Lễ cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm còn gọi là Tết Táo quân. Đây là ngày lễ quan trọng của người Việt từ bao đời nay. Theo tín ngưỡng dân gian, trong suốt cả năm, ông Công ông Táo sẽ ghi lại những việc làm tốt, xấu của gia chủ, rồi cuối năm cưỡi cá chép lên báo cáo Ngọc hoàng vào ngày 23 tháng Chạp.

Lễ vật chuẩn bị ở mỗi vùng miền có sự khác nhau. Ngoài ra, mọi người cần đặc biệt lưu ý, mỗi 1 năm có một vị Táo quân và 1 vị hành khiển khác nhau, nên khi khấn không phải năm nào cũng giống năm nào.

Dưới đây là một vài chia sẻ của chuyên gia để các gia đình Việt có thể thực hiện nghi thức cúng ông Công ông Táo một cách trọn vẹn nhất:

Năm Hợi nên khấn ra sao?

Thượng tọa Thích Minh Hóa (chùa Minh Phước, Hóc Môn, TP.HCM) cho biết trên Pháp luật TP.HCM, mỗi năm có một vị Táo quân và một vị hành khiển, quay vòng của 12 con giáp. Năm nay là năm Kỷ Hợi, các gia đình nên khấn: "Ông Ngũ ôn Nguyễn tào hành binh, ông Lưu Vương hành khiển".

Lễ vật

Cũng theo Thượng tọa Thích Minh Hóa, lễ vật cúng 23 tháng Chạp gồm 3 chén chè trôi nước, 3 đĩa mứt, 3 đĩa trà khô, nhang, đèn, rượu, hoa tươi và mâm ngũ quả. Ngoài ra còn có tiền, vàng, kẹo bánh...

Theo chia sẻ của chuyên gia phong thủy Phạm Cương với báo giới trong nước, lễ vật cúng đầy đủ nhất gồm bộ mũ ông Công ông Táo, mâm cỗ mặn, bánh kẹo, đèn, hương, nến, hoa tươi và 3 con cá chép sống.

Đặc biệt, với bộ mũ cần có 2 mũ có cánh chuồn của Táo ông và 1 mũ không có cánh chuồn của Táo bà. Cá chép sẽ được thả sau lễ cúng. Có gia đình lựa chọn cách giản tiện hơn là cúng tượng trưng bằng một cỗ mũ ông Công ông Táo có 2 cánh chuồn, cùng một chiếc áo giấy, một đôi hia giấy.

Thượng tọa Thích Minh Hóa cho biết: "Việc thả cá chép dưới sông, ao, hồ… để cá cùng đưa thần Táo về trời để tâu tất cả việc dưới trần gian này. Sau khi cúng xong, ba thần Táo đem bỏ ở ngoài gốc cây để các vị nghỉ ngơi. Thần Táo về trời tâu rõ mọi việc dưới trần gian chủ nhà làm cái gì. Tội, phước ngài đều ghi chép để trình Ngọc hoàng.

Ngoài việc cúng trong nhà, nơi an vị ngài vẫn cúng ở trước nhà, đó là tùy mỗi gia đình. Ngày 30 phải rước ông Táo về ngự ở gia đình để cầu xin ngài phù hộ cho đất nước được thanh bình, nhân dân an lạc. Tất cả dân chúng đều cơm no áo ấm. Mọi người đều sống thoải mái qua đầu năm cho đến những cuối năm".

Nên cúng trong khoảng thời gian nào?

Chuyên gia Phạm Cương nói trên Dân trí, thời gian tốt nhất để thực hiện nghi lễ là trước 12h trưa 23 tháng Chạp - thời điểm trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng. Do đó, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh mà các gia đình có thể cúng vào trưa, tối 22 tháng Chạp hoặc sáng 23.

Theo vị này, nếu các gia đình có ban thờ Táo quân đặt gần bếp thì làm lễ ở đó. Nếu không có thì phải thắp hương ở ban thờ thần linh hoặc gia tiên, không nên cúng ở bếp, bởi ban thờ thường được đặt ở nơi linh thiêng, trang trọng trong gia đình.

Cách cúng ông Công ông Táo chính xác nhất theo chia sẻ của chuyên gia - Ảnh 1.

Sau khi làm lễ cúng, người dân mang cá chép đi thả. Ảnh: TL/Lao động

Khác với ông Cương, GS.TS Ngô Đức Thịnh – GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam chia sẻ trên VOV, ông chưa thấy có sách vở nào nói về việc phải cúng ông Công ông Táo trước 12h trưa 23 tháng Chạp.

"Có người cúng buổi sáng, có người cúng buổi chiều, có người cúng hôm trước. Tuy nhiên, nếu cúng vào đúng ngày 23 tháng chạp thì vẫn hay hơn, quan trọng nhất vẫn là lòng thành. Tuy nhiên, cũng không nên cúng sớm quá như trước vài ngày", GS. Thịnh nói.

Chọn cá chép và phóng sinh sao cho đúng?

Dân gian quan niệm, nếu gia chủ dùng cá chép giấy thì sẽ không cần dùng cá chép sống và ngược lại.

Cá chép sống dùng trong dịp 23 tháng Chạp thường là 3 con cá chép màu đỏ. Cá mua về được thả vào chậu nhỏ hoặc bát nước sạch, để cá cạnh mâm cỗ khi cúng.

Theo chuyên gia Cương, gia chủ nên chọn nơi nước sạch để thả cá chép sau lễ cúng. Nên chọn vị trí ở mép nước, thả cá từ từ xuống, chứ không nên thả cá từ trên cao, hoặc đứng ném cá từ xa. Việc này giúp cá sống sau khi được thả.