Theo hãng CNN, Hàn Quốc là quốc gia thống trị về số lượng các cửa hàng tiện lợi, cả trực tuyến và ngoại tuyến, đáp ứng nhu cầu cho những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, khách du lịch hay người dân địa phương. Số lượng các cửa hàng tiên lợi ở nước này hiện tăng nhanh trên cả nước.

Các cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc bất ngờ tạo "cơn sốt" toàn cầu - Ảnh 1.

Cửa hàng tiện lợi GS25 ở Seoul vào ngày 18/8/ 2023. Ảnh: Anthony Wallace/AFP/Getty Images

Theo Hiệp hội Công nghiệp Cửa hàng Tiện lợi Hàn Quốc, vào cuối năm ngoái, đã có hơn 55.200 cửa hàng tiện lợi ở quốc gia có 52 triệu dân này. Con số này nhiều hơn tổng số chi nhánh McDonald's trên toàn thế giới. Điều này cho thấy Hàn Quốc sở hữu mật độ cửa hàng bình quân đầu người cao nhất, vượt qua cả Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) - mặc dù cả hai đều nổi tiếng với các cửa hàng tiện lợi phong phú và đa năng từ lâu.

"Ngành công nghiệp cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc nổi bật bởi mật độ vượt trội và chiến lược đổi mới. Ngành này đã trở thành kênh bán lẻ thiết yếu, với thị phần lớn thứ hai về doanh số bán lẻ ngoại tuyến trên cả nước", ông Chang Woo-cheol, Giáo sư ngành du lịch và dịch vụ thực phẩm tại Đại học Kwangwoon ở Seoul nhấn mạnh.

Xu hướng này khác xa so với các quốc gia khác. Ở Mỹ, các cửa hàng tiện lợi thường gắn liền với trạm xăng hoặc trung tâm thương mại và hiếm khi xuất hiện ở các khu dân cư, một phần do luật phân vùng.

Tại những thành phố lớn của Hàn Quốc như Seoul, các cửa hàng tiện lợi luôn có mặt ở mọi ngóc ngách, đôi khi có nhiều cửa hàng của các công ty khác nhau cạnh tranh nằm rải rác ngay trên cùng một con phố.

"Các cửa hàng tiện lợi mở cửa 24 giờ một ngày, đóng vai trò thiết yếu trong cuộc sống bận rộn của chúng ta," ông Chang nói đồng thời gọi ngành công nghiệp cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc là "câu chuyện thành công toàn cầu".

Cửa hàng một điểm đến

Cửa hàng một điểm đến (One-stop shop) là một công ty cung cấp vô số sản phẩm hoặc dịch vụ cho khách hàng của mình, tất cả chỉ tại một vị trí.

Có một số lý do khiến các cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc trở nên khác biệt.

Đối với người mới bắt đầu, đây là cửa hàng tổng hợp cung cấp mọi thứ từ thực phẩm và đồ uống đến hàng gia dụng và dịch vụ phong cách sống. Tại các cửa hàng này, khách hàng có thể sạc điện thoại, thanh toán hóa đơn tiện ích, rút tiền mặt, đặt hàng trực tuyến và nhận hàng. Thậm chí tại một số địa điểm, khách hàng còn có thể sạc xe máy điện, đổi ngoại tệ và gửi thư quốc tế.

Sau đó là khu vực đồ ăn rất đa dạng, từ súp miso ăn liền đến mì hộp với mọi hương vị mà bạn có thể tưởng tượng. Ngoài ra còn có đồ ăn nhẹ như kimbap và onigiri hay các suất ăn sẵn.

Tại các khu vực tiếp khách trong cửa hàng, lò vi sóng và bình nước nóng luôn có sẵn. Vì vậy những cửa hàng này đã trở thành địa điểm lý tưởng cho nhân viên văn phòng dùng bữa trưa nhanh hay những người thích tiệc tùng cần năng lượng vào đêm khuya cũng như sinh viên cần nạp năng lượng trước khi tham gia các lớp học luyện thi mệt mỏi.

"Các cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc không chỉ là nơi mọi người có thể ngồi quanh bàn với đống lon bia bừa bộn vào một đêm cuối hè mà còn cung cấp các dịch vụ thiết yếu", công ty Deloitte Korea cho biết trong một báo cáo năm 2020, mô tả mô hình cửa hàng này thường là "nuông chiều khách hàng của họ một cách cực kỳ tiện lợi."

Theo Giáo sư Chang, nhu cầu đã tăng lên trong những năm qua khi Hàn Quốc đô thị hóa. Với hơn 80% dân số hiện sống ở các trung tâm đô thị, nhiều người đã rời nông thôn để định cư ở các thành phố có nhịp độ phát triển nhanh.

Một yếu tố khác là vấn đề nhân khẩu học. Ngày càng ít người Hàn Quốc kết hôn hoặc lập gia đình, đồng nghĩa với việc có nhiều hơn các hộ gia đình độc thân với ngân sách eo hẹp.

Theo báo cáo của công ty McKinsey công bố vào tháng 3 năm ngoái, tính đến năm 2021, khoảng 35% tổng số hộ gia đình Hàn Quốc là cư dân độc thân. Nếu như các cặp vợ chồng hoặc gia đình đông người thường thích nấu ăn tại nhà và mua số lượng lớn từ các cửa hàng tạp hóa thì những người độc thân lại có xu hướng lựa chọn sản phẩm phải chăng hơn. Do đó, các cửa hàng tiện lợi hoặc đặt hàng trực tuyến là những lựa chọn ưu tiên cho bữa ăn của họ.

Báo cáo cũng ghi nhận đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng này khi mọi người thích đặt hàng trực tuyến hoặc mua đồ nhanh chóng từ các cửa hàng gần nhà.

Trong bối cảnh đó, các công ty đã tận dụng nhu cầu cao để mở thêm cửa hàng chiến lược bên trong các địa điểm kinh doanh hoặc không gian giải trí hiện có khác. Chẳng hạn như Seoul có các cửa hàng tiện lợi trong quán karaoke và trung tâm nghệ thuật của thành phố.

Tất cả điều này đã chuyển thành lợi nhuận khổng lồ. McKinsey trích dẫn thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor có trụ sở tại Londoncho cho biết từ năm 2010 đến năm 2021, doanh thu của cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc đã tăng hơn 4 lần từ 5,8 tỷ USD lên 24,7 tỷ USD, vượt qua các siêu thị và cửa hàng bách hóa truyền thống.

Các cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc bất ngờ tạo "cơn sốt" toàn cầu - Ảnh 2.

Một nhân viên văn phòng ăn bữa trưa tại một cửa hàng tiện lợi ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Heo Ran/Reuters

Hiện tượng truyền thông xã hội

Các mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc đã liên tục nổi tiếng thế giới trong hai thập kỷ qua, từ K-pop và phim truyền hình Hàn Quốc đến các sản phẩm làm đẹp, thời trang và thực phẩm. Trong năm 2023, thay vì đồ ăn Hàn, xu hướng toàn cầu đã chuyển sang các cửa hàng tiện lợi trong nước.

Tìm kiếm nhanh trên mạng xã hội như YouTube, TikTok hoặc Instagram sẽ thấy vô số video về các cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc. Trong những clip này, những người có ảnh hưởng thường giới thiệu điểm đến thưởng thức ramen ăn liền ngay trong cửa hàng tiện lợi, đánh giá đồ ăn nhẹ và thức uống hoặc theo dõi các xu hướng trực tuyến như thưởng thức đồ ăn ngay tại cửa hàng tiện lợi cả ngày.

Những video này đã được xem là chiến lược mang lại lợi ích cho người sáng tạo.

Jiny Maeng, một người sáng tạo nội dung ở Australia nhưng sinh ra tại Hàn Quốc đã bắt đầu tạo video về chủ đề này sau khi thấy những clip tương tự lan truyền trên mạng. Đây là những chủ đề được xem nhiều nhất của cô, trong đó 3 video xếp vị trí đầu tiên trên YouTube, với tổng cộng 76 triệu lượt xem. Số lượt xem trên mỗi video trên TikTok và Instagram cũng lên tới vài triệu.

"Hàn Quốc liên tục trở thành "làn sóng" được quan tâm lớn trên mạng xã hội trong thời gian dài. Tôi đoán đó cũng là lý do tại sao các cửa hàng tiện lợi lại rất nổi tiếng, bởi vì mọi người bây giờ rất hào hứng du lịch đến Hàn Quốc, thậm chí đây là một trong những địa điểm mơ ước của nhiều người trên thế giới. Vì vậy, những lượt xem video này vượt trội trên mạng thực sự là trải nghiệm thú vị đối với tất cả mọi người", Jiny Maeng chia sẻ.

Jiny Maeng nói thêm rằng một phần khán giả cũng thích thú cách cô trưng bày các sản phẩm ở cửa hàng tiện lợi, bao gồm tiếng kêu lạo xạo của bao bì bị xé mở hay tiếng kêu lạch cạch của những "cốc đá" nhựa trước khi chúng được đổ đầy đồ uống.

Ngoài ra, Meng cũng thừa nhận khán giả ở Australia và Mỹ cũng thích xem nội dung này vì yếu tố mới lạ.

"Mua, nấu và thưởng thức mì ramen ăn liền tại một cửa hàng tiện lợi là điều rất thú vị đối với những người đã quen ăn uống ở cửa hàng kiểu phương Tây", Meng nói.

Theo Meng, thông thường ở Sydney, nhiều quán cà phê và cửa hàng khác đóng cửa lúc 3 giờ chiều – thời gian sớm hơn rất nhiều theo tiêu chuẩn Hàn Quốc. Và mặc dù Australia có các cửa hàng 7-Eleven, giống như ở Mỹ, nhưng thường đặt ở các trạm xăng và lựa chọn thực phẩm chế biến "rất hạn chế" .

Theo Giáo sư Chang, những video trực tuyến này đã giúp thúc đẩy sự phổ biến của các cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc.

"Chính sự kết hợp giữa sự khác biệt và khả năng tiếp thị hiệu quả thông qua mạng xã hội đã giúp các cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc trở nên nổi tiếng hơn", ông Chang nói.

Quả thực, các công ty này đã phát triển thành công đến mức họ thậm chí còn mở rộng ra nước ngoài. Ba trong số những thương hiệu lớn nhất – CU, GS25 và Emart24 – hiện có cửa hàng ở các khu vực Đông Nam Á.

Ông Chang gợi ý ngành công nghiệp này nên tiếp tục mở rộng bằng cách tận dụng phương tiện truyền thông xã hội và "ảnh hưởng của làn sóng Hàn Quốc" nhưng sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để tồn tại trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày nay./.