1. Bỏ biên chế suốt đời với viên chức
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2019 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7 tới đây.
Theo Luật sửa đổi, các viên chức được ký một trong hai loại hợp đồng làm việc là không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Tuy nhiên, hợp đồng không xác định thời hạn (biên chế suốt đời) chỉ áp dụng với viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020; cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; viên chức làm việc tại vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Với hợp đồng xác định thời hạn làm việc, thời hạn của hợp đồng sẽ từ 12 – 60 tháng, trước đó tối đa chỉ 36 tháng.
2. Có thể huy động lực lượng dự bị để phòng dịch bệnh
Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019 cũng có hiệu lực từ 1/7, quy định rõ lực lượng dự bị động viên gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị được đăng ký, quản lý và sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên để sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội.
Theo Luật, có 4 trường hợp được huy động lực lượng dự bị động viên gồm khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ; thi hành lệnh thiết quân luật; khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; để phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.
Các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Lực lượng dự bị động viên gồm trốn tránh thực hiện trách nhiệm của quân nhân dự bị, nghĩa vụ của chủ phương tiện kỹ thuật dự bị được huy động; huy động, điều động lực lượng dự bị động viên không có trong kế hoạch được phê duyệt…
3. Sẽ gắn chip điện tử cho hộ chiếu
Từ ngày 01/7, nhiều loại hộ chiếu sẽ được gắn chíp điện tử theo quy định tại Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019. Luật quy định hộ chiếu có gắn chíp điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp.
Hộ chiếu điện tử có thể được cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên gồm các loại hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông. Người dưới 14 tuổi vẫn được cấp và sử dụng hộ chiếu thông thường.
4. Nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến trên toàn quốc
Sau khi thí điểm tại 5 địa phương gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận về nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, dịch vụ này sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ 1/7.
Tổng cộng, có 6 dịch vụ công chuẩn bị được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia là chứng thực bản sao; đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; gia hạn thẻ bảo hiểm y tế; cấp đổi giấy phép lái xe cấp độ 4; nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của CSGT hoặc Thanh tra Giao thông.
5. Giám số lượng Đại biểu Hội đồng nhân dân
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7. Theo luật mới, số lượng Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sẽ giảm so với trước.
Cụ thể, với tỉnh thành phố trực thuộc trung ương có từ 1 triệu dân trở xuống, Hội đồng nhân dân được bầu 50 Đại biểu; có trên 1 triệu dân sẽ được bầu tối đa 85 Đại biểu (trước đây, Hà Nội và TP.HCM được 105 đại biểu).
Với các quận có từ 100.000 dân trở xuống sẽ được bầu 20 Đại biểu Hội đồng dân nhân và có trên 100.000 dân được bầu tối đa 45 đại biểu...
Các huyện miền núi, hải đảo có dưới 40.000 dân được bầu 30 Đại biểu; trên 40.000 dân, cứ thêm 7.000 dân được bầu thêm 1 Đại biểu nhưng tổng số không quá 35 Đại biểu...