Đặt câu hỏi đúng trọng tâm

Nếu bạn muốn biết rõ điều gì từ các nhà tuyển dụng ở Đà Nẵng, TPHCM, Hà Nội… thì cách tốt nhất là đưa ra những câu hỏi ngắn gọn, rõ ý. Câu hỏi đúng trọng tâm giúp bạn nêu rõ được thắc mắc của mình và nhận được câu trả lời chính xác.

Cách đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng giúp bạn nổi bật khi phỏng vấn - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Chẳng hạn bạn muốn biết lộ trình và cơ hội thăng tiến cho công việc ứng tuyển này, hãy đặt câu hỏi dạng như "Nhân viên đạt được thành tích tốt thì lộ trình đào tạo và thăng tiến như thế nào ạ?"; Thay vì "Em là người có mục tiêu rõ ràng, mục tiêu của em sau 1 năm làm việc ở đây sẽ phấn đấu lên từng bước cao hơn. Em có thể hỏi là công ty mình có đãi ngộ nhân viên có năng lực hay không, liệu em có cơ hội là bao nhiêu phần trăm?"

Không nên hỏi lòng vòng bởi vừa mất thời gian cho cả hai bên vừa không nhận được câu trả lời chính xác vấn đề bạn cần biết.

Đặt câu hỏi có nội dung xoay quanh công việc

Kiến thức, chuyên môn, kỹ năng, khó khăn, trở ngại, tố chất… hay bất cứ yếu tố gì xoay quanh công việc là điều mà bạn nên hỏi trong cuộc phỏng vấn. Bởi vì với tin đăng tuyển dụng, bạn có thể chưa nắm được thực tế công việc. Hãy "tận dụng" câu trả lời của nhà tuyển dụng để tìm hiểu thêm bởi họ là người có kinh nghiệm nhất để chia sẻ với bạn. Họ cũng chính là người có trách nhiệm phải giải đáp cho bạn với những thông tin thiết thực.

Bạn không chỉ được hiểu thêm nhiều điều mà qua đó còn cho thấy thái độ cầu thị và muốn tìm hiểu sâu về công việc.

Cách đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng giúp bạn nổi bật khi phỏng vấn - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Ngược lại, ứng viên nên tránh các câu hỏi với nội dung ngoài lề. Ví dụ như hỏi về chế độ du lịch (team building) cho nhân viên có thường xuyên không, trong hay ngoài nước; công ty có cấm nhân viên quan hệ tình cảm không; hoặc hỏi về các mối quan hệ cá nhân người lãnh đạo…

Tránh đặt câu hỏi dạng có – không

Mục đích đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng là trao đổi, tìm kiếm thêm thông tin và thể hiện sự quan tâm của bản thân đến công việc. Vì vậy những câu hỏi mở được khuyến khích thay vì dạng câu hỏi có- không.

Với cách đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng theo dạng mở, họ sẽ có "cơ hội" để giải thích cho bạn những điều mà bạn chưa biết, mà cũng không biết tìm hiểu ở đâu. Những thông tin này có thể là rất cần thiết giúp bạn đưa ra quyết định cuối cùng (chẳng hạn có phù hợp làm việc ở đây hay không).

Ngược lại, khi đặt câu hỏi có – không, cuộc phỏng vấn thường sẽ rơi vào ngõ cụt. Và tất nhiên bạn sẽ không "thu thập" thêm được thông tin giá trị nào.

Đặt câu hỏi theo thứ tự quan trọng của vấn đề

Chắc chắn khi ứng tuyển, ứng viên sẽ có nhiều khúc mắc, từ vấn đề lớn đến vấn đề nhỏ. Khi đặt câu hỏi, bạn nên sắp xếp theo thứ tự quan trọng của vấn đề: Những nội dung quan trọng hỏi trước rồi mới đến vấn đề nhỏ, ít quan trọng hơn sẽ hỏi sau.

Chẳng hạn bạn có thể đặt câu hỏi về công ty, về vị trí ứng tuyển, về kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm… cần thiết cho công việc. Sau đó khi cuộc phỏng vấn gần kết thúc bạn nên đặt câu hỏi về mức lương, thời gian làm việc, số ngày/ giờ tăng ca, thời gian thông báo kết quả tuyển dụng…

Giữ thái độ chân thành và tinh tế

Trong bất kì cuộc phỏng vấn nào cũng có phần nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên đặt câu hỏi. Và thái độ ứng viên chính là điều quan trọng mà nhà tuyển dụng quan sát. Điều quan trọng là hai bên tương tác để giải đáp một cách thỏa đáng trước khi quyết định có hợp tác hay không.

Khi đặt câu hỏi, bạn nên tránh thái độ tiêu cực như gay gắt, dùng ngôn từ khô khan gây cảm giác căng thẳng như đang tra vấn.

Ở vị thế một người đang có nhu cầu tìm việc thì khi đặt ra câu hỏi, bạn nên giữ thái độ vui vẻ, chân thành và tinh tế. Dù nhà tuyển dụng đưa ra những câu trả lời không đúng với kì vọng của mình thì vẫn cần vui vẻ và lịch sự lắng nghe.

Biết cách đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng là một phần quan trọng giúp bạn giải đáp được các thắc mắc và đưa ra quyết định chính xác. Bất kì nhà tuyển dụng uy tín nào cũng sẵn sàng giải đáp thắc mắc của ứng viên với điều kiện bạn biết cách hỏi. Hi vọng với những gợi ý trên sẽ giúp bạn biết cách để hỏi hay và tạo được ấn tượng tích cực ở vòng phỏng vấn.