Trong khi thủ tục ghép đầu người được cho là bất khả thi ở thời điểm hiện tại, cấy ghép riêng khuôn mặt đã được các bác sĩ thực hiện trong suốt 12 năm trở lại đây. Thậm chí, một người đàn ông Pháp vừa được cấy ghép khuôn mặt tới 2 lần và đó là một bước phát triển mới của thủ tục này.
Bệnh nhân 40 tuổi, trước đó, đã được giữ hôn mê 2 tháng trong tình trạng không có khuôn mặt. Các bác sĩ đã phải "tháo" khuôn mặt cũ của ông, cũng nhận được từ một ca cấy ghép khác cách đó 7 năm, bởi cơ thể đào thải nó một cách dữ dội.
Patrick Hardison, một lính cứu hỏa Mỹ được ghép mặt năm 2015 sau khi bị tai nạn nghề nghiệp
Niềm hi vọng cho bệnh nhân
Mười hai năm trước, một nhóm bác sĩ phẫu thuật ở Pháp đã thực hiện thành công ca ghép mặt người đầu tiên trong lịch sử. Kể từ đó đến nay, đã có tất cả gần 40 cuộc phẫu thuật tương tự diễn ra tại 7 nước trên thể giới.
Cấy ghép mặt người là một thủ tục dành cho những người có khuôn mặt bị biến dạng nặng, do tại nạn hoặc bệnh tật mà không thể khôi phục bằng phẫu thuật thẩm mỹ. Trong đó, các bác sĩ sẽ thu thập từng bộ phận hoặc toàn bộ khuôn mặt của người hiến tặng đã chết để ghép sang cho bệnh nhân.
Ghép mặt có thể giúp người bệnh khôi phục các chức năng bị mất do biến dạng, ví dụ như thị giác, hô hấp, ăn uống… Mặc dù vậy, cũng giống như tất cả các loại hình ghép tạng khác, ghép mặt từ người này sang người khác tiềm ẩn nguy cơ đào thải lớn.
Không may, đó lại là trường hợp của một bệnh nhân người Pháp khác, được ghép mặt lần đầu cách đây 7 năm. Đến năm 2017, hệ miễn dịch của người đàn ông 40 tuổi này đã tấn công khuôn mặt ghép dữ dội đến nỗi các bác sĩ đã phải gỡ bỏ nó.
Ông được đặt trong trạng thái hôn mê suốt 2 tháng khi không có khuôn mặt. Mới đây, các bác sĩ đã lại một lần nữa ghép khuôn mặt mới cho ông. Chưa rõ tiên lượng của người đàn ông này sẽ ra sao, nhưng các bác sĩ nói bước đầu ca cấy ghép đã thành công.
“Đây là lần đầu tiên tái cấy ghép [khuôn mặt] được xác nhận có thể thực hiện cho người bị đào thải mạn tính”, cơ quan y tế Pháp cho biết. Trong số tất cả gần 40 ca ghép mặt được thực hiện cho tới nay, ít nhất 6 bệnh nhân đã chết vì đào thải.
Nếu ca tái cấy ghép này thành công, nó có thể củng cố niềm hi vọng cho các bệnh nhân không may phải thực hiện thủ tục phẫu thuật phức tạp này.
Có tất cả gần 40 ca cấy ghép mặt đã được thực hiện trên thế giới
Khuôn mặt mới, cuộc đời mới
Như đã nói, phẫu thuật cấy ghép mặt có thể giúp đỡ các bệnh nhân có khuôn mặt biến dạng vì tai nạn hoặc bệnh tật. Thủ tục có thể kéo dài từ 8-36 tiếng đồng hồ. Trong đó, các bác sĩ sẽ tách mặt của người hiến tặng (đã chết), có thể bao gồm cả chất béo, dây thần kinh, mạch máu, xương hoặc hệ thống cơ.
Khuôn mặt này sẽ được cấy từng phần hoặc toàn bộ vào chủ nhân mới. Nếu ca phẫu thuật thành công, họ có thể ra viện trong vòng 10-14 ngày. Mặc dù vậy, cũng như tất cả các loại hình ghép tạng khác, bệnh nhân sẽ phải uống thuốc chống đào thải cả đời, để làm giảm sự tấn công của hệ miễn dịch nhắm vào khuôn mặt “không phải của chính mình”.
Cấy ghép mặt có nguy cơ cao bị biến chứng, nhiễm trùng. Bản thân các loại thuốc chống đào thải làm suy giảm hệ miễn dịch cũng khiến bệnh nhân gặp nhiều nguy cơ, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc thậm chí ung thư.
Mặc dù phải chịu đựng nhiều biến chứng, nhiều bệnh nhân vẫn lựa chọn ghép mặt
Mặc dù vậy, nhiều bệnh nhân vẫn lựa chọn hình thức phẫu thuật này, bởi như họ nói, khuôn mặt mới có thể đem đến một cuộc đời mới. Ghép mặt có thể cho phép phục hồi các chức năng bị tổn thương do biến dạng khuôn mặt, chẳng hạn như thị giác, hô hấp, ăn uống, nói chuyện. Các bệnh nhân cũng có thể thể hiện cảm xúc trở lại, đồng thời không phải đối mặt với một khuôn mặt dị dạng.
“Đó có thể là khuôn mặt của người khác, nhưng khi tôi nhìn vào gương, tôi thấy chính tôi", Isabelle Dinoire, người phụ nữ người Pháp đầu tiên được ghép mặt cho biết.
Sau khi bị tấn công bởi một con chó, khuôn mặt của Isabelle đã bị biến dạng dẫn đến việc cô quyết định cấy ghép mặt. Tác dụng phụ của thuốc chống đào thải đã khiến cho Isabelle phát triển tới 2 căn bệnh ung thư.
Sau 11 năm sở hữu khuôn mặt mới, Isabelle qua đời ở tuổi 49 vào năm 2016.
Tham khảo ScienceAlert, Telegraph