Thức ăn thừa được lưu trữ không đúng cách khi ăn vào có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật. Để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình, bạn nên nhớ kỹ những cách bảo quản thức ăn thừa an toàn, đúng cách dưới đây.

Bí quyết bảo quản thức ăn thừa an toàn

Bảo quản ở nhiệt độ phù hợp

Thức ăn thừa cần được bảo quản ở nhiệt độ dưới 5°C và hâm nóng lại ở nhiệt độ ít nhất là 60°C. Bảo quản ở nhiệt độ trên 5ºC hay hâm nóng thức ăn thừa ở nhiệt độ thấp hơn 60°C đều dễ dàng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào thức ăn và nhân lên.

Thông thường, ngăn mát tủ có độ lạnh tuyệt đối từ 0 - 3 độ C. Tuy nhiên với đa phần tủ lạnh, khí lạnh đi từ trong ra ngoài, do vậy cần lưu ý, thực phẩm cần bảo quản lâu nên sắp xếp gần lưng tủ để ổn định độ lạnh.

Cách bảo quản, xử lý thức ăn thừa an toàn - Ảnh 1.

Cách bảo quản, xử lý thức ăn thừa an toàn

Dọn trống tủ lạnh thường xuyên

Bạn không nên để tủ lạnh quá đầy vì khí lạnh cần có không gian để lưu thông giúp thực phẩm trong tủ được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp và không bị hỏng. Lưu ý, nên hạn chế đặt các hộp lớn ở trong vì sẽ chắn luồng khí lạnh thổi từ lưng tủ ra ngoài.

Có thể sử dụng các loại rổ có nhiều mắt đan để sắp xếp đồ gọn gàng và đảm bảo lưu thông khí lạnh.

Cất đồ ăn vào tủ lạnh sớm

Trong vòng 2 giờ sau khi nấu, thức ăn cần được bảo quản trong tủ lạnh để đảm bảo tươi ngon và an toàn hơn.

Với tủ lạnh thông thường, không nên để trứng sữa ngoài khoang cánh do vị trí này không đủ độ lạnh khiến chúng dễ bị hỏng. Tốt nhất nên đặt trong các hộp chuyên dụng và cất tại vị trí giữa nơi có độ lạnh ổn định hơn.

Cách bảo quản một số món ăn

- Các loại giò chả có thể để 4-6 ngày trong ngăn mát tủ lạnh; 10 ngày trong ngăn đá

- Các loại thịt bò, gà, heo nên bảo quản tối đa 1-2 ngày trong ngăn mát

- Cơm nên bảo quản trong tủ lạnh 1 giờ sau khi nấu và không nên giữ trong tủ lạnh quá 6 ngày.

- Thịt quay bảo quản được 3-5 ngày trong ngăn mát

- Xúc xích bảo quản trong 7 ngày nếu đã mở gói; 14 ngày nếu chưa mở gói

- Nước hoa quả có thể bảo quản từ 7-10 ngày với hộp đã mở; 3 tuần với hộp chưa mở

- Với các loại hoa quả chuối, táo, cam, dâu,... tuỳ vào độ tươi có thể bảo quản từ 2-3 ngày trong ngăn mát tủ lạnh.

- Thực phẩm tươi sống cần chế biến ngay trong ngày có thể để trong ngăn mát ở 0-3 độ C mà không cần cấp đông.

Lưu ý: Những thực phẩm giàu dinh dưỡng bạn tuyệt đối không cất trong tủ lạnh qua đêm như: rau chín, trứng rán thịt, trứng đúc thịt, canh cua… vì sẽ sinh ra chất độc gây hại cho cơ thể.

Cách bảo quản, xử lý thức ăn thừa an toàn - Ảnh 2.

Sử dụng các loại hộp thủy tinh chuyên dụng có nắp kín không gây mùi để bảo quản.

Để tránh nhiễm mùi và phát sinh vi khuẩn trong tủ lạnh, cần lưu ý:

  • Đối với thịt cá sống cần sơ chế sạch và đóng gói kín trước khi lưu giữ trong ngăn đông.
  • Sử dụng các loại hộp thủy tinh chuyên dụng có nắp kín không gây mùi, trong suốt để dễ dàng phân biệt thực phẩm.
  • Không để lẫn thức ăn sống - chín để tránh tình trạng lây nhiễm chéo.
  • Dọn và lau tủ lạnh ít nhất 1 tháng 1 lần.

Một số lưu ý khi bảo quản thức ăn trong tủ lạnh:

- Thực phẩm đã lấy ra khỏi ngăn đông đá thì phải dùng luôn.

- Thực phẩm mới cho vào ngăn đông đá nên để ở phía trong. Thực phẩm cũ nên xếp ra ngoài để dùng trước.

- Nên gắn nhãn đề ngày trên thực phẩm để tránh trường hợp để thức ăn quá hạn sử dụng.

- Dù thức ăn để trong tủ lạnh, thực phẩm vẫn cần được bảo quản trong hộp riêng, đậy kín.

- Một số thực phẩm như pho mai, cá nên được bọc kín bằng giấy bạc.