Cholesterol là một chất ở dạng sáp giống như chất béo, được tạo thành một cách tự nhiên trong cơ thể chúng ta. Cơ thể chúng ta cần một lượng cholesterol nhất định để duy trì hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, nếu bạn có quá nhiều hàm lượng chất này trong máu thì cholesterol có thể dính vào thành động mạch, tạo thành mảng bám. Mảng bám sẽ khiến động mạch thu hẹp lại hoặc thậm chí làm bít động mạch, khiến cho máu không thể lưu thông trong cơ thể.
Sau đây là 7 loại thực phẩm mà bạn nên ưu tiên sử dụng hàng ngày để giảm cholesterol trong máu:
1. Lúa mạch
Theo ông Cai Jingmin, giáo sư Cục Công nghệ sinh học thuộc Đại học Chung Yuan cho biết, ăn 50 – 100gr hạt lúa mạch mỗi ngày có thể làm giảm cholesterol một cách hiệu quả. Bởi lúa mạch sở hữu nhiều chất xơ hòa tan – loại chất giúp ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình hấp thu cholesterol hay đường vào máu, từ đó điều hòa lượng đường huyết giảm cholesterol trong máu.
Chúng ta thường thấy bột yến mạch được tung hô như một vị thần chuyên trị cholesterol, thế nhưng ông Jingmin nhận định rằng lúa mạch còn tốt hơn gấp nhiều lần so với bột yến mạch. Cho nên nếu có cơ hội, hãy thử xem sao nhé!
2. Nấm
Nấm là một trong những loại thực phẩm yêu thích của người dân Đài Loan, bởi nó cung cấp đến 8 loại axit amin thiết yếu cần thiết cho cơ thể con người. Đặc biệt trong nấm có chứa Linoleic acid – loại axit béo không bão hòa làm giảm cholesterol và điều hòa đường huyết.
Có thể kể đến một ví dụ điển hình như nấm kim châm cũng rất giàu chất xơ hòa tan trong nước có chức năng hấp thụ axit cholic, có thể làm giảm sự hấp thu cholesterol của ruột và giảm mỡ trong máu. Và đặc biệt hơn cả là nấm đen, bởi chúng chứa nhiều chất xơ đại tiện, đẩy nhanh bài tiết cholesterol, hỗ trợ tiểu cầu tuần hoàn máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
3. Các loại đậu và hạt
Các loại đậu và hạt như hạnh nhân, đậu phộng, quả óc chó, hạt điều, hạt dẻ… có chứa chất xơ hòa tan cholesterol, tăng độ đàn hồi của động mạch và vô vàn lợi ích khác tốt cho sức khỏe.
Đậu có hàm lượng protein cao và có thể trở thành một thực phẩm thay thế lành mạnh cho một số nguồn protein động vật, chẳng hạn như các loại thịt. Các chuyên gia khuyến nghị cố gắng nên ăn hai lần một tuần bằng cách chế biến các loại súp, salad hoặc dùng dầu đậu nành có nguồn gốc thực vật thay cho các loại dầu hay mỡ động vật.
Một ví dụ nổi bật trong các loại đậu chính là đậu nành, chúng làm giảm cholesterol toàn phần, cholesterol LDL, triglyceride mà không ảnh hưởng đến chỉ số cholesterone trong cơ thể. Các chuyên gia khuyến nghị nên dùng 20 – 50gr protein đậu nành mỗi ngày, hoặc sử dụng dầu đậu nành thay thế cho các loại dầu thông thường.
4. Các loại cá béo
Các loại cá béo như cá thu, cá hồi, mực và các loại cá biển khác có hàm lượng axit béo omega-3 cao làm giảm nồng độ triglyceride, giảm còi xương, làm chậm tốc độ của quá trình đông máu để bảo vệ tim mạch và giảm tỷ lệ tử vong của bệnh tim mạch vành. Tốt nhất hãy nên ăn hai lần một tuần để mang lại lợi ích tốt nhất có thể.
5. Ổi
Các loại ổi đều chứa nhiều dưỡng chất cùng hàm lượng Vitamin C rất cao. Đây cũng là loại trái cây làm giảm cholesterol trong máu, giúp máu lưu thông trong cơ thể dễ dàng hơn.
Theo phòng thí nghiệm tim mạch tại Ấn Độ, ăn ổi thường xuyên làm các cholesterol xấu sẽ giảm đáng kể và các cholesterol tốt sẽ tăng mạnh. Quả ổi tươi còn chứa lượng cao các chất xơ hòa tan và không hòa tan có thể giúp hạ đường huyết một cách an toàn, ngăn ngừa bệnh cao huyết áp, bảo vệ tim và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
6. Cam
Cam ngoài việc là thức uống ngon lành, bổ dưỡng, nó cũng được chứng minh là có hiệu quả trong việc làm giảm mức cholesterol trong cơ thể. Cam có hàm lượng vitamin C cao, nó còn là loại thực phẩm có chứa hàm lượng chất xơ hòa tan lớn, nên nó rất có ích trong việc làm giảm mỡ máu.
Bên cạnh đó, cam có thể làm giảm 6 đến 15% lượng cholesterol xấu (LDL) mà không làm ảnh hưởng đến cholesterol tốt (HDL). Hay một nghiên cứu trên 1.000 bệnh nhân ở Đức cho thấy, những bệnh nhân dùng cam thường xuyên có khả năng giảm cholesterol gần tương đương với dùng thuốc.
7. Bột thì là
Thì là chứa phytosterol mà cơ thể không thể tự tổng hợp được, có thể giúp cơ thể trao đổi chất và ngăn chặn sự hấp thụ cholesterol của đường ruột, giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Bạn có thể thêm một vài muỗng cà phê bột thì là vào các công thức rau củ nướng của bạn (nó đặc biệt hợp với khoai lang, bí đỏ, cà rốt, bí, và súp lơ - theo Ian Hemphill, tác giả của cuốn Kinh Thánh về Gia vị và Thảo mộc). Hay đơn giản hơn là trộn bột thì là cùng với bột ớt, bột tỏi, bột hành tây, ớt bột, hạt tiêu đỏ để dùng làm gia vị nấu nướng.
Theo Ettoday