Indonesia
Năm 2014, thủ đô Jakarta của Indonesia đã thử nghiệm cấm xe máy đi vào hai trục đường chính của thành phố để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Lệnh cấm kéo dài 1 tháng. Bắt đầu từ tháng 2/2015, Jakarta áp dụng lệnh cấm xe máy ở một số khu vực và tuyến đường trung tâm - nơi có hệ thống giao thông công cộng hiệu quả.
Cùng với thực hiện lệnh cấm xe máy, chính quyền thành phố kéo dài giờ hoạt động của xe bus và bổ sung xe bus. Mặc dù vậy, việc có quá nhiều ô tô cá nhân vẫn gây ra tình trạng tắc đường tại Jakarta.
Malaysia
Cục An toàn Giao thông đường bộ Malaysia cho biết, 62% trường hợp tử vong do tai nạn giao thông ở nước này liên quan đến mô-tô, xe máy. Vì vậy, Malaysia đã từng đề xuất cấm xe máy ở thủ đô Kuala Lumpur từ năm 2017 nhưng cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Hiện Malaysia ưu tiên phát triển các phương tiện công cộng để giảm tắc đường, ngay cả đường cao tốc cũng có làn dành riêng cho xe máy.
Thái Lan
Theo Trung tâm Nghiên cứu tai nạn Thái Lan, xe máy là phương tiện được sử dụng phần lớn ở nước này bởi tiện lợi, chi phí rẻ và còn là phương tiện sinh sống. Thái Lan chưa có chủ trương cấm xe máy, tuy nhiên các chuyên gia cũng lo ngại các vụ tai nạn giao thông từ xe máy chiếm đến 70%. Thái Lan hướng tới việc tuyên truyền người dân tăng cường ý thức giao thông ngay từ nhà trường.
Trung Quốc
Thành phố Bắc Kinh bắt đầu cấm xe máy từ năm 1985. Thành phố Quảng Châu, Trung Quốc tiến hành cấm xe máy từ 2006 cấm xe máy trên một số tuyến phố chính. Đến đầu năm 2007, Quảng Châu cấm hoàn toàn xe máy trong trung tâm thành phố. Để phục vụ nhu cầu đi lại, chính quyền thành phố Quảng Châu đưa vào vận hành các loại xe bus nhỏ phù hợp với các tuyến phố nhỏ, nơi trước đây chỉ có xe máy có thể lưu thông.
Sau một thời gian áp dụng, tại thành phố Quảng Châu, khoảng 50% người dân thường sử dụng xe máy đã chuyển sang đi xe bus, ô tô, xe đạp và đi bộ. Đến năm 2020, đã có khoảng 185 thành phố ở Trung Quốc đã cấm xe máy. Một số hội chợ việc làm đặc biệt cũng được mở ra tại Trung Quốc nhằm giúp đỡ tìm việc làm cho những người từng chạy xe ôm, hay trong các lĩnh vực có liên quan đến xe máy.