Tự nhận mình là một bà mẹ lười, chị Nguyễn Quỳnh Hoa (hiện đang sinh sống ở Tokyo, Nhật Bản) - mẹ của hai em bé 9 tuổi và 6 tuổi - không bao giờ ngồi vào bàn kèm con học hay kiểm tra bài vở của con mỗi ngày. Con chị cũng không học thêm, học nâng cao ở trường lớp nào cả. 

Mỗi ngày con tự đi học, tự ăn uống, chuẩn bị đồ đến trường, đi học về tự vệ sinh cá nhân rồi tự ngồi vào bàn học. Học ít học nhiều là chuyện của con, chị không đánh giá, không phán xét, không cáu giận chuyện con đi học mà nhận kết quả tệ, điều chị quan tâm là hôm nay con đi học có vui không, có vấn đề gì không…

Các con của chị Hoa được mẹ rèn tự lập từ nhỏ.

Lúc còn sơ sinh, chị rèn con tự ngủ, sáu tháng tuổi bắt đầu tập ăn. Một tuổi, con biết ngồi ngay ngắn trên bàn, sử dụng đũa thìa thành thạo, nhai nuốt gọn gàng. Hai tuổi, con biết rửa chiếc bát của mình sau khi ăn xong, biết vệ sinh cá nhân. Ba tuổi, con được dạy về cách liên lạc với gia đình, dạy nhớ số nhà, dạy cách bảo vệ bản thân. 

Đến giờ việc nhà hai bé đều tự giác làm mỗi ngày theo đúng lịch đã phân chia, cùng học cùng chơi với nhau, bé lớn có thể nấu ăn hoàn toàn từ thực phẩm trong nhà. Những ngày mẹ về muộn, hai chị em tự nấu cơm ăn trước để học bài và đi ngủ sớm. Sáng nào cũng đặt báo thức dậy sớm, hai chị em cùng chuẩn bị bữa sáng rồi xếp đồ cùng nhau đi học. 

Chị có thể thong thả đi làm hay đôi khi hai vợ chồng hẹn hò nhau đi cà phê, không phải tất bật mỗi sáng lo đồ ăn cho cả nhà, không phải vội vội vàng vàng về nhà nấu cơm tối, không phải ôm đồm hết mọi việc trong nhà trong sự mệt mỏi và kiệt sức, không có nổi một chút thời gian cho bản thân. Và đó chính là cách mà chị Hoa đã học để trở thành một người hạnh phúc: Học cách buông bỏ, học cách thôi kì vọng, học cách chia sẻ, học cách trở thành một người mẹ không hoàn hảo - không toàn năng.

Mẹ "lười" không áp đặt thành tích, chú trọng dạy con đủ kỹ năng

Để có được sự tự lập, tự chủ và những kĩ năng sống cho con ấy, chị đã dạy con những gì?

Chị Hoa cho rằng, không có cây nào chỉ cần tưới nước một ngày là sẽ ra hoa, kết trái. Một đứa trẻ hình thành được các phẩm chất, phát huy hết ưu điểm của mình cần sự kiên nhẫn và niềm tin trọn vẹn của cha mẹ. Những việc chị dạy cho con đều là những việc rất nhỏ trong cuộc sống nhưng không học thì sẽ không thành người. Bài học lớn nhất của một người thành công là bài học về sự tập luyện chăm chỉ. Trong mọi công việc chỉ cần rèn luyện đủ 10.000 giờ thì sẽ lành nghề. 

Chị dạy cho con nấu ăn để con biết chăm sóc bản thân chu đáo, mà biết nấu ăn ngon thì sau này ở đâu cũng sống được. Vào bếp giúp lũ trẻ rèn luyện sự khéo léo, cách xử lý các tình huống rủi ro và quan trọng là gắn kết tình cảm gia đình. Bây giờ những ngày mình ốm, mình có thể yên tâm khi các con có thể nấu được cơm ăn mà không lo bị đói. 

Chị cũng luôn tôn trọng con, tin tưởng vào con nên mỗi khi con học món mới qua YouTube hay sách báo, mình đều hào hứng cho con tự chủ động mua nguyên liệu và làm chủ bữa cơm hôm đấy. Khi biết nấu ăn, con có nhiều kiến thức về các nền văn hoá thông qua những món ăn được học. Con cũng ăn đa dạng, không kén chọn, trân quý bữa cơm gia đình hơn.

Chị dạy con cách sống gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ để sau này con sống cùng tập thể, con sẽ không làm phiền ai bằng sự bừa bộn, cẩu thả của bản thân. Gia đình chị không bao giờ để bát bẩn qua đêm cũng sẽ không đi ngủ khi nhà cửa chưa lau dọn sạch sẽ, đồ đạc chưa trở về đúng vị trí. Điều đó là để con cái chị không tuỳ tiện, bừa bãi, hiểu được cách sống có trách nhiệm với gia đình, với mọi người.

Chị dạy con cách sử dụng tiền từ lúc 4 tuổi, làm quen bằng việc đi chợ mua đồ cho mình. Mỗi tuần, chị đưa con 3 sen (600.000vnd) để con tự đi siêu thị mua đồ ăn thêm cho mình ăn sáng. Thường là con mua sữa, trái cây, ít khi mua bánh kẹo ăn vặt. Mua không hết, con hay ghi chép lại, bỏ lợn tiết kiệm. Tiền tiết kiệm con gửi về ủng hộ các bạn nhỏ vùng cao đi học.

Chị dạy con cách vượt khó. Gia đình chị thường đưa con đi cắm trại cuối tuần để con hoà nhập với thiên nhiên, học cách giải quyết những tình huống phát sinh trong cuộc sống như không chuẩn bị kĩ lưỡng trước thì sẽ bị mưa, tuyết làm lạnh, như muốn nướng thịt thì phải học cách đi nhặt củi, nhóm lửa… 

Thực tế, gia đình chị không đi cắm trại theo cách thông thường mà luôn thay đổi cách di chuyển. Con phải tự xách đồ và bảo quản đồ của bản thân, di chuyển trên những đoạn đường khó, đi bộ rất nhiều.

Chị dạy con cách giải quyết và đối diện. Gia đình chị không có quy tắc, lằn ranh, giới hạn nào về sự nguy hiểm, về những việc cấm. Chị cho rằng, giới hạn và định kiến của người lớn chính là giết chết sự sáng tạo, tư duy độc lập, giải quyết khó khăn của bọn trẻ. Chị dạy con cách sử dụng gas, điện, nước từ khi có nhận thức cũng chính là giúp con bảo vệ bản thân mình. Con từ nhỏ đã không tha lôi đồ điện hay các loại thuốc tẩy rửa độc hại ra chơi, không đưa lên miệng ăn uống linh tinh.

Chị dạy con cách thưởng thức cuộc sống, sống có mục đích, sống có ý nghĩa. Gia đình chị mỗi năm lại chuyển đến một nơi ở mới, càng ngày càng xa tiện ích, lựa chọn cuộc sống đơn giản, gần gũi với thiên nhiên. 

Chị dạy cho con nấu ăn để con biết chăm sóc bản thân chu đáo, mà biết nấu ăn ngon thì sau này ở đâu cũng sống được.

"Của để dành của nhà mình cho con, có lẽ là những tháng ngày sống thật nhẹ nhõm trong những căn nhà đi thuê bé xinh, không có tài sản nào trị giá, chỉ có những góc bếp thơm mùi yêu thương khi trở về, chỉ có những nẻo đường đã bước qua đủ đầy mưa và nắng. Là tự do, là tự tin, là hạnh phúc sống cuộc đời của chính mình. Là một trái tim lương thiện, một tâm hồn giàu cảm xúc để ham sống cho dẫu ngoài kia có khó khăn đến đâu. Những hành trang nhỏ bé ấy, mình tin sẽ giúp con trở thành người tử tế, sống có mục đích, có đủ giá trị yêu thương khi bước vào đời", bà mẹ hai con chia sẻ.

Đừng bắt con mang trên mình một chiếc mặt nạ "tích cực độc hại"

Theo chị Hoa, tuy rằng người Nhật có nhiều triết lý về gia đình và với người Nhật, đời sống gia đình rất quan trọng nhưng họ không coi việc có con cái - sinh con là mục đích lớn nhất. Đừng coi con cái là cả cuộc đời, sinh con rồi thì nghiễm nhiên phải từ bỏ những sở thích cá nhân, quên đi bản thân, bao bọc con cái vô điều kiện.

Khi một đứa trẻ thường xuyên được cha mẹ nuông chiều, dành sự quan tâm quá mức sẽ mất đi khả năng tự lập, nảy sinh tính ỷ lại. Điều tốt nhất mà cha mẹ có thể làm chính là sống vui vẻ và có trách nhiệm với cuộc đời của mình. Khi được sống trong những năng lực tích cực và hạnh phúc từ cha mẹ, đứa trẻ sẽ phát huy hết khả năng và nuôi dưỡng được phong cách sống tốt đẹp cùng tư duy - thẩm mỹ cao. 

Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên ép con phải mang trên mình một chiếc mặt nạ "tích cực độc hại". Thay vì lo lắng sửa chữa những điểm "tiêu cực" của con, cha mẹ chỉ nên tập trung vào việc công nhận và khuyến khích những điểm mạnh và lối sống tích cực mà con có.

Cách dạy con "không giống ai" của một bà mẹ lười: Con giỏi giang, khoẻ mạnh, thích nghi nhanh - Ảnh 5.

Cách dạy con "không giống ai" của một bà mẹ lười: Con giỏi giang, khoẻ mạnh, thích nghi nhanh - Ảnh 6.

Hai bé có thể sử dụng thành thạo dao, kéo, búa, rìu, có thể chẻ củi “ngon lành”, đóng đinh dựng trại hay nhóm lửa nấu ăn thành thạo.

Cha mẹ thường yêu cầu với sự kì vọng quá cao, ví dụ một đứa trẻ 5 tuổi phải tự biết chuẩn bị đồ, có thể trẻ làm vẫn còn thiếu sót và hôm sau mải chơi sẽ quên hết những điều đã được dạy. Đó là chuyện bình thường. Đừng trách mắng trẻ khi chúng không làm đúng. Hãy ghi nhận công sức của trẻ. Nếu lần tiếp theo trẻ làm, hãy hướng dẫn trẻ kĩ hơn và tránh mắc sai lầm cho trẻ. 

Dưới sự dạy dỗ của mẹ, các con chị Hoa đến giờ đã có thể dùng các loại dao trong bếp rất thành thạo. Con chưa từng bị đứt tay, còn khéo hơn cả mẹ. Con rất thích nấu ăn, thích được đứng bếp nấu các món ăn cho bữa cơm gia đình. Các em có thể thành thạo khá nhiều món ăn cơ bản, tự chuẩn bị được cơm hộp và bữa sáng cho bản thân.

Bọn trẻ cũng cứng cỏi, khoẻ mạnh, ít ốm đau, ít kêu than, ăn uống không kén chọn, thích nghi nhanh; nắm rõ được những kiến thức sống để bảo vệ an toàn cho bản thân. Hai bé có thể sử dụng thành thạo dao, kéo, búa, rìu, có thể chẻ củi “ngon lành”, đóng đinh dựng trại hay nhóm lửa nấu ăn thành thạo. Con tự lập, biết trân trọng và tận hưởng cuộc sống...

"Mình vẫn luôn là một người mẹ ích kỷ, lười biếng, và không biết "hi sinh", một người mẹ hạnh phúc khi có những niềm vui riêng mà không đặt nặng trách nhiệm phải trở thành một người mẹ nuôi dạy con thành đạt", chị Hoa nói. Tuy nhiên, chị lại là một người mẹ chưa bao giờ ngại nghịch, ngại bày, ngại dọn cùng con, luôn là người mẹ đọc hiểu mọi suy nghĩ của con trong cuộc sống hàng ngày. 

"Thật ra, chúng ta trước khi trở thành phụ huynh đều đã từng trải qua quãng thời gian khó khăn của việc đi học. Điều chúng ta mong muốn có phải là những câu hò hét, quát tháo, thúc ép của bố mẹ mỗi ngày hay đôi khi sẽ là những lời tâm sự, hỏi han những vấn đề mà người lớn luôn cho là nhỏ bé và vụn vặt? 

Tuổi nào cũng có những áp lực và khó khăn riêng cần giải quyết, nhưng trẻ con khác người lớn ở chỗ, chúng chưa có đủ kinh nghiệm để giải quyết vấn đề của mình. Bởi vậy, chúng cần cha mẹ là hai người bạn tin cậy nhất ở bên cạnh, đồng hành cùng chúng, định hướng cho chúng. Có vậy, mỗi đứa trẻ đều sẽ phát huy được hết khả năng của mình", bà mẹ này bày tỏ.