Những chiếc nồi dưới đây sẽ giúp chị em nội trợ tiết kiệm đáng kể lượng điện, gas và còn rút ngắn thời gian nấu món ăn.
Nồi áp suất
Có cả loại nồi dùng điện và loại nồi dùng gas để nấu. Có rất nhiều dung tích cho người dùng lựa chọn, ngoài kiểu dáng truyền thống, một vài nồi áp suất kiểu dáng mới cũng vừa xuất hiện thị trường. Giá bán nồi nhập từ Đức dao động khoảng 2.500.000 đồng - 4.500.000 đồng; giá bán nồi nhập từ Trung Quốc dao động từ khoảng 500.000 đồng - 1.000.000 đồng.
Nồi ủ
Nồi có hệ thống khóa nắp kín, có lớp cách nhiệt chân không ở thành và nắp nồi nên giữ hơi nóng không bị thoát ra ngoài rất tốt. Thức ăn chỉ cần nấu gần chín rồi cho vào nồi ủ là sẽ tự chín nhừ nhờ hơi nóng từ chính thức ăn đã được nấu trước. Người dùng sẽ tiết kiệm đáng kể lượng gas dùng nấu. Chất liệu chính của nồi ủ là thép không gỉ hoặc inox. Trong quá trình dùng nồi, lớp cách nhiệt ở thành và nắp nồi cần được bảo quản tốt, đặc biệt không được dùng nồi bên ngoài để nấu.
Trên thị trường, nồi ủ chủ yếu là hàng Nhật với giá bán từ khoảng 500.000 đồng – 3.000.000 đồng (tùy thương hiệu và dung tích).
Nồi nướng
Loại nồi này có thể đồng thời nướng và hấp thực phẩm nên làm thực phẩm nhanh chín và chín đều. Nồi nướng thủy tinh được cho là lựa chọn tối ưu nhờ đặc tính chịu nhiệt tốt. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần chú ý chọn nồi có độ trong suốt, không có bọt khí, lớp đúc đều đặn, không có vết rạn, dùng tay gõ vào nghe tiếng vang thanh, sờ vào bề mặt cảm nhận láng mịn hoàn toàn. Giá bán dao động từ khoảng 800.000 đồng – 1.500.000 đồng.
Theo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, để góp phần tiết kiệm gas, điện, người tiêu dùng cần dùng nồi đun nấu đúng cách như sau:
-Sử dụng cỡ nồi phù hợp với lượng thức ăn (tránh thức ăn quá ít so với nồi).
- Nên sử dụng nồi kim loại với đáy và thành nồi không quá dày.
- Áp dụng các công đoạn ngâm, vò, băm nhỏ khi nấu để hạn chế việc đun nấu quá lâu.
- Riêng với việc dùng nồi cơm điện: không nên nấu cơm quá sớm, chỉ nên nấu cơm trước khi ăn 30-45 phút để hạn chế thời gian đun nấu.