Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu luôn khiến người ta phải để ý. Bình thường, cô con dâu có mẹ chồng khó tính đã vất vả 1 thì người chồng vô tư vô tâm, không biết suy nghĩ còn nhọc nhằn 10.
Và có lẽ, đau đầu nhất sẽ giống như nhân vật Khánh của bộ phim Thương Ngày Nắng Về. Cô đã gặp phải Đức - ông chồng vô tư đến vô tâm, luôn nhất nhất nghe theo mẹ mình đến mức nhu nhược, chẳng thể bảo vệ nổi vợ khiến cô chịu biết bao uất ức.
Khán giả xem phim chắc hẳn không khỏi tức giận khi Đức lúng búng nói đến chuyện không dám thay đổi bản thân mình để bảo vệ vợ vì bao năm nay vẫn thế. Hay việc anh thoải mái xin vợ 7 triệu mua xe đạp cho sếp mà không biết vợ vừa còng lưng trả tiền váy cho mẹ chồng. Số tiền đó chính là tiền đóng học cho con.
Và trong thực tế, kiểu con trai như thế khiến các bà mẹ chồng sẽ cảm thấy thế nào?
Nếu con trai như Đức sẽ "trị" đến cùng
Cô Nguyễn Thanh Hòa, 59 tuổi đến từ Hà Nội cảm thấy rất bức xúc với nhân vật Đức trong câu chuyện.
Bản thân cô Hòa có cả con trai lẫn con gái lớn và đều đã lập gia đình. Bởi vậy, cô đứng trên góc nhìn của một người mẹ để nhìn nhận về nhân vật Đức.
“Khi xem phim Thương ngày nắng về, bản thân tôi không nghĩ có một người mẹ chồng tai quái giống bà Hiền - mẹ Đức đến thế. Là phụ nữ, từng đi làm dâu, nay có Vân Khánh làm con dâu nhưng bà ấy không hề thấu hiểu, bày đủ trò hạch sách.
Tuy nhiên, bỏ qua nhân vật này, cái tôi muốn nói ở đây chính là Đức. Quả thật, nếu con trai tôi như thế này chắc tôi cũng trị đến cùng.
Bản thân Đức lớn rồi, có vợ có con nhưng không hề biết làm chủ cuộc sống riêng và làm chủ gia đình nhỏ của mình. Vợ là người đồng hành suốt cuộc đời nhưng cậu ta chưa biết cách yêu thương, trân trọng.
Là một người làm mẹ chồng, có con trai như thế tôi cũng đau đầu, lo nghĩ đến mất ăn mất ngủ vì nó trẻ con, chưa chững chạc, vô tâm quá mức.
Con trai nghe lời mẹ không sai nhưng khi mẹ sai, nó cần biết đường chấn chỉnh chứ không phải mù quáng tột cùng đến vậy.
Đương nhiên nếu là tôi, ngay từ ban đầu tôi sẽ dạy con mình lớn lên như thế nào, trở thành điểm tựa cho gia đình, vợ con ra sao. Nhưng nếu nó lệch hướng, tôi sẵn sàng họp gia đình để chấn chỉnh lại.
Con dâu cũng như con gái, tôi chỉnh con trai mình cũng là cách giúp con giữ gìn hạnh phúc của riêng nó”.
Muốn con mình tốt thì bố mẹ phải là người dạy dỗ từ đầu
Về phần cô Đỗ Ngọc, 57 tuổi ở Ninh Bình cũng có những suy nghĩ tương đồng. Cô Ngọc là người có 2 con trai đều đã yên bề gia thất. Bởi vậy, cách làm mẹ chồng của nhân vật bà Hiền khiến cho cô cảm thấy rất bức xúc.
“Xem phim mà nhiều khi tôi tức giận thật sự vì bà mẹ chồng quá quắt quá mức. Bản thân tôi hai con trai đều yên ổn gia đình, vợ con đầy đủ. Tôi thấy không có việc gì để mẹ chồng lại đi hành hạ, đối xử với con dâu tồi tệ đến thế.
Và từ người mẹ chồng như thế nên nhìn sang nhân vật Đức, anh này không tốt được, không biết suy nghĩ cũng có lí do. Cứ nói con cái lớn rồi phải biết làm điểm tựa thế nhưng rõ ràng ngay từ khi anh ta còn nhỏ, người bố người mẹ đã phải dạy dỗ kĩ càng.
Con cái suốt ngày không biết lo nghĩ, vô tư vô tâm, vô trách nhiệm lại không có chính kiến như Đức thì quả thật nếu tôi có con gái tôi chẳng dám gả.
Bản thân tôi, tôi luôn dạy con trai mình phải tốt, phải biết suy nghĩ, phải biết lo toan cho vợ. Từ lúc chúng nó chưa có vợ có con tôi đã dạy bảo như thế.
Nói thật, với một người làm mẹ chồng thì hạnh phúc nhất là thấy con cái hạnh phúc, đủ đầy. Nếu con dâu không rõ điều gì thì tôi sẵn sàng góp ý nhỏ nhẹ. Hành xử như bà Hiền trong phim về lâu về dài chỉ có thiệt mình thôi. Và với cách suy nghĩ, hành xử của mình thì hôn nhân của Đức cũng rất khó bền”.
Con cái tự quyết được cho cuộc sống mới tự chịu trách nhiệm được
Về phần cô Lại Thị Nga, 59 tuổi đến từ Hà Nội, cô cũng có những nhận xét rất thẳng thắn:
“Chỉ cần nghĩ đến chuyện có cậu con trai như Đức là tôi đã mệt mỏi rồi. Mẹ ngần ấy tuổi, nuôi con lớn dựng vợ gả chồng cho nhưng quay đi quay lại con vẫn như chưa lớn. Khi nào con cái vững vàng, có chính kiến riêng, biết cách bảo vệ gia đình mình thì khi đó mới là trưởng thành. Việc trưởng thành hoàn toàn không liên quan đến tuổi.
Với tôi, cuộc sống của con cái luôn là chúng nó tự quyết định. Nó có quyết định được thì nó mới chịu trách nhiệm được cho cuộc đời nó. Cha mẹ đâu có theo con cái cả đời. Lúc nào cũng kè kè ở bên, để con phải sợ, để con phải nghe, có gì quyết thay nó thì không chỉ mệt nó mà còn mệt mình.
Trong phim thì đúng là nhân vật Đức không được bà Hiền cho làm chủ cuộc sống của chính Đức. Bà can thiệp quá sâu khiến Đức dần dần mất đi tiếng nói trong gia đình, luôn sợ hãi và không biết cách vùng lên trước những áp đặt.
Tôi thấy Đức dại, Đức kém cỏi nhưng bà Hiền còn dại hơn. Con mình gần 40 tuổi vẫn còn bồng bột mà không biết đường bảo ban thì chỉ nghĩ đã thấy mệt mỏi cho chính mình rồi”.
Tạm kết!
Quả thật mỗi người, mỗi gia đình có cách sống, cách cư xử riêng. Tuy nhiên, làm mẹ chồng hay làm chồng cũng đừng quá quắt lệch hoàn toàn so với những tiêu chuẩn.
Rõ ràng cách làm mẹ chồng, làm chồng như bà Hiền và Đức trong bộ phim trên thì đến những người mẹ chồng ngoài thực tế cũng không chấp nhận nổi. Mẹ chồng không vun vén cho con lại còn đi tìm cách gây khó khăn cho con dâu thật sự không nên chút nào.
Người làm chồng phải cố gắng tìm cách dung hòa mối quan hệ giữa mẹ và vợ mình. Họ cần có trách nhiệm với vợ con, với hạnh phúc nhỏ. Sự lên tiếng của người chồng trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu bao giờ cũng có giá trị hơn tất cả.
Hi vọng rằng, những câu chuyện xoay quanh cuộc sống hôn nhân của Đức có thể trở thành một bài học cho tất cả.