Các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân gốc rễ của ung thư buồng trứng
Khám phá này không chỉ làm nổi bật nguồn gốc của bệnh ung thư buồng trứng mà còn mang lại hy vọng phát hiện sớm và điều trị hiệu quả hơn.
Một nghiên cứu mang tính đột phá đã phát hiện ra nguồn gốc của một trong những dạng ung thư buồng trứng "hung hãn" nhất, được gọi là ung thư thanh dịch cấp độ cao. Loại ung thư này chủ yếu phát triển ở ống dẫn trứng.
Khám phá này mở ra cánh cửa cho những phương pháp mới trong chẩn đoán và điều trị căn bệnh ung thư đứng thứ sáu trong số các nguyên nhân gây tử vong do ung thư ở phụ nữ.
Ung thư thanh dịch cấp độ cao đặc biệt nguy hiểm vì không có triệu chứng rõ ràng và khó có thể phát hiện sớm. Hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán quá muộn để điều trị hiệu quả và nhiều người không sống sót quá 5 năm.
Cho đến nay, các nhà khoa học cũng chưa có kết luận chính xác loại ung thư này bắt đầu từ đâu trong cơ thể. Tuy nhiên, nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications đã xác định được một loại tế bào cụ thể trong ống dẫn trứng đặc biệt dễ trở thành ung thư. Những tế bào này được gọi là tế bào biểu mô ống dẫn trứng có lông. Chúng là loại tế bào chuyển tiếp được tìm thấy trong ống dẫn trứng.
Chúng là giai đoạn trung gian giữa tế bào gốc và tế bào có lông mao phát triển đầy đủ, giúp di chuyển chất lỏng, trứng qua ống dẫn trứng. Các tế bào có lông mao này hiện được công nhận là nguồn gốc của ung thư.
Tiến sĩ Alexander Nikitin, giáo sư tại Đại học Cornell và là tác giả chính của nghiên cứu, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khám phá này: "Chúng tôi không chỉ xác định được tế bào khởi phát ung thư mà còn phát hiện ra cơ chế có thể dẫn đến các công cụ chẩn đoán và liệu pháp mới". Đây là nghiên cứu đầu tiên xác định chính xác các tế bào cụ thể trong ống dẫn trứng có nguy cơ gây ung thư.
Bằng cách hiểu được tế bào cụ thể và con đường di truyền liên quan đến sự phát triển của ung thư biểu mô thanh dịch cấp độ cao, các nhà khoa học hiện đã có cái nhìn rõ ràng hơn.
Khám phá này không chỉ làm nổi bật nguồn gốc của bệnh ung thư buồng trứng mà còn mang lại hy vọng phát hiện sớm và điều trị hiệu quả hơn.
Bệnh ung thư buồng trứng sống được bao lâu?
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ONS thống kê năm 2019, tỷ lệ sống còn của bệnh nhân ung thư buồng trứng được tiên lượng như sau:
Hơn 70% phụ nữ mắc ung thư buồng trứng sẽ sống từ 1 năm trở lên từ khi được chẩn đoán bệnh.
Gần 35% phụ nữ mắc ung thư buồng trứng sống trên 5 năm từ khi chẩn đoán bệnh.
Khoảng 35% người mắc ung thư buồng trứng có thể sống từ 10 năm trở lên.
Cụ thể, theo dữ liệu từ năm 2013-2017 của cơ quan này, tỷ lệ sống sót sau điều trị ung thư buồng trứng kể từ thời điểm phát hiện bệnh như sau:
Giai đoạn 1: Các tế bào ung thư được giới hạn ở buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. Gần 95 trong số 100 phụ nữ (gần 95%) sẽ sống sót sau 5 năm sau khi họ được chẩn đoán mắc bệnh và ngay lập tức được tiếp nhận điều trị.
Giai đoạn 2: Ung thư xuất hiện ở một hoặc cả 2 buồng trứng/ống dẫn trứng, đã lan đến các cơ quan trong khung chậu. Gần 70 trong số 100 phụ nữ (gần 70%) sẽ sống sót sau 5 năm sau khi được chẩn đoán và điều trị.
Giai đoạn 3: Tìm thấy ung thư ở một hoặc cả 2 buồng trứng/ống dẫn trứng, xâm lấn các cơ quan ngoài khung chậu, phúc mạc hoặc hạch bạch huyết vùng. Hơn 25 trong số 100 phụ nữ (hơn 25%) sẽ sống sót sau 5 năm sau khi họ được chẩn đoán và điều trị.
Giai đoạn 4 (giai đoạn cuối): Ung thư buồng trứng lan ra các cơ quan ngoài vùng bụng, di căn đến cơ quan ở xa như gan, phổi, hệ thần kinh trung ương… Chỉ khoảng 15 trong số 100 phụ nữ (gần 15%) sẽ sống sót sau 5 năm sau khi họ được chẩn đoán.