Khi thời tiết Hà Nội bắt đầu mưa, nắng thất thường, độ ẩm lên cao, các cánh đồng ở ngoại thành đang bước vào mùa thu hoạch lúa, kiến ba khoang không còn nơi trú ngụ thường "di cư" vào nhà dân. Nhiều người dân ở nhà phố hay các tòa nhà chung cư đều cho biết, ở thời điểm này, kiến ba khoang xuất hiện khá nhiều và thường xuyên trong nhà.
Kiến ba khoang là loài kiến độc có hình thon dài, có 3 đôi chân, bụng có đốt, trong đó có đốt màu đỏ, có cánh, biết bay nên dễ dàng xâm nhập vào các căn nhà phố nhiều tầng hay nhà chung cư. Chúng thường sống ở các ruộng lúa, nơi có cỏ mục, có vườn cây, bãi rác thải hay công trình đang xây dựng…
Nhiều người dân hoang mang bởi những vết thương do kiến ba khoang để lại thường hơi giống với bệnh zona thần kinh. Vết thương xuất hiện ở các vùng da mềm như cổ, gáy, mặt, hai tay… Ban đầu là những nốt ban đỏ rồi sưng lên thành mụn mủ dễ khiến người bệnh có cảm giác đau rát, ngứa ngáy khó chịu. Nếu bị đốt nhiều có thể bị sốt, nổi hạch.
Mỗi gia đình đều có những biện pháp phòng chống kiến ba khoang để bảo vệ sức khỏe cho cả nhà. Trước thực trạng này, chị Hạnh Lâm (Long Biên) chia sẻ: "Theo tôi được biết, vào thời điểm tháng 9 - 10 hàng năm, dù ở chung cư tầng cao nhưng tôi vẫn thường thấy kiến ba khoang xuất hiện nhiều trong nhà mình. Có lúc cao điểm, kiến ba khoang bay vào nhà mỗi tối bắt được 10 - 20 con".
Vì lo lắng cho sức khỏe các thành viên trong gia đình, chị Hạnh Lâm thường đóng kín cửa trước khi ra khỏi nhà. Khi về nhà, việc làm đầu tiên của chị là dọn dẹp nhà cửa. Chị Lâm cho hay: "Bạn phải luôn đảm bảo sàn nhà được lau dọn sạch sẽ, quét bụi và lau bằng nước lau sàn. Nếu có thể, hãy sử dụng robot hút bụi để sàn nhà được sạch hơn. Nhờ hút bụi và lau sàn, kiến ba khoang cũng sẽ hạn chế hơn việc xâm nhập vào nhà".
Bên cạnh kinh nghiệm của chị Lâm, anh Bình (Long Biên) ở khu chung cư gần cánh đồng lúa chín cũng chia sẻ về tình trạng nhà mình xuất hiện kiến ba khoang. Anh cho biết vì ở trên tầng cao, nhà hướng vào nội khu nhưng mỗi ngày cũng thấy xuất hiện vài con.
Để hạn chế kiến ba khoang gây ảnh hưởng sức khỏe của cả nhà, anh Bình cho biết: "Kiến ba khoang rất ưa ánh sáng xanh, tím vào buổi tối. Vì thế, tôi thường bật ánh sáng trắng, vàng ở những không gian cần sử dụng. Khi có gió tôi đóng cửa, kéo rèm để tránh thu hút kiến vì kiến thường theo chiều gió bay vào nhà dễ dàng hơn. Nếu vào những ngày có nhiệt độ cao, tôi đóng cửa và bật điều hòa, lọc không khí để cả nhà được thoải mái khi sinh hoạt bên trong".
Gia đình nhà chị Phương (Ecopark) cũng thường xuyên đóng kín cửa. Chị Phương thường chỉ mở cửa thông gió vào buổi sáng. Từ 3 - 4h chiều, chị cẩn thận đóng kín cửa kính vì nhà có 2 con nhỏ. Chị cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm: "Vì sống gần thiên nhiên nên không tránh khỏi kiến ba khoang. Ngoài đóng kín cửa vào buổi chiều và tối, tôi còn thường xuyên giặt sạch sẽ chăn ga gối. Quần áo phơi ngoài ban công hay logia khi mang vào nhà cất cũng cần giũ sạch sẽ. Trước khi mặc đồ cũng cần nhìn thật kỹ để tránh trường hợp bị kiến ba khoang bò vào người".
Chị Th. (Từ Liêm, Hà Nội) cũng chia sẻ về tình trạng thường xuyên gặp kiến ba khoang, bên cạnh đó còn có nhiều loại côn trùng khác. Vì thế, chị đã nghĩ đến cách lắp lưới ngăn côn trùng để hạn chế tình trạng này. Ngoài ra, chị còn trồng thêm các loại cây chống côn trùng như sả, dạ hương, hương thảo...
Cũng trong tình trạng thường xuyên thấy kiến ba khoang xuất hiện trong nhà mình, anh Hoàng (Linh Đàm, Hà Nội) chọn cách bẫy kiến bằng ánh sáng. Anh thường lắp bóng đèn nhỏ ở ban công, sau đó đóng kín cửa. Phía dưới đèn là bát nước nhỏ màu trắng để kiến mắc bẫy.