Dù có chuẩn bị sẵn tinh thần hay sắp xếp rõ ràng từng công việc thì không ít người phải thừa nhận rằng, tháng cuối cùng của năm luôn là thời điểm bận rộn nhất. Khi nhiều người vừa phải gấp rút hoàn thành các KPI trước giờ sang năm mới, cũng vừa phải lo lắng dọn dẹp, tổng vệ sinh nhà cửa. Tâm lý chung của chúng ta là muốn cố gắng làm sao không để những gì của năm cũ bị tồn đọng sang năm mới

Và đây chính là lúc câu hỏi "làm thế nào để cân bằng giữa công việc và nhà cửa" được đặt ra nhiều nhất, song, khó ai có thể đưa ra một giải pháp vẹn toàn. Tuy nhiên, một số gia đình lẫn các chị em văn phòng đã có những sự lựa chọn các dịch vụ hỗ trợ. 

Thà bỏ ra 5 - 6 triệu, không thể làm ảnh hưởng tới công việc

Chồng làm IT, vợ làm kế toán, do đó những ngày này, gia đình anh Nguyễn Thanh Long và chị Lê Hà Trinh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Dù ở nhà hay ở công ty, vợ chồng anh chị lúc nào cũng ôm máy tính và sổ sách để check công việc. Chính chị Trinh cũng thừa nhận rằng, từ cuối tháng 11 tới nay, vợ chồng đi làm về chỉ kịp đổ rác, lau nhà, dọn bếp qua loa rồi đi ngủ, hoàn toàn không có thời gian trống để làm sạch các đồ có kích thước to ở trong nhà như sofa, rèm cửa... 

Nếu chỉ có 2 anh chị thì đợi đến khi xong việc rồi bắt tay dọn dẹp cũng không sao. Tuy nhiên, Tết dương lịch, bố mẹ sẽ lên thăm, hai vợ chồng không thể đợi ông bà lên rồi lại phải dọn giúp được. Do đó, chị Trinh quyết định tìm kiếm đến các dịch vụ dọn dẹp theo giờ và tổng vệ sinh căn nhà. "Mình đăng lên nhóm cư dân tòa nhà để tìm một người giúp việc theo giờ, cố định một tuần 3 lần tới lau nhà, sắp xếp đồ đạc, dọn dẹp nhà cửa và ủi đồ, với mức giá 350.000đ/lần. Ngoài ra, mình hẹn luôn dịch vụ tổng vệ sinh nhà cửa, vệ sinh sofa - rèm cửa, máy lạnh, bình nóng lạnh vào ngày 22/12, để gia đình kịp đón Giáng sinh và năm mới. Mình không tự làm được thì đành nhờ đến dịch vụ". 

Hiện nay đều có sẵn các dịch vụ tổng vệ sinh cho các gia đình. Ảnh minh họa. Pinterest

Nhẩm tính một chút, nếu thuê các dịch vụ như gia đình chị Trinh thì một tuần sẽ phải trả 1.050.000đ cho người dọn dẹp theo giờ. Làm từ giờ đến hết tháng 12, 3 tuần, anh chị sẽ phải chi cho khoản này khoảng 3.150.000đ. Thêm dịch vụ tổng vệ sinh căn chung cư 80m2, như vậy, gia đình chị sẽ tốn thêm ít nhất 3 triệu đồng nữa. 

Tuy nhiên, vợ chồng chị Trinh không suy nghĩ quá nhiều về khoản tiền này. "Nếu như hai vợ chồng không hoàn thành KPI của năm thì thứ nhất là cũng ảnh hưởng đến thu nhập. Thứ hai, quan trọng hơn còn là uy tín của cá nhân, của công ty, đó mới là thứ khó có thể bù đắp vào được. Hơn nữa, số tiền bỏ ra để dọn dẹp, hỗ trợ công việc kia chiếm khoảng 5% thu nhập của chị. Coi như tháng này mình giảm mua sắm một số món đồ khác để cân bằng chi tiêu", chị Trinh nói. 

Thuê người nấu ăn, giặt đồ tại nhà

Các nhân viên ngân hàng cũng chung cảnh "vắt chân lên cổ" mà chạy cho tháng cuối năm. Do đó, Trần Thương Anh (nhân viên ngân hàng, Vũng Tàu) cũng hòa chung nhịp làm việc này. 

Dân văn phòng tìm tới các dịch vụ "cứu tinh" mùa chạy deadline dịp cuối năm - Ảnh 2.

Thay vì đặt sẵn suất cơm văn phòng thì nhiều nhóm nhân viên thuê người nấu ăn chung, đưa sẵn hộp cơm cá nhân và sẽ được giao tận sảnh vào giờ ăn trưa. Ảnh minh họa: Pinterest

Mỗi ngày, cô nàng 28 tuổi ra đường vào lúc 7 giờ sáng và 8 rưỡi - 9 giờ tối mới trở về. "Mình có thói quen mang cơm tự nấu đến ăn, nhưng tháng này thực sự là kiệt sức, không thể dậy sớm để nấu, mà đã đến văn phòng thì ngồi lỳ xuyên trưa, chỉ uống nước. Hoặc không thì cũng đi gặp khách hàng, hầu như toàn uống cà phê, nước ép cho qua bữa. Còn đồ đặt sẵn thì không hợp khẩu vị". 

Song, vốn có giờ sinh hoạt khá chuẩn chỉnh nên Thương Anh thừa nhận rằng cô chỉ chịu được vài ngày đầu tiên là đã cảm thấy mệt mỏi, gần như không còn sức lực. Trong khi đó, cả giày dép, quần áo đều chất đống đến 2-3 ngày mới giặt và phơi một lần. 

Cảm thấy không thể duy trì nhịp sống như vậy cả tháng được, cô cũng bắt đầu tìm tới các dịch vụ hỗ trợ. Thương Anh cùng các đồng nghiệp thuê một người nấu ăn theo bữa và giao đến tận cửa chi nhánh đang làm việc, gom giày, quần áo và cũng thuê luôn giao nhận tận nơi. "Cô nấu ăn sẽ lấy ý kiến của mọi người rồi lên thực đơn các món sẽ nấu trong cả tuần, vì chúng mình cũng dễ ăn, chỉ cần có người nấu sẵn cho là đã tiết kiệm được nhiều thời gian rồi. Chúng mình thỏa thuận mỗi người trả cô 3 triệu cho tháng 12, cũng ngang với tự đi chợ và nấu ăn tại nhà", Thương Anh nói. 

Bỏ tiền là một chuyện, vẫn cần lưu ý với các dịch vụ

Những lúc bận rộn như hiện tại, không thể phủ nhận rằng các dịch vụ nói trên là cứu cánh hữu hiệu cho dân văn phòng cũng như các gia đình. Có sự hỗ trợ, đương nhiên, chúng ta sẽ giảm bớt đi phần nào áp lực về thời gian, giảm ảnh hưởng tới năng suất làm việc mà vẫn có không gian sống thoải mái, bữa ăn vệ sinh, dinh dưỡng. 

Thế nhưng, nhiều chị em có kinh nghiệm trong khoản thuê dịch vụ cuối năm cũng đưa ra một số lời cảnh báo. Chị Mỹ An (Hà Nội): "Khi thuê người giúp việc, mọi người nên để ý một chút chứ đừng phó mặc hết cho người ta. Về giá cả, dù thuê tư hay thuê qua trung tâm, các app thì vẫn phải có hợp đồng rõ ràng. Tránh trường hợp như nhà mình năm ngoái, lúc đầu đã thỏa thuận một mức giá mà sau đó cô giúp việc lại bảo tháng 12 là tháng cao điểm nên phải trả thêm tiền thưởng, tiền làm ngày cao điểm cho cô. Còn các dịch vụ đã quá quen như giặt quần áo, giày, túi... thì cũng nên check soát tránh nhận nhầm đồ hay có bị thất thoát, hư hỏng gì không".