Cuối tháng 5/2020 xảy ra vụ việc 1 cây phượng bị bật gốc trong sân trường ở TP.HCM khiến 1 học sinh tử vong thương tâm.

Tại Đắk Lắk, cũng có 2 trường hợp cây phượng bị bật gốc, đổ gục tại khuôn viên Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên và ở đường Mai Thị Lựu (gần Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk). Rất may, các cây phượng bật gốc, đổ gục ở Đắk Lắk không gây thiệt hại về người.

Tuy nhiên, những ngày qua, một số trường học trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột đã dành "sự quan tâm đặc biệt" với các cây phượng trong khuôn viên trường.

Các trường đua nhau 'trảm' phượng vĩ, chỉ còn gốc trơ trụi giữa sân trường - Ảnh 1.

Hình ảnh các cây phượng trơ tụi trong Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu.

Các trường đua nhau 'trảm' phượng vĩ, chỉ còn gốc trơ trụi giữa sân trường - Ảnh 2.

Cây bị cắt chỉ còn gốc

Các trường đua nhau 'trảm' phượng vĩ, chỉ còn gốc trơ trụi giữa sân trường - Ảnh 3.

Cây chỉ còn phần gốc cao chừng 1m, đứng trơ trụi giữa sân trường.

Ông Y Khoa Niê Kđăm, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên (phường Ea Tam) cho biết, nhà trường đã cho cưa hạ 7-8 cây phượng, trong đó có 1 cây bị bật gốc, đổ ngã vào ngày 28/5. Tất cả các cây phượng bị cưa hạ đều có dấu hiệu mục ruỗng ở gốc.

Bà Huỳnh Bích Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (phường Ea Tam) xác nhận thông tin nhà trường đã cho hạ độ cao (cắt hết ngọn, cành - PV) 5 cây phượng vĩ trong khuôn viên trường.

Các trường đua nhau 'trảm' phượng vĩ, chỉ còn gốc trơ trụi giữa sân trường - Ảnh 4.

Một cây phượng bị bất gốc, đổ xuống bên đường Mai Thị Lựu (phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột).

Khi được hỏi về lý do hạ độ cao của tất cả các cây phượng trong trường, bà Hà giải thích rằng: 

“Báo chí thông tin rồi, cây phượng ở TP.HCM đang xanh tươi, cành lá um tùm nhưng cũng bật gốc, gây tai nạn. Ở Đắk Lắk, cũng có việc phượng bị bật gốc, rất may không thiệt hại về người. Bây giờ, ở trường có cây phượng nào là tôi cho xử lý hết. Nếu cây đổ, gây tai nạn thì Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. 

Trách nhiệm về sự an toàn đối với học sinh và cán bộ trong nhà trường là của người đứng đầu. Trường của tôi chỉ cắt tỉa, hạ độ cao của cây chứ không chặt hết. Đây là công việc thường niên của nhà trường, bây giờ hơi nắng, hơi xấu tí, nhưng chỉ trong thời gian ngắn phượng sẽ ra chồi, tươi tốt trở lại”.

Cũng theo bà Hà, hằng năm, Sở và Phòng GD-ĐT đều có chỉ đạo về việc cắt tỉa cây cảnh trong khuôn viên các trường, nhằm đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh. Hiện nay, ở Đắk Lắk đã vào mùa mưa, tiềm ẩn nguy cơ cây gãy, đổ vì gió. Do đó, nhà trường chủ động hạ độ cao một số cây xanh trong khuôn viên chứ không riêng gì cây phượng.

Các trường đua nhau 'trảm' phượng vĩ, chỉ còn gốc trơ trụi giữa sân trường - Ảnh 5.

Các trường đua nhau 'trảm' phượng vĩ, chỉ còn gốc trơ trụi giữa sân trường - Ảnh 6.

Công nhân cưa hạ phượng trong Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên.

Theo quan sát của PV, các cây phượng bị cưa hạ ở Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên đều bị mục ruỗng ở gốc. Còn 5 cây phượng được hạ độ cao ở Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu có bề ngoài bình thường. Với việc cưa hạ theo cách "quan tâm đặc biệt" thế này, không biết đến khi nào những cây phượng mới đâm chồi, nảy lộc tốt tươi như kỳ vọng của nữ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu.

Tại Trường Mầm non Tân Thành (phường Tân Thành), nhà trường cũng cho cưa hạ độ cao của 6 cây tháp bút Ấn Độ. Theo lãnh đạo trường này, trong đợt mưa vừa qua, một số cây có hiện tượng nghiêng về phía phòng học. Do đó, nhà trường đã phối hợp với lực lượng môi trường và đô thị tiến hành hạ độ cao các cây xanh trong khuôn viên để đảm bảo an toàn trong trường học.

Các trường đua nhau 'trảm' phượng vĩ, chỉ còn gốc trơ trụi giữa sân trường - Ảnh 7.

Các cây phượng bị cưa hạ trong Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên đã bị mục ruỗng lõi.

Như đã thông tin, cuối tháng 5/2020, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk đã có công văn gửi đến Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc, yêu cầu phối hợp với đơn vị quản lý môi trường-đô thị trên địa bàn, tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ cây xanh, cây bóng mát trong khuôn viên trường học để cắt tỉa, gia cố và có biện pháp ứng phó với tình huống cây xanh gãy, đổ trong mùa mưa lũ, đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh.