Tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh là gì?
Khi nuôi con thơ thời hiện đại, ít nhiều cha mẹ sẽ nghe đến cụm từ "tuần wonder week"- tuần khủng hoảng của trẻ. Theo chị Kim Oanh (Mẹ Cá Heo) - một chuyên gia trong lĩnh vực EASY, thuật ngữ wonder week ra đời cách đây khoảng 40 năm, mô tả sự phát triển vượt bậc của trẻ sơ sinh cả về thể chất và tinh thần.
Ở mỗi giai đoạn này, cha mẹ cảm thấy khó khăn khi đối phó với sự "khó ở" của bé. Từ một "thiên thần" con bỗng gắt gỏng, quấy khóc nhiều hơn. Đây là những tuần bé có bước tiến lớn về tâm lý sinh lý hoặc đang học 1 kỹ năng nào mới. Khi bé nóng lòng muốn học được kỹ năng đó nhưng còn vụng về chưa biết xử lý thế nào vì thế mới diễn ra các tâm trạng khác lạ. Sau giai đoạn này cha mẹ sẽ thấy con có những tiến triển rõ rệt về một kỹ năng nào đó. Ví dụ như bé biết lẫy, biết bò... Và con sẽ dễ tính hơn, ngoan hơn, các lịch sinh hoạt lại diễn ra bình thường.
Trong khi luyện nếp sinh hoạt EASY cho bé, cha mẹ tuyệt đối không nên coi thường những tuần khủng hoảng này của trẻ. Bởi nó có thể khiến những nếp sinh hoạt cha mẹ luyện cho con trước đó bị... toang. "Trang bị kiến thức về tuần khủng hoảng và quy luật của nó sẽ giúp các mẹ không còn hoang mang hay stress nữa. Các mẹ sẽ chủ động và an tâm hơn trong việc chăm sóc con cũng như tạo điều kiện hỗ trợ con sớm đạt được các kỹ năng mới" - chị Kim Oanh cho hay.
Biểu hiện của bé trong tuần khủng hoảng
Theo mẹ trẻ, trong vòng 20 tháng đầu đời, một đứa trẻ có thể trải qua khoảng 10 tuần khủng hoảng. Chúng sẽ có những biểu hiện khác nhau ở mỗi tuần wonder week. Tuy nhiên, trẻ vẫn có một số biểu hiện chung như:
• Quấy khóc cả ngày.
• Giấc ngủ không sâu, dễ tỉnh giấc và khóc.
• Chán ăn, bỏ ăn, ăn ít hơn.
• Đòi bế cả ngày, bám mẹ và nũng nịu mẹ nhiều hơn.
• Nhút nhát hơn, sợ người lạ.
• Tâm trạng thất thường: đang vui tự nhiên cáu hoặc ngược lại.
• Mút tay nhiều, thích ôm ấp 1 món đồ quen thuộc nhiều hơn.
• Đối với các bé lớn (trên 1 tuổi), có thể có nhiều hành động "trở lại tuổi thơ". Ví dụ như bé đã biết đi tự nhiên lại thích bò, bé đã biết xúc lại đòi bốc tay, bé đã cai sữa lại đòi ti mẹ, con nghiện ti mẹ hơn trước,...
Phụ huynh nên đối phó thế nào với tuần khủng hoảng của trẻ
Chị Kim Oanh cho hay: "Bí quyết để mẹ và bé cùng vượt qua giai đoạn wonder week là... chẳng có bí quyết nào cả. Các mẹ chỉ cần ghi nhớ đúng 3 từ này thôi: "MẶC- KỆ- NÓ". Bên cạnh đó, cha mẹ nên dành quan tâm đến con nhiều hơn, thay vì cáu gắt với con. Cùng con chơi các trò chơi để con luyện tập các kỹ năng con đang học.
Trong tuần khủng hoảng, con có thể bị biếng ăn sinh lý. Nhiều cha mẹ thường ép con ăn. Đây là điều không nên. Nếu ép quá, trẻ có thể bị sợ ăn, con cảm thấy không thoải mái mỗi lần đến giờ ăn. Mẹ chỉ cần đợi đến khi con đói thì cho trẻ ăn. Khi con quấy khóc, giúp con quên đi sự khó chịu bằng cách cho con thực hiện hoạt động con thích nhất, massage cho con, cho con đi ra ngoài chơi, nghịch nước...".
Nhiều phụ huynh thường thắc mắc rằng, tại sao sau mỗi tuần wonder week không thấy con có thêm biểu hiện kỹ năng vượt trội nào, chỉ thấy bé ngoan hơn thôi là tại sao. Về điều này, chị Oanh cho hay, các kỹ năng con học được tùy thuộc vào mỗi bé có được tạo điều kiện để phát huy thể hiện nó hay không. Thậm chí nhiều kỹ năng bé học được từ Wonder week 5 nhưng phải đến Wonder week 8 hoặc Wonder week 12 bé mới thể hiện. Vì thế cha mẹ không nên quá lo lắng.
Bảng thời gian diễn ra tuần khủng hoảng của trẻ để cha mẹ tham khảo
Wonder week 5: Trong khoảng từ 4 1/2 tuần – 5 1/2 tuần
Trẻ bắt đầu có chuyển biến về các giác quan. Khi sự trao đổi chất của bé phát triển, và đặc biệt phát triển mạnh mẽ trong vòng tuần thứ 5, ngay sau khi đầy tháng trẻ sẽ bắt đầu "trái tính trái nết". Chính điều này là nguyên nhân mà các bà các mẹ khi xưa nuôi con hay rỉ tai nhau rằng "Ra tháng nó sẽ bắt đầu quấy hơn bình thường". Tuy nhiên khi vượt qua giai đoạn tuần biến đổi thứ 1 này, bé sẽ bắt đầu nhìn vào mọi vật chăm chú hơn, có cảm giác muốn chạm vào mọi vật, bắt đầu biết cười và nhạy cảm hơn với mùi hương.
Wonder week 8: Trong khoảng 7 ½ tuần – 9 tuần
Sau giai đoạn chán ăn, hay quấy khóc thứ 2 này, em bé của mẹ sẽ có thể giữ đầu ổn định hơn, quay đầu về phía âm thanh, bắt đầu có dấu hiệu quan tâm đến đồ chơi, khám phá và quan sát các bộ phận của cơ thể của mình, bắt đầu biết làm những âm thanh gầm gừ nhỏ
Wonder week 12: Trong khoảng 11 ½ -12 ½ tuần
Đây chính là mốc thời gian đánh dấu sự chuyển biến lớn đầu tiên của trẻ. Con sẽ bắt đầu biết lẫy, lật sấp, lật ngửa, ngóc đầu, cười nhiều hơn và thích nghe những âm thanh với tần số khác nhau. Đương nhiên trước đó, mẹ cũng sẽ khá vất vả với những ngày con bỏ ăn hoặc thức đêm không ngủ.
Wonder week 19: Trong khoảng 14 ½ -19 ½ tuần
Mẹ sẽ bắt đầu thấy bé biết cho tay vào miệng mút hoặc cầm nắm để bỏ tất cả mọi đồ vật trong tầm với nhét vào miệng, biết nhìn theo mẹ hoặc bố, đẩy núm ti ra khi đã no.
Wonder week 26: Trong khoảng 22 ½ -26 ½ tuần
Sau khi hết giai đoạn "khó chịu" này, trẻ sẽ bắt đầu biết cầm nắm, biết ngồi dậy, nhổm người, kỹ năng xác định khoảng cách phát triển, bắt đầu biết hét và cười rất to.
Wonder week 37: Trong khoảng 33 ½ -37 ½ tuần
Tuần này là chìa khóa cho trẻ sơ sinh có thể nhận ra rằng những điều khác nhau có thể được nhóm lại hoặc phân loại lại với nhau. Sau khi hết quấy khóc, bỏ ăn, trẻ sẽ có dấu hiệu có thể hiểu một số từ, biết bắt chước người khác, thể hiện tâm trạng của mình, muốn chơi trò chơi và đung đưa theo những bài nhạc quảng cáo, và sẽ bắt đầu tập bò.
Wonder week 46: Trong khoảng 41 ½ - 46 ½ tuần
Trẻ bây giờ bắt đầu hiểu trình tự. Con sẽ bắt đầu nói nhưng từ đơn, biết trả lời câu hỏi ngắn, biết chỉ vào đồ vật mình muốn, thích chơi xếp chồng đồ vật.
Wonder week 55: Trong khoảng 50 ½ -54 ½ tuần
Kỹ năng mới của trẻ sau giai đoạn cáu gắt thứ 8 bao gồm khả năng đi vịn hoặc có thể đi vững, thích cầm đồ vật đưa ra xa, thích vẽ, tự mặc hoặc cởi quần áo.
Wonder week 64: Trong khoảng 59 ½ -61 ½ tuần
Bé sơ sinh ngày nào của mẹ bây giờ đã lớn. Bé bắt đầu biết pha trò, biết nũng nịu, biết nịnh mẹ, bắt chước biểu cảm và hành động của người lớn.
Wonder week 75: Trong khoảng 70 ½ – ½ 76 tuần
Khi gần 20 tháng tuổi, trẻ đã có thể hoàn toàn đi vững và chạy nhảy. Biết xâu chuỗi sự kiện thành hệ thống và có thể thay đổi hành vi cho phù hợp với hoàn cảnh. Trẻ cũng sẽ bắt đầu phát triển sự đồng cảm và ít ích kỷ, cùng với các kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn.