Các cơ sở sản xuất, phân phối than tổ ong lặng lẽ trước lệnh "khai tử"
Nằm sâu trong con xóm nhỏ Ngọc Thụy, ngay dưới chân cầu Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) có một vựa "đầu mối" tập kết than tổ ong, ngót nghét đã tồn tại hơn 20 năm. Người dân sinh sống quanh đây chủ yếu có thu nhập thấp, gắn bó với nghề than từ khi tuổi đời còn rất trẻ. Từ lâu, xưởng sản xuất than tổ ong tại đây đã "nguội máy", do xu thế hiện đại khiến những viên than đi vào quên lãng. Người dân chủ yếu nhập than từ Quảng Ninh, trung bình mỗi ngày khoảng 2.000 viên, rồi chờ xuất xưởng, cung cấp cho hộ gia đình hoặc các nhà hàng, quán ăn.
Khung cảnh tiêu tàn bên ngoài xưởng than, khác hẳn với sự đồ sộ của thời kỳ "hoàng kim" trước đó. Khoảng sân trước và kho đặc kịt một màu đen bởi bụi than và các viên than dự trữ chất thành từng dãy cao vợi.
Các mẻ than thành phẩm được nhập về, xếp chồng lên nhau theo từng tầng, từng lớp.
Có 2 loại than chính, là than trắng và than đen. Than trắng được "bọc"thêm lớp vôi khử mùi bên ngoài, có giá "nhỉnh" hơn đôi chút so với "người bạn" còn lại. Trung bình, mỗi viên than có giá 3.000 đồng.
Nếu như trước đây xưởng "xuất hàng" trên dưới 4.000 viên mỗi ngày, thì nay con số đó như một "mặt hàng" xa xỉ phẩm. Vài năm trở lại, than tổ ong ế ẩm, chủ xưởng bật mí chỉ bán được từ 1.000 - 2.000 viên.
Những vật dụng thân quen như bao bì, xe kéo chuyên dụng để chở than, nằm "im lìm" bên trong xưởng.
Chú Trần Văn Khái, 46 tuổi, bắt đầu làm nghề vận chuyển than tổ ong từ năm 18 tuổi. Mỗi ngày, cứ có khách gọi, chú lại phi xe máy đến xưởng "đầu mối" lấy hàng rồi mang đi phân phối. "Ngày xưa người mua rất nhiều, nhưng đến nay thì ít dần, một số hộ gia đình vẫn đun nấu bằng than tổ ong, vì trong xã hội còn có người giàu - người nghèo" - chú Khái nói.
Trung bình mỗi túi có 12 viên than tổ ong, có giá 3.000 đồng/ viên, chú Khái giữ đúng mức giá nhập, không tăng thêm. Mỗi ngày chú nhận chở cho các nhà hàng, quán ăn khoảng 300-400 viên, có ngày chỉ 200 viên. 10 năm về trước, số lượng bán ra gấp đôi so với bây giờ.
"Cuộc sống khó khăn, không làm công việc này thì tôi không biết làm gì để kiếm thu nhập. Tuổi này rồi đi làm thuê làm mướn thì khó, còn làm thợ xây thì không còn sức", chú Khái nói.
Tại xưởng đầu mối dưới chân cầu Long Biên có khoảng 5 - 7 người dân chuyên làm công việc phân phối than, đều đặn tới đây "mua hàng" rồi vận chuyển cho các hộ kinh doanh là chủ yếu.
Làm công việc này, đôi tay của họ đều nhem nhuốc.
Anh H. (30 tuổi) chia sẻ mới làm công việc này được vài năm, trung bình mỗi ngày bán ra 100 - 200 viên. "Nói chung tôi vẫn phải đi làm ngoài, không thể trông chờ hoàn toàn vào nghề vận chuyển than tổ ong. Bây giờ người ta đun nấu kiểu mới hết rồi, như gas hay điện, nên thu nhập từ nghề này là không nhiều so với trước đây".
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành chỉ thị về việc thay thế, loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đầu năm 2021, TP yêu cầu không còn việc sử dụng than tổ ong trên địa bàn. Những người làm công việc như chú Khái, anh H. cho biết, đều đang tính toán, tìm hướng đi mới cho bản thân trước tin tức than tổ ong sắp bị "khai tử".
Trong khi đó, nằm sâu trong ngõ 207 phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, có khoảng 8 hộ sản xuất than tổ ong, đều đã tồn tại hơn 10 năm. Đây là một trong những địa chỉ cung cấp than tổ ong có tiếng trong nội thành Hà Nội, chủ yếu cho 3 quận Thanh Xuân, Đống Đa và Hoàng Mai.
Các hộ sản xuất tại đây đều đã được phổ biến về chính sách mới của thành phố và đều đang dự tính tìm kiếm kế sinh nhai mới. "Lộ trình" này đối với họ còn gặp nhiều khó khăn, bởi không dễ gì để nói chia tay công việc đã gắn bó hơn một thập kỷ, lại là "cần câu cơm" chính của cả gia đình.
Để có được những viên than tổ ong, mỗi cơ sở đều có bí quyết riêng về tỷ lệ các nguyên liệu. Thành phần chủ yếu để làm than tổ ong gồm các loại như: Than đá, đất bùn, mạt cưa... Tất cả được cho vào máy nghiền, rồi trộn đều bằng máy trộn cùng với lượng nước theo tỷ lệ nhất định. Trong hình, một nam công nhân đang đổ nguyên liệu vào máy trộn hiện đại.
Sau đó, các nguyên liệu sẽ được cho vào máy ép để cho than thành phẩm. Một công nhân khác sẽ chịu trách nhiệm trên dây chuyền này, để công việc sản xuất không bị gián đoạn.
Cuối cùng, than được đem ra phơi nắng trước khi bán ra thị trường.
Bình thường, những ngày nắng gắt liên tục, than được phơi từ 4 - 5 ngày mới có thể sử dụng. Đối với những ngày mưa, thời gian phơi có thể lâu hơn, từ 15 - 20 ngày.
"Những gì lỗi thời, không còn phù hợp sẽ phải loại bỏ"
Cùng với các loại nhiên liệu, chất đốt như điện, gas, dầu hỏa... hiện nay than tổ ong vẫn được xem là sự lựa chọn tối ưu của nhiều hộ gia đình, hộ kinh doanh nhờ ưu điểm giá thành rẻ, dễ sử dụng. Đặc biệt các quán ăn rất chuộng loại than này. Dù đã gắn bó với cuộc sống người dân hàng bao thập kỷ, nhưng rõ ràng, dù là than tổ ong hay như diêm Thống Nhất (vừa chính thức bị khai tử ngày 15/11 vừa rồi), đã không còn tiện dụng và gây ảnh hưởng môi trường.
Nhiều người bán hàng ăn cho rằng, nếu chuyển từ than tổ ong sang bếp điện, bếp gas, sẽ chẳng còn lời lãi bao nhiêu. Thế nhưng, đứng trên quan điểm của người dân sinh sống gần khu vực đun nấu bằng bếp than tổ ong, bạn sẽ hiểu vì sao đã đến lúc phải "khai tử" loại hình đun nấu này. Cô Giang (60 tuổi, quận Hai Bà Trưng) nói, "Người làm hàng dùng lò than tổ ong, tỏa ra mùi than và khói bụi rất khó chịu. Tệ nhất, là họ không chịu nổi ô nhiễm, lại cứ đem lò ra ngoài nhà mình để nhóm, bắt người khác phải hứng chịu. Xưa kia đành chịu đựng, nay có bếp gas, bếp điện dùng rất tiện lợi, sạch sẽ, văn minh, không thể để tiếp tục đun than tổ ong tại nội thành, vừa gây ô nhiễm, vừa mất mỹ quan".
Đồng quan điểm với cô Giang, chị Hiền (27 tuổi, quận Thanh Xuân) chia sẻ, Hà Nội đã bị "xông khói" bằng bếp than tổ ong từ rất lâu rồi, bất chấp sức khỏe của chính mình và cộng đồng, đun nấu không rẻ được là bao, nhưng cái giá phải trả cho sức khỏe thì quá đắt.
"Xoá bếp tổ ong là giữ gìn sức khoẻ, là cứu tất cả mọi người: kể cả người nghèo và kẻ giàu sang. Gia đình tôi lúc khó khăn cũng đã dùng bếp than tổ ong. Tiết kiệm được chút đỉnh lại nhiễm bệnh hen và gây ô nhiễm cho cả góc phố. Những gì lỗi thời, không còn phù hợp sẽ phải loại bỏ" - chị Hiền nói.
Liên quan tình hình ô nhiễm không khí Hà Nội thời gian qua, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) phân tích có khoảng 12 nguyên nhân gây ra tình trạng này, một trong số đó là "đun bếp than tổ ong, bếp củi".
Ông Thái cho biết, theo số liệu điều tra của Sở TN&MT, Hà Nội có hơn 55.000 bếp than tổ ong, trung bình mỗi ngày toàn thành phố tiêu thụ hơn 528 tấn than, phát thải 1.870 tấn khí CO2 vào bầu không khí...
Theo Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội ông Vũ Đăng Định, ngay từ đầu nhiệm kỳ, thành phố đã ban hành kế hoạch vận động đến 31/12/2020 sẽ không còn sử dụng bếp than tổ ong.
Các cơ quan, đơn vị, quận, huyện triển khai các biện pháp hỗ trợ để thực hiện chuyển đổi từ sử dụng than và bếp than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ sang các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng; thực hiện hiệu quả các giải pháp quản lý và kiểm soát, chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong trên toàn thành phố.
Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố trong việc chỉ đạo để đảm bảo đầu năm 2021 không còn việc sử dụng than tổ ong trên địa bàn.
Trong thực hiện, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương, Sở Tài chính sớm xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cung cấp sản phẩm bếp an toàn, thân thiện môi trường và sức khỏe con người thay thế bếp than tổ ong.
Đặc biệt có cơ chế chính sách hỗ trợ để các cơ sở sản xuất kinh doanh than tổ ong chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, báo cáo UBND thành phố trước ngày 30/6/2020 để xem xét quyết định.