Nguyên liệu để làm món trà táo tàu nhân sâm:
- Táo tàu khô: 100g
- Nhân sâm: 50g
- Mật ong: 7 thìa canh (hoặc hơn tùy khẩu vị)
- Nước: 1,8 lít
- Hạt thông đã rang và bóc vỏ: một ít
Cách chế biến món trà táo tàu nhân sâm giúp bổ phế ngừa cảm lạnh:
Bước 1: Táo tàu đem ngâm trong nước. Dùng bàn chải nhỏ chà vào các nếp nhăn của quả táo để sạch bụi và tạp chất. Ngâm táo trong nước khoảng 20 phút.
Bước 2: Trong khi táo đang được ngâm thì bạn hãy sơ chế các loại nguyên liệu khác. Nhân sâm đem cắt thành khúc. Gừng rửa sạch, gọt bỏ vỏ và cũng cắt thành những khúc nhỏ. Lưu ý bạn cũng có thể tùy vào khẩu vị của mình mà tăng hoặc giảm lượng nhân sâm và gừng. Nhân sâm nếu cho nhiều thì món chè sẽ có vị đắng. Còn gừng nếu cho nhiều thì sẽ tăng vị cay nồng.
Bước 3: Khi táo tàu đã nở to ra việc tách bỏ hạt sẽ dễ dàng hơn. Bạn dùng dao xẻ theo chiều dọc của quả táo. Sau đó nhẹ nhàng xòe ra và tách phần hạt ra khỏi phần thịt táo.
Lưu ý: Hạt táo tách ra bạn vẫn có thể tận dụng để làm trà táo tàu nên đừng vội vứt bỏ. Hãy để gọn chúng sang một bên.
Bước 4: Cho 1.8 lít nước vào nồi. Tiếp đó là cho táo tàu, hạt táo tàu, nhân sâm, gừng vào. Bật bếp đun ở mức lửa cao trung bình. Tới khi thấy nồi nước trà bắt đầu sôi thì hạ lửa một chút. Đun kỹ để đảm bảo các thành phần nguyên liệu "thôi" ra, đậm vị trong nước.
Bước 5: Đun cho tới khi bạn nhận thấy toàn bộ phần táo tàu căng mọng, ngậm nước. Bạn đậy vung và vặn nhỏ lửa, đun tiếp trong khoảng 40 phút. Sau 40 phút bạn tắt bếp. Dùng rây lọc phần cái và phần nước. Bạn lược bỏ phần hạt táo, gừng đi. Táo và nhân sâm bạn vớt ra để riêng từng loại.
Bước 6: Phần táo sau khi để nguội bớt, bạn cho vào rây, dùng thìa miết để lấy phần thịt táo nhỏ mịn. Phần thịt của táo tàu rất ngọt, nhưng phần vỏ lại rất lợn cợn. Do đó bạn chỉ miết lấy phần thịt, còn phần vỏ thì bỏ đi.
Tương tự với phần nhân sâm. Nếu bạn dùng nhân sâm tươi để nấu món trà này thì thật tiếc khi đem bỏ luôn phần nguyên liệu bổ dưỡng này. Nhân sâm sau khi được nấu sẽ rất mềm. Vì vậy bạn có thể dùng rây để nghiền và lược bã. Như vậy vị trà sẽ ngon và bạn cũng tận dụng được trọn vẹn các nguyên liệu.
Táo và nhân sâm dùng thìa miết để lấy phần thịt mềm
Bước 7: Khi công đoạn lược phần táo và sâm đã hoàn thành bạn đặt phần trà đã lọc lên bếp và đun sôi lại lần nữa. Trong trường hợp bạn và gia đình dùng luôn thì hãy chờ trà nguội bớt (còn khoảng 40 độ C) thì cho thêm mật ong vào. Khuấy đều để mật ong hòa tan hoàn toàn trong trà. Sau đó cho thêm vài hạt thông vào rồi thưởng thức.
Trong trường hợp bạn chưa uống ngay thì có thể bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh (thời gian bảo quản trong vòng 1 tháng). Trước khi dùng thì cho vào lò vi sóng quay ấm, thêm mật ong là có thể dùng.
Thành phẩm trà táo tàu nhân sâm:
Vào những ngày thời tiết "ẩm ương" thay đổi thất thường, độ ẩm không khí cao là điều kiện khiến cho virus vi khuẩn hoạt động mạnh. Từ đó mà chúng ta dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Do đó chúng ta cần tăng cường sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng, ngủ nghỉ hợp lý. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên tăng cường bồi bổ cho hệ hô hấp thêm khỏe mạnh. Và món trà táo tàu nhân sâm này là 1 "phương thuốc" tuyệt vời.
Món trà táo tàu nhân sâm vừa giúp tạo phòng tuyến cho hệ hô hấp, phế quản lại vừa ngăn ngừa cảm lạnh rất tốt. Do nhân sâm là dược liệu thuộc nhóm "bổ khí". Nhân sâm với tính chất đại bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân, định thần ích trí. Dùng khi chân khí trong cơ thể bị suy yếu, biểu hiện người mệt mỏi, rã rời.
Vitamin C trong táo đỏ có thể tăng cường hệ miễn dịch và chống viêm cho cơ thể. Gừng có thể làm ấm dạ dày và lá lách, với tác dụng kích hoạt máu, giảm hàn, khử ẩm, giúp toát mồ hôi…
Trà táo tàu mật ong có vị ngọt của táo, hương nồng và vị đắng của sâm, vị cay từ gừng. Khi uống bạn có thể điều chỉnh lượng mật ong tùy thích với mình. Bạn cũng có thể thay đường phèn cho mật ong. Hoặc nếu bạn muốn màu sắc của món trà này trông giống trà hơn (đậm hơn) thì có thể cho đường nâu. Tuy nhiên việc cho đường sẽ không tốt bằng mật ong bạn nhé!
Bạn nên lưu ý: Không cho mật ong vào khi nước trà quá nóng vì mật ong sẽ gây biến chất, phản tác dụng. Trong mật ong vốn dĩ có các thành phần như một số men quý, các vitamin và vi lượng nếu gặp nhiệt độ cao sẽ bị phá hủy, làm mất tác dụng tốt đối với sức khoẻ. Do đó, chỉ nên pha mật ong với nước lạnh, hoặc nước ấm ở nhiệt độ khoảng 30 – 40 độ C.