Ca sĩ Bảo Trâm Idol dù sinh 2 bé Kem và bé Ốc chỉ cách nhau 26 tháng, cũng có những lúc bận đến mức không ngẩng được mặt lên, nhưng "ác mộng" thì không, bé lớn cũng không phải thiệt thòi gì cả. Vậy cô đã có cách "đối phó" như thế nào để mọi việc vẫn ổn thỏa, gia đình vẫn tíu tít hạnh phúc như thế...
Chuẩn bị tâm lý quan trọng hơn chuẩn bị giúp việc
Mình sinh bé Ốc không phải là trong dự tính, 2 bé (Kem và Ốc) chỉ cách nhau 26 tháng. Hỏi có mệt không, có phút giây nào thương chị lớn chưa kịp lớn hẳn đã phải có em không thì phải nói rằng là có.
Nhưng mình đã vượt qua được điều đó và giải quyết ổn thỏa mọi chuyện để những "thất vọng" của Kem được hóa giải và không có cảm giác bị "ra rìa", để nuôi 2 đứa trẻ không quá áp lực, để ba mẹ được "hưởng" niềm hạnh phúc từ con trọn vẹn nhất và ngược lại.
Nhiều bà mẹ cứ than phiền đẻ dày khổ có lẽ là do các mẹ stress quá, cũng là do chưa chuẩn bị tâm lý cho mình chăng?
Bản thân mình thì dù không chủ động lựa chọn tình huống này, nhưng Ốc đến với cả nhà thực sự là niềm hạnh phúc lớn lao mà nếu được chọn lại mình sẽ không bao giờ từ chối. Mình cũng không gặp ác mộng khi đẻ dày.
Mình đã đọc sách và chuẩn bị tâm lý (cái này quan trọng còn hơn việc chuẩn bị sự trợ giúp của ông bà hay người giúp việc).
Lúc 8 tháng, bụng to vượt mặt nhưng mình vẫn phơi quần áo, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc Kem như bình thường. Bà nội xót con, xót cháu nên bảo sinh Ốc xong thì để bà lo cho Kem. Mình không cãi lời mẹ chồng nhưng vẫn nghĩ: "Nếu có thể làm được mình vẫn sẽ chăm Kem và Ốc cùng lúc".
Mình thuê 1 chị giúp việc theo giờ, 1 tuần qua 3 buổi, mỗi buổi 3 tiếng. Mình ở cữ nhà ngoại 3 tuần, hết 3 tuần khi đã tương đối ổn định là về nhà riêng để vợ chồng cùng "tự lập" việc trông con. Điều này tuy vất vả nhưng thật sự vui.
Mình xác định rất rõ có thêm 1 đứa trẻ không phải là mẹ chia đôi thời gian ra cho 2 đứa trẻ mà là mẹ tăng cường sức lực lên gấp đôi để không có đứa con nào bị tổn thương.
Vẫn có cách để mẹ đỡ mệt, con lớn không bị "ra rìa"
Và mẹ làm thế nào để vất vả không gấp đôi, có thể giảm xuống được gấp rưỡi thôi chẳng hạn? Thì chẳng phải bạn có 1 người bạn đời đó sao? Chẳng phải vẫn còn bố của những đứa con mình đấy sao? Cớ gì mà không "tận dụng" người đàn ông quan trọng ấy để mẹ bớt mệt, để con thêm vui. Tình yêu của bố với các con giá trị ngang bằng người mẹ cơ mà.
Hãy "tận dụng" ông bố, anh ấy "có quyền" cùng chăm sóc con với bạn.
Khi có bầu Ốc mình đã chuẩn bị tinh thần tốt để "cáng đáng" 2 đứa trẻ. Mình nghĩ đã đẻ được thì không có có việc gì mà không làm được. Mình không cho phép tinh thần hoảng sợ.
Mình đầu tư những thiết bị hỗ trợ như cũi, camera, máy báo khóc... Lúc Ốc đi ngủ, mẹ có thể xuống chơi cùng Kem mà không phải nhấp nhổm xem Ốc có thức dậy không, có gì nguy hiểm với Ốc không bằng các thiết bị. Kem cũng vẫn được "hưởng" mẹ mà không thấy thiếu vắng gì.
Dù có em từ lúc còn nhỏ, nhưng Kem chưa bao giờ là đứa trẻ thiệt thòi.
Lúc tắm cho Ốc mình sẽ rủ Kem cùng tắm cho em, xong mình có thể đặt Ốc vào cũi rồi tắm cho Kem. Lúc Kem tắm xong có thể đặt 2 chị em cùng chơi với nhau, mẹ có thể tự tắm cho mình.
Để Kem không phải là gánh nặng, mình cho Kem tham gia việc cùng chăm em. Mình xác định rõ tình cảm chị em, anh em còn quan trọng hơn cả tình cảm cha mẹ với con cái. Anh chị em là mối quan hệ theo nhau cả 1 đời, nhưng cha mẹ thì không hẳn, lúc cha mẹ già sẽ mất đi. Nếu gửi Kem sang ông bà thì làm sao tình cảm chị em được hình thành. Muốn có kết quả tốt đẹp cũng cần đầu tư về thời gian và công sức.
Từ khi mẹ có bầu Kem đã được theo mẹ cùng vào phòng siêu âm để được nhìn thấy em, ôm bụng mẹ để nói chuyện với em. Sau này Kem cùng mẹ tắm cho em...
Có 1 thời gian ba Linh không về sớm, bạn Ốc ngủ sớm, Kem sẽ chơi ở chân giường hoặc tô màu trong phòng ba Linh. Mình sẽ dặn Kem để Kem chuẩn bị tinh thần, được trấn an ngay cả lúc ở 1 mình, rằng dù mẹ đang bế em, nhưng mẹ vẫn biết Kem đang cần mẹ, mẹ sẽ sang sớm nhất với Kem.
Đừng bắt đứa trẻ ở "vai" anh, chị phải là người cứng cỏi
Cũng có khi Kem cấu Ốc, nhưng không vì thế mà mình quát mắng. Mình đã đọc sách nên biết Kem không ghét em mà đó là 1 cơn khủng hoảng cần giải tỏa, thì nhẹ nhàng nói với Kem.
Sau này Ốc lớn hơn, cũng có lúc tát má chị, đánh chị, ba mẹ phải phê bình Ốc trước mặt Kem, vì thế nên Kem không có cảm giác ba mẹ thiên vị hay bị bỏ rơi, thậm chí còn biết thương em hơn. Thái độ của Kem chỉ là cần sự công bằng, Kem cũng không hề muốn Ốc bị phạt.
Khi Ốc đánh Kem, Kem đánh lại, mẹ phải nhắc rằng Kem cứ bảo với mẹ và dần dần Kem không đánh em nữa. Gần đây 2 lần Ốc đánh chị, Kem ngước lên nhìn, đợi chờ 1 lời công tâm của mẹ, mình thấy rất vui vì có được sự tin tưởng của con.
Đừng bắt con lớn phải là người cứng cỏi.
Kem đồng ý cho mẹ là quan tòa, Kem tin mẹ có thể làm được. Và có lẽ thành công của vợ chồng mình trong việc nuôi dạy con, là đã trở thành chỗ dựa cho con tìm kiếm khi cần.
Vì thế, kể cả có đẻ dày hay thưa, chị hay anh cũng là trẻ con cần được yêu thương chứ đừng bắt chúng phải cứng rắn hoặc phải làm người lớn quá sớm hoặc làm những thử thách có khi là tàn nhẫn với con.
Có nhiều việc nếu cha mẹ bắt đứa lớn phải làm thì con vẫn làm được nhưng không nên cho con nghĩ rằng mình là anh là chị phải gánh vác những chuyện lớn. Hãy luôn tôn trọng và yêu thương con. Nhiều người sai lầm khi nghĩ rằng phải phũ phàng với con để cho nó bản lĩnh hơn, nhưng bản lĩnh không đến từ đó. Con cần phải nhận thức được rằng dù con có sai lầm đến đâu cũng có bố mẹ ở bên.
Khi 3 mẹ con cùng làm vườn, tất cả đều được vui.
Nói như thế thì phần nào Kem thực ra được chiều hơn từ khi có em vì mình biết Kem phải được hưởng điều đó, để Kem không thiệt thòi.
Đến giờ có con được 4 năm mình đã đủ bình tĩnh hơn và không còn cảm giác tăng xông lên nữa. Bây giờ thì chuyện gì cũng có thể chấp hết. Các bạn nhỏ giờ ít phải dò xét xem mẹ có sắp phát điên không, đó là dấu hiệu của sự tin tưởng các con dành cho mẹ.
(Ghi theo lời kể của ca sĩ Bảo Trâm)