Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa trình Thủ tướng phương án nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, với cả phương án nghỉ 7 ngày liên tục (từ 29 Tết) và 9 ngày liên tục (từ 30 Tết). Trong đó, bộ này chọn phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày liên tục.

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã gửi văn bản lấy ý kiến về lịch nghỉ Tết Nguyên đán tới 16 bộ ngành, có 13 bộ ngành gửi ý kiến góp ý vào đề xuất.

Với phương án 1 - nghỉ Tết 7 ngày liên tục, từ ngày 20 - 26/1/2023, tức 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão.

Có 14 bộ ngành gửi văn bản đồng ý với phương án trên, gồm: Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng T.Ư Đảng; các bộ: Nội vụ, Giao thông vận tải; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Thông tin và truyền thông; Văn hóa Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo.

Các bộ ngành trên đồng ý phương án nghỉ Tết 7 ngày vì phương án này đảm bảo số ngày nghỉ Tết không quá dài, hài hòa số ngày nghỉ trước Tết (2 ngày) và sau Tết, tạo điều kiện cho người dân đi lại, sắm Tết.

Các bộ ngành góp ý gì về lịch nghỉ Tết Nguyên đán? - Ảnh 1.

Thủ tướng sẽ quyết định số ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 là 7 hoặc 9 ngày liên tục.

Với phương án 2 - nghỉ Tết 9 ngày liên tục, từ 21-29/1/2023, tức ngày 30 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão.

Có 3 bộ ngành chọn phương án 2, gồm: Bộ Tài chính, Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Các bộ ngành này cho rằng, phương án nghỉ này đảm bảo hài hòa, phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để công chức, viên chức chủ động có thêm thời gian nghỉ ngơi, đoàn tụ bên gia đình, đặc biệt là người đi làm xa.

Bộ LĐ-TB&XH giải trình phương án 2 có ưu điểm là tổng số ngày nghỉ dài (9 ngày). Tuy nhiên, cán bộ, công chức chỉ được nghỉ 1 ngày trước Tết (từ 30 Tết), sẽ tạo áp lực giao thông rất lớn và có ít thời gian để chuẩn bị trước Tết; Không đảm bảo hài hòa số ngày nghỉ trước và sau Tết.

Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không chọn 2 phương án trên, mà đề xuất phương án mới là nghỉ Tết 8 ngày liên tục và thực hiện đi làm bù. Cụ thể, cơ quan này đề xuất nghỉ Tết từ 19/1 - 26/01/2023 (tức ngày 28 tháng Chạp năm Nhâm Dần tới hết mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão). Sau đó, cán bộ, công chức, viên chức đi làm bù thêm thứ 7, ngày 28/1/2023.

Tổng Liên đoàn Lao động cho rằng, để đón Tết, người dân cần thời gian chuẩn bị và nhu cầu về quê rất lớn, đặc biệt với Việt Nam khi tỷ lệ lao động di cư cao. Trong khi đó, 2 năm qua do ảnh hưởng dịch COVID-19, phần lớn người lao động đón Tết trong điều kiện đi lại hạn chế. Xuất phát từ nguyện vọng đoàn viên, người lao động mong muốn có thời gian nghỉ trước Tết dài hơn để chuẩn bị, về quê, giảm áp lực giao thông nên Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất nghỉ Tết sớm hơn (từ 28 Tết) và kéo dài 8 ngày liên tục.

Với phương án của Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, theo Bộ Luật Lao động, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán là 5 ngày, trường hợp ngày nghỉ trùng (ngày nghỉ hàng tuần), người lao động được nghỉ bù vào ngày làm việc kế tiếp. Do đó, không có căn cứ pháp lý để đề xuất việc nghỉ thêm và đi làm bù vào ngày cuối tuần như phương án của Tổng Liên đoàn Lao động.

Dù nghiêng về chọn phương án nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 với 7 ngày liên tục, nhưng Bộ LĐ-TB&XH vẫn trình cả phương án nghỉ Tết 9 ngày để Thủ tướng xem xét quyết định.