Được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2020 tại Ấn Độ, biến thể Delta (B.1.617) hiện đã lây lan tới hơn 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, chịu trách nhiệm cho làn sóng COVID-19 lớn nhất kể từ đầu đại dịch tới nay.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, Delta đã trở thành dòng chủ đạo của các ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu. Biến thể này thách thức độ hiệu quả và nỗ lực triển khai vắc-xin của con người. Vì vậy, các chỉ số chống Delta hiện đang trở thành tham chiếu quan trọng cho các hãng sản xuất cũng như cơ quan y tế các nước khi thực hiện kế hoạch tiêm chủng toàn dân ở quốc gia mình.
Vào khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8, cơ quan y tế nhà nước Nga cho biết 95% các ca nhiễm COVID-19 tại nước này là từ biến thể Delta. Cùng lúc, một nghiên cứu đang được thực hiện tại thành phố St.Petersburg trong chiến dịch tiêm chủng đại trà vắc-xin Sputnik V.
Nghiên cứu này có thể trở thành một cơ sở chứng minh độ hiệu quả của vắc-xin Sputnik V với biến chủng Delta mới.
Đăng tải trên nền tảng công bố bài báo trước xuất bản Medrxiv, nghiên cứu mới được thực hiện dưới sự dẫn dắt của nhà dịch tễ học Anton Barchuk đến từ Đại học European, thành phố St.Petersburg.
Trong đó, họ đã theo dõi dữ liệu từ 14.000 người được tiêm vắc-xin Sputnik V và ghi nhận độ hiệu quả bảo vệ chống các ca nhiễm COVID-19 bị viêm phổi lên tới 81%. Kết quả này được quan sát thấy trong nhóm những bệnh nhân đã tiêm đủ 2 mũi Sputnik V.
Điều đáng nói là nghiên cứu này bao gồm dữ liệu chụp cắt lớp CT phổi của cả bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhẹ và nặng, một điều mà các nghiên cứu phương tây ít khi làm được. Nó cho phép các bác sĩ đánh giá đúng mức độ viêm phổi của từng bệnh nhân.
Cùng thời gian này, hãng tin nhà nước RT của Nga dẫn nguồn từ Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), đơn vị tài trợ cho vắc-xin Sputnik V cho biết hiệu quả dịch tễ học của vắc-xin này đối với biến thể Delta là 83,1%. Hai liều vắc-xin Sputnik V có khả năng chống lại 94,37% các ca nhiễm biến thể Delta nặng phải nhập viện. Con số được cho là cao hơn cả hai loại vắc-xin mRNA là Pfizer và Moderna.
Bộ trưởng Bộ Y tế Liên bang Nga Mikhail Murashko trong một bài báo đã cho biết: "Sputnik V là vắc-xin phòng ngừa hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống lại biến chủng Delta. Vắc-xin có khả năng ngăn ngừa 95% số ca bệnh nghiêm trọng". Ông nhấn mạnh: "Quan trọng là nó ngăn ngừa được những trường hợp COVID-19 nặng cần phải nhập viện".
Hiệu quả của Sputnik V trước biến thể Delta có thể bắt nguồn từ công nghệ đặc biệt mà các nhà khoa học sử dụng để sản xuất loại vắc-xin này. Theo đó, vắc-xin Sputnik V được phát triển dựa trên vector virus, tương tự như vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca, Janssen của Johnson & Johnson, Convidecia của CanSino.
Vector là những virus vô hại đã được chỉnh sửa để vô hiệu hóa khả năng sao chép. Sau đó, các nhà khoa học tiếp tục thêm vào virus này một gen biểu hiện protein gai của virus SARS-CoV-2. Các vector virus tái tổ hợp cuối cùng được tiêm vào cơ thể.
Tuy nhiên, thay vì chỉ sử dụng một vector cho cả hai mũi tiêm như các loại vắc-xin khác (AstraZeneca sử dụng vector virus ChAdOx1, Janssen của Johnson & Johnson sử dụng Ad26, Convidecia của CanSino sử dụng Ad5), Sputnik V sử dụng tới hai: Ad26 cho thành phần hay mũi tiêm đầu tiên, và Ad5 cho thành phần hay mũi tiêm thứ hai.
Vào đầu tháng 8, một nghiên cứu đăng trên MedRxiv của các nhà khoa học Mỹ cho thấy biến thể Delta đã làm suy giảm hiệu quả của vắc-xin COVID-19 Moderna xuống 76%. Mức giảm của vắc-xin Pfizer thậm chí còn mạnh hơn, xuống tới 42%.
Hãng tin RT so sánh độ hiệu quả của vắc-xin Sputnik V, vắc-xin COVID-19 của Moderna và Pfizer trước biến thể Delta.
Kết quả tương tự được ghi nhận trong nghiên cứu tại Israel, khi các nhà khoa học nước này quan sát thấy tỷ lệ những người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Pfizer nhưng vẫn nhiễm bệnh ngày một tăng.
Trước đó, một nghiên cứu thực hiện trên 309 tình nguyện viên Argentina lấy mẫu huyết thanh sau khi tiêm cũng cho thấy vắc-xin Sputnik V tạo ra hiệu giá trung hòa kháng thể với biến thể Delta lớn hơn so với các vắc-xin khác.