Ung thư cổ tử cung đứng thứ hai trong các ung thư sinh dục ở nữ giới về tỷ lệ mắc cũng như tỷ lệ tử vong. Theo BSCKI. Nguyễn Văn Long, Phó Khoa Phụ, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, chị em phụ nữ nên tầm soát ung thư cổ tử cung theo các mốc như sau:
Phụ nữ từ 21 - 29 tuổi: Nên làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung đầu tiên ở tuổi 21, sau đó cứ 3 năm/ lần.
Phụ nữ từ 30 - 65 tuổi: Xét nghiệm tế bào cổ tử cung 3 năm/lần hoặc làm xét nghiệm co-testing (kết hợp xét nghiệm HPV và tế bào cổ tử cung) 5 năm/ lần.
Phụ nữ trên 65 tuổi: Nếu đã được sàng lọc thường xuyên và có kết quả xét nghiệm bình thường, có thể không cần sàng lọc tiếp.
Tuy nhiên, nếu kết quả xét nghiệm gần đây không bình thường hoặc không được sàng lọc thường xuyên, nên tiếp tục sàng lọc sau 65 tuổi.
Lưu ý: Tất cả phụ nữ đã được tiêm vaccine phòng ngừa HPV vẫn cần làm xét nghiệm sàng lọc theo khuyến nghị dành cho nhóm tuổi của mình.
Các trường hợp sau nên sàng lọc thường xuyên hơn: Có hệ thống miễn dịch suy yếu; Hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động; Có kết quả xét nghiệm sàng lọc cổ tử cung hoặc sinh thiết bất thường gần đây; Đã bị ung thư cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm hầu như không có triệu chứng nên khó phát hiện kịp thời. Phụ nữ chưa có thói quen xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ lưu ý: Khám và tầm soát định kỳ là cách tốt nhất để ngăn ngừa, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả khi mầm bệnh còn chưa phát triển.