước làn sóng lây nhiễm Omicron."
Dòng người xếp hàng tiêm chủng tại Lyon, Pháp
Cho đến thời điểm hiện tại, chính phủ Anh Quốc vẫn thông báo cho công chúng về việc tiếp tục các kế hoạch nghỉ lễ như thường lệ, dù có khuyến khích người dân tiêm chủng mũi thứ 3 - điều được Phó Thủ tướng Dominic Raab gọi là "phòng tuyến chắc chắn nhất".
"Thông điệp của chúng tôi đây: Hãy tận hưởng Giáng sinh năm nay," - trích lời ông Raab. "Độ phủ vaccine rộng cho phép chúng ta làm điều đó."
Châu Âu đến sát bờ vực
Hôm 5/12, quan chức y tế Đan Mạch thông báo có 183 ca nhiễm biến thể Omicron, một "sự gia tăng đáng lo ngại" - theo lời Henrik Ullum, giám đốc Viện Statens Serum.
Các nước châu Âu gần đây cũng đang tìm cách hạn chế tiếp xúc xã hội, trong bối cảnh ca nhiễm liên tục gia tăng. Bỉ đã yêu cầu người lao động làm việc tại nhà, đồng thời yêu cầu trường học đóng cửa sớm hơn 1 tuần so với kỳ nghỉ lễ Noel thông thường. Ý cấm những người chưa tiêm chủng sử dụng dịch vụ vui chơi giải trí. Còn Ireland, họ đóng cửa quán bar và hộp đêm, ban hành quy tắc giới hạn tụ tập.
Tương tự như Ý, Đức cũng cấm người chưa tiêm chủng sử dụng nhiều dịch vụ công cộng. Và như dấu hiệu cho thấy tình hình đang rất tệ, họ lên kế hoạch bắt buộc tiêm chủng áp dụng vào năm tới.
Một số quốc gia đã bắt đầu chứng kiến làn sóng phản đối quy định. Tại Áo, hàng vạn người đã tụ tập hôm 4/12 để phản đối quyết định phong tỏa, và kế hoạch tiêm chủng bắt buộc.
Cảnh sát Bỉ sử dụng hơi cay chống người biểu tình bạo loạn tại Brussels hôm 5/12
Đối với các chuyên gia, họ đã từng cảnh báo rằng các biện pháp hiện tại là không đủ để chống lại biến thể Delta đang hoành hành khắp châu Âu. Lần này, họ lặp lại thông điệp ấy, nhưng là với Omicron.
Michael Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết, các nước châu Âu nên cẩn thận hơn vào mùa thu năm nay, để bảo vệ cư dân của họ.
"Chúng ta sẽ phải kiên nhẫn hơn một chút để hiểu hơn về biến thể mới Omicron," - trích lời ông Ryan ở cuộc họp báo tuần qua. "Nhưng, chắc chắn chúng ta đang phải đối diện với khủng hoảng. Và thứ gây ra cơn khủng hoảng ấy vẫn đang là Delta."
Ông Ryan cũng cho rằng, đây là lúc "tất cả mọi người phải tự ý thức để kiểm soát đại dịch với nhiều biến thể của một loại virus."