Hồi còn khỏe mạnh, anh tôi suốt ngày chỉ lo nhậu nhẹt, đàn đúm bạn bè. Anh ấy làm thợ xây, công tuy cao nhưng lại bấp bênh, khi làm khi nghỉ. Khi nào làm có tiền, anh ấy lại ăn chơi, nhậu nhẹt thỏa thích, chẳng quan tâm đến vợ con. Vì bản tính ham ăn chơi, vô trách nhiệm của chồng mà chị dâu tôi khóc suốt. Bố mẹ tôi cũng khuyên can nhưng anh tôi không thay đổi, còn cho rằng bố mẹ nhiều chuyện khi can thiệp vào cuộc sống của vợ chồng anh.
Cứ nghĩ anh trai tôi sẽ sống mãi một cách vô trách nhiệm như thế nhưng rồi tai nạn ập đến, khiến anh ấy thay đổi hoàn toàn. Trong một lần nhậu say, anh ấy tự tông vào trụ rào bên đường với tốc độ cao nên bị thương rất nặng. Khi nhận được tin, chị dâu tôi hớt hải gửi con cho ông bà nội để đến viện. Chị ấy kí giấy phẫu thuật cho chồng rồi lại tất tả lấy hết tiền tiết kiệm đóng viện phí cho anh.
Vì bị thương nặng nên một bên chân của anh tôi phải cắt bỏ. Tỉnh dậy với cơ thể không lành lặn, anh ấy lúc nào cũng ủ rũ, chán chường, chẳng thiết ăn uống. Suốt 2 tháng anh tôi nằm viện, bạn bè anh ấy chỉ đến vài lần. Người mua hộp sữa, kẻ cho vài trăm nghìn với mấy lời hỏi han sáo rỗng. Tôi đến thăm, thấy chị dâu túc trực, đút từng muỗng cháo, động viên tinh thần anh mà tức sôi gan. Tôi hỏi anh trai có người bạn chí cốt nào đến chăm anh được một ngày nào không? Hay có ai cho anh tiền đóng viện phí, cho tiền nuôi con không? Anh tôi buồn bã cúi mặt, vẻ bất lực lẫn hối hận.
Chị dâu bênh vực chồng, bảo sau lần này chắc anh ấy biết hối lỗi và nhận ra đâu mới là người thật lòng quan tâm đến mình rồi. Chị ấy mong tôi đừng nói mỉa mai khiến tinh thần anh ấy tụt dốc nữa.
Thấy anh trai lâm vào cảnh tật nguyền, tôi thương nên cho anh ấy 50 triệu để đỡ bớt phần nào gánh nặng kinh tế. Nhưng về lâu về dài, anh ấy không còn khả năng lao động nữa, chỉ sợ cuộc sống sẽ càng túng quẫn hơn thôi. Nghĩ đến đây, tôi lại càng khâm phục sự bao dung và tình yêu thương chồng của chị dâu. Thấy chị khổ sở, người hốc hác gầy rộc, tôi xót xa quá. Phải giúp anh chị bằng cách nào mới lâu dài đây?