Nhà báo Ngân Phương: Kính chào quý vị và các bạn!
Đến thời điểm này, vắc xin vẫn là câu chuyện nóng nhất dù cơ quan quản lý đã họp báo, việc đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ đang được tiến hành. Góc nhìn thẳng mời ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng để trao đổi về câu chuyện này.
Xin cảm ơn ông Trần Đắc Phu đã nhận lời tham gia chương trình.
Nhà báo Ngân Phương:Thưa ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến sự hỗn loạn trong việc tiêm vắc xin dịch vụ thời gian qua?
Ông Trần Đắc Phu: Theo chúng tôi có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, có một số gia đình, bà mẹ, chủ yếu là ở Hà Nội có nhu cầu tiêm vắc xin dịch vụ. Trong việc này thì cũng có nguyên nhân là do họ hiểu chưa chính xác về lợi ích của vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và đặc biệt là Quinvaxem. Do đó, bằng mọi cách, họ đến các điểm tiêm chủng để tìm vắc xin dịch vụ.
Thứ hai, nguyên nhân quan trọng là sự chủ quan của các cơ sở tiêm chủng. Cụ thể, việc tổ chức, đăng ký không khoa học, trong lúc nhu cầu của người dân nhiều đến thế nên dẫn đến hiện tượng quá tải và việc đảm bảo trật từ cũng không tốt đã dẫn đến sự lộn xộn.
Nhà báo Ngân Phương: Bộ Y tế có trách nhiệm thế nào trong việc để xảy ra tình trạng này?
Ông Trần Đắc Phu: Bộ Y tế đã có đầy đủ văn bản, hướng dẫn bởi vì không phải thời điểm này mới có chuyện người dân xếp hàng chờ đợi mà chuyện này đã diễn ra từ trước và chúng tôi cũng đã lường trước. Nhưng chuyện cũng chỉ xảy ra tại một điểm là Bệnh viện Đại học quốc gia, là nơi mới liên doanh tiêm vắc xin dịch vụ.
Nhà báo Ngân Phương:Thưa ông, với số lượng nhập khẩu còn hạn chế vắc xin dịch vụ như hiện nay cộng với việc người dân chưa yên tâm về vắc xin Quinvaxem thì tình trạng hỗn loạn chắc sẽ còn xảy ra trong tương lai?
Ông Trần Đắc Phu: Chính để giải quyết vấn đề mất trật tự đó thì chúng tôi đã họp bàn với các đơn vị tiêm chủng. Cũng đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Y tế để các Sở hướng dẫn là tiến hành việc đăng ký trước, hẹn thời gian thích hợp để các bà mẹ mang con đến tiêm chủng.
Như vậy, các bà mẹ khi đến đăng ký không cần mang theo con. Việc thứ hai kèm theo, nếu đơn vị nào có những điều kiện về công nghệ thông tin như website thì tổ chức đăng lý tiêm chủng vắc xin dịch vụ qua mạng. Tôi được biết, ở phía Bắc. nhiều đơn vị sẽ cho đăng ký qua mạng, còn tại TP.HCM sẽ đăng ký qua điện thoại 1080…Như vậy, chúng ta sẽ giải quyết được việc tập trung đông người có thể gây mất trật từ như thời gian vừa qua.
Nhà báo Ngân Phương: Bộ Y tế có giải pháp gì để đa dạng hóa nguồn cung vắc xin dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân?
Trước tiên phải nói luật pháp hiện hành thì Bộ Y tế không cấm nhập vắc xin, cứ loại vắc xin nào có đủ điều kiện lưu hành quốc tế đều có thể vào Việt Nam nếu có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Việt Nam. Chúng ta cũng biết rằng, vắc xin dịch vụ đáp ứng được một số loại bệnh mà vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng chưa đáp ứng được như dại, phòng bệnh cổ tử cung…
Nhưng Bộ Y tế cũng khuyến cáo rằng, nếu vắc xin có trong trương trình tiêm chủng mở rộng thì các bà mẹ nên đưa con đến tiêm ở các cơ sở thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng bởi vì đây cũng là những loại vắc xin chất lượng. Ví dụ, Quinvaxem cũng là vắc xin nhập ngoại và đã được đảm bảo chất lượng khi đưa vào Việt Nam. Nhà nước luôn đảm bảo đầy đủ những loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng bởi vì đây là kế hoạch dài hạn được tài trợ miễn phí của Chính phủ.
Nhà báo Ngân Phương: Vậy tại sao người dân vẫn chưa đặt niềm tin vào vắc xin Quinvaxem, thưa ông?
Ông Trần Đắc Phu: Như tôi đã nói ở trên, một bộ phận người dân lo ngại trước việc vắc xin Quinvaxem có những phản ứng thông thường như sốt, đau tại chỗ tiêm, thậm chí trẻ quấy khóc hơn hẳn so với tiêm vắc xin mà chúng ta vẫn gọi là dịch vụ. Nhưng trên thế giới người ta cũng quan ngại về việc sử dụng vắc xin mà chúng ta gọi là dịch vụ bởi nếu không tổ chức được các mũi tiêm vét đầy đủ và triệt để thì miễn dịch không tốt bằng vắc xin toàn tế bào. Thực tế, tại một số nước, dịch bệnh vẫn bùng lên dù họ dùng vắc xin mà ta gọi là dịch vụ.
Nhà báo Ngân Phương: Vậy trước mắt, cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp cần phải làm gì để khi người dân có nhu cầu về vắc xin dịch vụ sẽ được đáp ứng một cách thuận lợi?
Ông Trần Đắc Phu:Tôi đã nói ở trên, việc nhập khẩu vắc xin thì Bộ Y tế không cấm. Bộ Y tế cũng có chủ trương để người dân chủ động lựa chọn nhưng trong thời điểm các nhà sản xuất không đáp ứng đủ thì chúng tôi khuyên người dân hãy đi tiêm vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng. Hiện nay chúng tôi cũng đã yêu cầu, tất cả các địa điểm tiêm vắc xin dịch vụ đều phải tiêm vắc xin Quinvaxem. Và chiến lược sử dụng vắc xin của Việt Nam hiện nay vẫn là Quinvaxem.
Chúng tôi cũng mong rằng người dân sẽ hiểu sâu sắc hơn về vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia vì thành quả phòng chống dịch bệnh của chúng ta thời gian qua là do vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, còn vắc xin dịch vụ mới chỉ có từ vài năm nay.
Nhà báo Ngân Phương: Xin cảm ơn ông Trần Đắc Phu về cuộc trao đổi. Xin kính chào quý vị và hẹn gặp lại ở chương trình Góc nhìn thẳng số tiếp theo.