Gặp ca sĩ Phương Thảo để hỏi về việc sau một thời gian im hơi lặng tiếng, cô bỗng tung ra một lúc 3 sản phẩm là CD, VCD và DVD "Mơ quê", nhưng rồi câu chuyện của chúng tôi liên tục bị "lái" sang người thứ ba chỉ "dính dáng" đến âm nhạc mỗi lần đi hát karaoke.
 
Nhưng vai trò của người thứ ba ấy lại vô cùng quan trọng trong sự thành công của Phương Thảo khi anh vừa là nhà đầu tư, là ca sĩ bất đắc dĩ vừa là "cái cột" trong gia đình. Cô cho biết, cả 3 sản phẩm đó là quà tặng của chồng dành cho mình sau 2 năm xa cách, món quà mà cô đã từ chối khi còn yêu nhau vì "xót" tiền.


- Xuất phát từ lý do nào mà chị lại rủ chồng hát cùng? Như thế có mạo hiểm quá không?

- Khi biên tập bài "Người đi xây hồ kẻ gỗ" tôi rất băn khoăn trong việc chọn người hát cùng vì đó là bài song ca. Lúc đầu định hát với 2 ca sĩ mà tôi rất thích là anh Trọng Tấn và Việt Hoàn nhưng hiềm một nỗi là 2 anh đều là người Bắc, sẽ không phát âm theo giọng miền Trung được. Nếu tôi hát theo giọng Bắc thì sẽ làm mất đi tính xuyên suốt là cách nhả chữ, phát âm giọng miền Trung.

Sau đó tôi định mời một ca sĩ ở Nghệ An ra hát cùng nhưng chưa kịp thực hiện thì mới nảy ra ý định là sao không dùng ngay "cây nhà lá vườn"? Trong các cuộc vui thì lần nào hai vợ chồng cũng song ca bài "Người đi xây hồ kẻ gỗ" vì cả hai đều quê miền Trung. Hôm cưới, hai đứa cũng đã hát bài này và được mọi người rất khen. Thậm chí có ông bầu còn mời chồng tôi đi cùng chỉ để song ca với tôi bài này. Về giọng của anh thì tôi không phải lo lắng, ngược lại còn rất yên tâm bởi cách hát của anh mộc mạc mà rất tình như chính bài hát vậy. Điều tôi lo lắng là cách diễn của anh trước ống kính thôi. Đến khi quay và thu xong rồi, hai vợ chồng vẫn xác định nếu không đạt thì sẽ giữ bản đó làm kỷ niệm riêng của hai vợ chồng thôi. Nhưng khi cho mọi người nghe thử thì ai cũng thấy rất tốt. Và đến giờ, phản ứng của khán giả cũng chưa có một lời chê nào.

Phụ nữ không có nghĩa là "phải" làm gì đó

- Vợ ở Việt Nam còn chồng thì làm việc ở Lào. Chị đối diện với sự xa cách đó bằng những liệu pháp gì?

- Khi chúng tôi chuẩn làm đám cưới thì anh ấy nhận được công việc ở Lào. Lúc đó tôi thấy cũng bình thường vì Việt Nam và Lào không quá xa, mà công việc của anh ấy bên đó cũng rất tốt. Hơn nữa, tôi cũng được "xoa dịu" bằng việc anh ấy nói, bay đi bay lại giữa hai nước chỉ mất có 50 phút thì tuần nào cũng về được. Một tháng đầu thì thấy đúng nhưng sau đó thì cứ thưa dần. Có khi một tháng, có khi lâu hơn và cũng có khi hẹn nhưng lại không về được... Lâu dần thành quen và tôi cũng xác định, cuộc sống vợ chồng, nhất là trong hoàn cảnh mỗi người mỗi nơi thì điều quan trọng nhất là sự thông cảm dành cho nhau.

- Nếu không phải xa cách thì trong cuộc sống gia đình, theo chị điều gì là quan trọng nhất?

- Dù xa hay không thì trong mỗi gia đình, sự yêu thương nhau vẫn là quan trọng nhất. Phải là yêu và thương thì mới đủ. Nếu tình yêu đưa người ta đến với nhau thì tình thương sẽ là ngọn lửa duy trì tình cảm để người ta sống vì nhau, trách nhiệm vì thế cũng nhiều hơn. 

- "Xa thương, gần thường", chị thấy câu này có đúng không?

- Xa nhau thì có cái tốt và không tốt. Không tốt là cả hai đều không thể chia sẻ được với người mà mình yêu thương và không dựa dẫm được vào người quan trọng nhất trong cuộc đời mình mỗi khi có chuyện gì đó xảy ra. Một điều nữa là hết giờ làm việc tôi không phải cập rập vì chuyện về nhà chăm sóc chồng con... Trong cái tốt có cái không tốt và ngược lại. Mọi người vẫn bảo tôi như thế là sướng, vì làm vợ rồi mà vẫn được yêu chiều như người tình vậy. Yêu nhau mà xa nhau thì mới sợ phai nhạt tình cảm chứ vợ chồng mà xa nhau thì càng giữ được sự nhớ nhung về nhau. Nhưng nói chung, vợ chồng thì vẫn nên ở gần nhau để thông cảm, chia sẻ những lúc cần. Còn sự xa nhau thì cũng chỉ là do hoàn cảnh của mình thôi. Để tương lai của mình tốt hơn thì phải chấp nhận hy sinh sự thiếu thốn về tình cảm.

- Chị có hay sang bên đó không?

- Khoảng một tháng rưỡi thì ngừng tất cả công việc để sang đó 10 ngày. Đều đặn là như thế hơn một năm nay rồi.

- Như vậy chị là người rất biết cách giữ chồng…

-(Cười). Tôi là người thích có đi có lại. Tôi nhận được gì thì tôi cũng sẽ cho điều đó. Nếu tôi cảm nhận được sự hy sinh của chồng dành cho mình thì tôi cũng không khiến anh phải thất vọng. Nhưng nếu làm cho tôi tổn thương hoặc làm gì đó ảnh hưởng đến hạnh phúc chung thì anh ấy sẽ phải "lĩnh hậu quả".

- Nhưng người ta vẫn nói, phụ nữ thì phải nhường nhịn, phải hy sinh mà?

- Tôi không bao giờ quan niệm mình là phụ nữ thì mình "phải" cái gì đó. Thời đại bây giờ khác rồi. Phụ nữ đâu có thua kém gì đàn ông, kể cả trong việc kiếm tiền. Chồng tôi cũng là người rất hiện đại nên anh ấy không bao giờ áp đặt tôi về việc gì cả, chỉ cần mỗi người có trách nhiệm và sống hết mình vì trách nhiệm đó thì sẽ cân bằng đươc tất cả.

- Giả sử, công việc của chồng chị không chuyển đi được và muốn chị sang đó để ổn định cuộc sống. Chị có khăn gói theo chồng không?

- Tôi nghĩ một người yêu nghệ thuật và tôn trọng công việc của vợ thì chắc chắn sẽ không bao giờ "thiết quân luật" như thế với vợ cả. Nếu sang Lào thì tôi sẽ hát cho ai nghe ngoài hát cho anh và những người bạn của anh ấy? Đã là một ca sĩ không thể bỏ nghề được đâu. Nhiều người đã bỏ nghề rồi và có công việc khác tốt hơn nhưng rồi họ cũng không thể chịu nổi và lại quay lại.

- Xin cảm ơn Phương Thảo về cuộc trò chuyện!
 
Phương Thảo và chồng quay clip cho bài "Người đi xây hồ kẻ gỗ"
 

 

Nhiều lúc cũng tủi thân lắm...

- Đối với phụ nữ thì sự yêu thương chăm sóc chẳng bao giờ là đủ. Một tháng anh về một lần thì chị có tủi thân không?

- Có chứ, rất nhiều. Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Không phải đau đầu về việc nấu nướng hàng ngày cho chồng cũng thú vị đấy chứ. Khi nào anh ấy về thì tôi cũng lọ mọ vào bếp lỉnh kỉnh đủ món nhưng anh ấy nhìn lại thấy thương nên thể nào hôm sau không cho nấu nữa mà ra ngoài ăn cho tôi đỡ vất vả.

- Có phải vì sự xa cách đó mà đến giờ, hai người vẫn chưa quyết định sinh con?

-Trong cuộc sống cái gì tôi cũng có kế hoạch cả. Chuyện con cái lại càng phải cẩn thận. Hai vợ chồng cũng đã bắt đầu tính đến và chuẩn bị những bước cần thiết để khi sinh con thì không phải sống trong cảnh xa nhau nữa.

- Nghĩa là chị sẽ sang Lào hoặc anh ấy sẽ về Việt Nam?

- Mỗi người sẽ phải hy sinh một chút nhưng chắc chắn là tôi sẽ không sang Lào và anh ấy cũng không thể ở hẳn bên đó được vì Việt Nam mới là quê hương của cả hai vợ chồng, nên trong chuyện này, "phần thắng" nghiêng về tôi nhiều hơn (cười).

Theo Gia đình