*Phương pháp dạy con học Toán được chia sẻ bởi blogger "Cha mẹ hiện đại" - một blogger nổi tiếng chuyên viết về đề tài giáo dục tại Trung Quốc:
Toán học là môn học đòi hỏi tư duy logic cao. Làm thế nào để truyền đạt những nguyên lý và kiến thức Toán học vốn trừu tượng đến với cô con gái nhỏ mới vào lớp 1 – bé Đăng Đăng (con của tác giả - PV) – đồng thời khơi gợi niềm yêu thích học Toán ở con? Kinh nghiệm của tôi là: Hãy để trẻ cảm nhận Toán học qua chính cuộc sống hàng ngày.
Khi con gái bắt đầu học cộng trừ, chúng tôi liền kết nối những phép tính cơ bản này với các hoạt động thường nhật. Ví dụ, trong một lần ăn kẹo, tôi dùng một cái đĩa đựng sẵn 20 viên và giao cho Đăng Đăng nhiệm vụ phát kẹo như một “người trực nhật”.
Trước khi phát, tôi yêu cầu con đếm số kẹo và giải thích đó là “tổng số kẹo”. Con rất hào hứng, lần lượt phát cho bố một viên, mẹ một viên, rồi tự ăn một viên. Tôi hỏi: “Con đã lấy bao nhiêu viên?” – “Ba viên”, con đáp. Tôi tiếp tục hỏi: “Vậy còn lại bao nhiêu?” – Con đếm rồi trả lời: “17 viên”.
Tôi khơi gợi thêm: “Nếu đây là một bài Toán, con có viết được phép tính không?” – Đăng Đăng nghĩ một chút rồi viết:
1 + 1 + 1 = 3; 20 – 3 = 17.
Cách học qua trò chơi như vậy khiến con vô cùng hứng thú.

Ảnh minh họa
Toán học ngay trên bàn ăn
Trong bữa ăn, tôi cũng tạo cơ hội để bé thực hành: “Nhà mình có 3 người dùng 3 cái bát, 1 bát để múc canh, 3 bát đựng thức ăn, tổng cộng là bao nhiêu cái bát?” – Con dễ dàng viết được phép tính: 3 + 1 + 3 = 7. Tôi khen: “Đăng Đăng giỏi quá!” – Lời khen đúng lúc càng tiếp thêm động lực học Toán cho con.
Nhờ vậy, khi học đến các dạng bài Toán “đổi cộng thành trừ” hay ngược lại, con đã có nền tảng vững chắc từ trải nghiệm thực tế.
Bài Toán ếch nhảy và nhận thức hình tượng
Tuy nhiên, cũng có lúc con gặp khó khăn. Một tối, Đăng Đăng làm bài Toán “Ếch nhảy” trong sách: Lần đầu ếch nhảy từ 0 đến 10, mất 10 bước; lần sau nhảy từ 10 đến 12, mất 2 bước. Câu hỏi: “Ếch nhảy tất cả bao nhiêu bước?”. Con trả lời 13 thay vì 12 như đáp án vì đếm từ 0 đến 12 là 13 số. Vấn đề nằm ở chỗ con nhầm giữa “điểm” và “khoảng cách”.
Dù chưa học đến kiến thức này, nhưng vì con đã chủ động suy nghĩ nên chúng tôi quyết định đưa con ra sân trường để học thực tế. Bố vẽ 13 vòng tròn từ 0 đến 12, con bắt đầu nhảy từ 0 đến 12 và đếm số lần nhảy. Sau vài lần thử nghiệm, con nhận ra đúng là chỉ có 12 bước. Từ đó, con hiểu rõ sự khác biệt giữa “điểm” và “khoảng”.
Bài học “Ếch nhảy” đã mở ra cánh cửa nhận thức sâu sắc cho Đăng Đăng. Về sau, khi học đến các bài Toán như “trồng cây”, “đồng hồ”, “hành trình” hay “đuổi bắt”, con không hề bối rối.
Dùng cá để dạy phân số
Từ kinh nghiệm này, chúng tôi tiếp tục áp dụng nguyên tắc học từ cuộc sống để dạy kiến thức khó – như phân số. Không dạy lý thuyết khô khan, chúng tôi giúp con hiểu rõ ý nghĩa của “đơn vị 1” và “một phần mấy” bằng cách chia cá trong bữa ăn.
Chúng tôi chia cá thành từng nửa: “Đây là 1/2 con cá” rồi chia tiếp thành 1/4 cho mỗi người lớn. Lặp đi lặp lại nhiều lần, Đăng Đăng vừa ăn ngon vừa hiểu được khái niệm phân số một cách tự nhiên.
Khi con đã hiểu, chúng tôi nâng độ khó bằng cách tăng số lượng cá. Khi hai con cá được đặt lên bàn, con bối rối không biết mình đã ăn bao nhiêu phần. Nhân cơ hội này, chúng tôi giải thích: Nếu tổng là hai con, thì “đơn vị 1” lúc này là hai con cá. Một con trong tổng số hai là 1/2, nửa con là 1/4. Từ cá đến bánh bao, táo, lê – tất cả đều trở thành “giáo cụ trực quan” cho con học phân số.
Nhờ những bài học sinh động đó, Đăng Đăng không chỉ yêu thích học phân số mà còn tự giác theo dõi mỗi khi bố dạy thêm cho học sinh lớn hơn. Đặc biệt, khi nghe đến phần giảng về phân số, con luôn lắng nghe chăm chú, không bỏ sót câu nào.
Khi lên lớp 3, bố đưa ra một đề Toán ứng dụng phân số – là đề do một giáo viên dạy giỏi ở Thượng Hải từng dùng để dạy mẫu. Sau khi đọc kỹ, con xác định đúng “đơn vị 1” và giải bài một cách nhanh chóng, logic và chính xác. Cô giáo dạy Toán còn chia sẻ với bố: “Em mới viết xong đề, Đăng Đăng đã lập xong phép tính, mà còn đúng đến 95%! Có bí quyết gì vậy?” – Bố chỉ cười: “Có lẽ vì Đăng Đăng ăn nhiều cá!”.