Môi trường công sở vốn lắm phức tạp và nhiều thị phi. Một câu chuyện về cơ bản rất nhỏ nhưng nếu không được rõ ràng và quang minh, rất dễ được người ta thêu dệt thành những vấn đề rất đỗi vĩ mô. Vì dường như, "drama" vốn là nguồn sống của rất nhiều cá nhân làm việc trong môi trường công sở.
Một trong những vấn đề dễ tạo ra "drama" và gây bất hòa nhất trong môi trường công sở chính là "tiền bạc". Ăn không đồng, chia không đủ dễ khiến người này mích lòng, người kia suy nghĩ.
Vừa mới đây, trong một hội nhóm quy tụ đông đảo thành viên là dân công sở, một cô gái đã có dịp chia sẻ câu chuyện nhạy cảm liên quan đến tiền bạc khiến bản thân mình vô cùng khó xử. Cụ thể, cô kể:
"Câu chuyện mà ngày hôm nay em muốn kể cho mọi người nghe chắc hẳn không phải là cái gì đó quá xa lại hay hiếm gặp. Một hôm, cả nhóm góp tiền đi ăn sinh nhật 1 chị ở công ty, tạm gọi là chị A. Sau khi chia lại số tiền còn thừa thì một chuyện mắc cười đã xảy ra.
Em cam đoan là mình đã tính chính xác, vì em tính trên excel mà. Tuy nhiên, có 1 chị kế toán, tạm gọi là chị B nói em ăn bớt tiền các thứ của chị ấy, mặc dù chỉ có vài chục nghìn.
Về phần mình, em im lặng chưa nói gì, chỉ đi tâm sự với 1 chị cùng công ty rằng em thấy ức khi bị nói như vậy. Em cũng tủi thân vì mình đã phải bỏ tiền ra mời mọi người lúc sinh nhật em, còn chị A thì được mọi người góp tiền.
Tối thứ 7, lúc 9 giờ, em thấy có 1 cuộc gọi nhỡ của chị B, rất nhanh và không thấy gọi lại cũng không để lại hồi âm trên Zalo hay gì cả nên em nghĩ nhỡ tay, do đó không gọi lại. Sáng nay khi sếp em đưa đơn xin phép của em cho chị B thì chị ấy nói sẽ không làm việc trực tiếp với em. Theo mọi người em có nên xin lỗi và làm hòa với chị B trong trường hợp này hay không ạ?".
Ngay sau khi vừa được đăng tải, câu chuyện của cô gái đã ngay lập tức gây được sự chú ý của đông đảo người dùng mạng. Đa phần ý kiến cho rằng, cô gái chẳng có gì sai trong trường hợp này và việc nên làm chính là giữ im lặng cũng như cư xử một cách bình thường như chưa từng có chuyện gì xảy ra:
"Bạn nên im lặng, cố gắng cư xử bình thường. Nếu lỗi không nằm ở bạn thì người kia sẽ tự dần nhận ra cái sai của mình. Làm căng chẳng được gì, còn tạo cớ cho người khác dèm pha".
"Kinh nghiệm là đứa nào giận đứa đấy thiệt, mình cứ cư xử một cách thật bình thường. Có lý thì việc gì phải ngại".
"Kệ chị ấy, làm hòa và xin lỗi thì chị ấy sẽ càng lấn lướt. Cơ mà loại người ấy thì không nên chơi tiếp đâu nhé!".
Chắc hẳn chị em công sở cũng đã không ít lần rơi vào tình huống khó xử giống như cô gái trong câu chuyện kể trên. Bởi tiền bạc luôn là một phạm trù gì đó vô cùng nhạy cảm, không chỉ gói gọn trong phạm vi văn phòng, công sở mà còn đối với rất nhiều khía cạnh khác của đời sống.
Do đó, khi có vấn đề liên quan đến câu chuyện tiền, việc chị em cần làm nhất đó chính là rõ ràng, minh bạch. Rõ ràng, minh bạch dù chỉ một vài nghìn đồng là cách duy nhất để người khác không có cớ thêu dệt cũng như vẽ thêm vào vấn đề.
Ngay thời điểm tính toán và chia tiền, hãy công khai con số cụ thể cho tất cả các thành viên trong nhóm được biết. Điều này sẽ khiến mọi khúc mắc được làm rõ một cách triệt để trước khi hiểu lầm kịp phát sinh.
Trong trường hợp, vấn đề đã có cơ hội phát sinh, đừng ngần ngại làm rõ lại câu chuyện một lần nữa. Bởi nếu thật sự trong sạch, những con số sẽ nói lên điều đó, chúng ta chẳng cần chứng minh hay thuyết phục gì thêm.
Và đối với những người sống quá tính toán cũng như thích tạo "drama" cho những câu chuyện bé tẹo, cách tốt nhất đối với chị em đó chính là chỉ nên dừng lại ở mức giao tiếp cơ bản, xã giao.
Những người kiểu này chỉ toàn mang lại những nguồn năng lượng tiêu cực và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất làm việc của chị em. Hãy dành thời gian cho những đồng nghiệp xứng đáng hơn.