Dịch bệnh bùng phát, những kết nối xã hội bị tạm thời bị gián đoạn, thay vào đó là những chuỗi ngày tự cách ly nhàm chán. Trong khi nhiều người vẫn còn loay hoay và mắc kẹt bởi những xáo trộn trong cuộc sống thì Ella Doyle, một cô bé 13 tuổi đến từ Saint Paul, thủ phủ của bang Minnesota, Mỹ, lại đang "ăn nên làm ra" với công việc thiết kế và kinh doanh những ngôi nhà đồ chơi của mình.
Ý tưởng thiết kế mô hình đồ chơi đến với Doyle bắt đầu vào năm 2018, sau khi cô bé vô tình xem được những video giới thiệu và hướng dẫn sử dụng các món đồ chơi nhà bếp. Sản phẩm đầu tay của Doyle được em làm từ các thùng giấy đã qua sử dụng. Trong chiếc hộp đó, Doyle thiết kế những căn phòng thu nhỏ riêng lẻ với các món đồ nội thất theo trí tưởng tượng của mình. Sau này, với sự giúp đỡ của ông nội, Doyle đã xây dựng được một ngôi nhà đồ chơi hoàn chỉnh.
Doyle đã chia sẻ tác phẩm của mình trên tài khoản Instagram có tên @life.in.a.dollhouse và nhận được phản hồi vô cùng tích cực. Tính đến thời điểm hiện tại, trang Instagram của cô bé đã thu hút tới 19.000 người theo dõi.
"Vào thời điểm đó, cháu chia sẻ ngôi nhà đồ chơi của mình vì cháu muốn cho mọi người thấy những gì cháu đã làm được", Doyle nói trong buổi phỏng vấn với CNBC Make It.
Tuy nhiên, sau một năm tài khoản @life.in.a.dollhouse hoạt động, Doyle nhận ra rằng cô bé hoàn toàn có thể bắt đầu kinh doanh bằng đam mê của mình. Đó là lý do Etsy ra đời. Doyle mở ra cửa hàng này để bày bán những mô hình đồ chơi thủ công do chính tay em làm ra. Chẳng hạn, một chậu cây cảnh được sử dụng để trang trí có giá 4,5 USD; một căn bếp với kích thước gần 8 cm có giá 80 USD.
Hiện tại, Doyle cũng đã bắt đầu thiết kế những ngôi nhà đồ chơi hay những căn phòng hoàn chỉnh với giá bán lên tới hàng trăm đô la. Công trình đồ sộ và đầu tư nhất tới nay mà Doyle đã hoàn thành là một ngôi nhà (bao gồm nhà bếp, nội thất trang trí, giấy dán tường và phụ kiện đi kèm) có giá 700 USD. Theo CNBC Make It, kể từ khi công việc kinh doanh bắt đầu, tức là từ tháng 8 năm ngoái, cô bé đã kiếm được hơn 8.000 USD.
Toàn bộ số tiền có được từ việc bán các sản phầm mô hình đồ chơi thủ công, Doyle sử dụng để mua thêm nguyên liệu và quản lý cửa hàng nhỏ của mình. Tùy thuộc vào từng dự án, cô bé dành từ khoảng 40 đến 200 USD để mua vật tư. Theo cô chủ nhỏ, ngoài việc tính toán số tiền để kinh doanh, em còn phải xem xét đến việc mất bao nhiêu thời gian để một dự án phải hoàn thành. Trung bình, một ngôi nhà hoàn chỉnh mất sáu tuần để lên kệ, cô bé cho biết.
"Biết cách để đầu tư số tiền mà mình có là một điều cực kỳ tốt", Doyle nói.Và những gì mà Doyle làm đã chứng minh điều đó. Gần đây, cô bé đã mạnh dạn mua một chiếc máy in 3D mới của hãng Flash Forge Creator để phục vụ phát triển kinh doanh. Với chiếc máy in 3D này, Doyle có thể thiết kế những phụ kiện, nội thất hay chi tiết phức tạp hơn, chẳng hạn như tay nắm cửa, cây cảnh trồng trong nhà hay chiếc bếp lò.
Công việc kinh doanh của Doyle được ủng hộ và hỗ trợ rất nhiều từ phía gia đình và nhà trường.
Cha mẹ Doyle là nguồn cổ vũ tinh thần vô cùng lớn để cô bé có thể tiếp tục niềm đam mê của mình một cách tự tin nhất. Trong những quãng thời gian việc kinh doanh gặp khó khăn, họ cũng là những người hỗ trợ cho em nhiều nhất.
"Lúc đầu, cháu rất sợ khi phải đối mặt với hàng tá vấn đề phát sinh trong kinh doanh", Doyle nói. "Nhưng cháu sẽ nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Quan điểm của cháu là hãy đừng ngại ngần nhận sự giúp đỡ từ người khác nếu bạn cần".
Vì là một cô bé mới 13 tuổi nên Doyle còn phải đối mặt với một khó khăn khác đó là cân bằng giữa việc kinh doanh và học hành. Hằng ngày, việc học của cô bé bắt đầu từ 8h30 sáng và kết thúc vào 4 giờ chiều, khoảng thời gian còn lại trong ngày, Doyle dành hết cho việc thiết kế những mô hình đồ chơi của mình. Các thầy cô trong trường học của Doyle cũng ủng hộ và tạo điều kiện nhất có thể cho cô bé. Trong Doyle, họ nhìn thấy tiềm năng của một nhà thiết kế nội thất tài ba.
Các tác phẩm của Doyle đã được Tạp chí House Beautiful đăng tải. Thậm chí, phiên bản thu nhỏ của ngôi sao thiết kế, Magn Magn Bakery, do cô bé làm ra đã thu hút sự chú ý của Joanna Gaines.
Gần đây, khi các trường học của Mỹ phải tạm thời đóng cửa vì dịch Covid-19, Doyle trở nên bận rộn hơn với công việc kinh doanh của mình. Vì không thể tạo ra những chiếc khẩu trang hay những vật dụng y tế khác, Doyle đã quyết định quyên góp một phần doanh số của mình cho một tổ chức từ thiện nhằm chung tay giúp đỡ mọi người trong cuộc khủng hoảng Covid-19.
(Nguồn: CNBC)