Cách dạy học trò trả lại của rơi tại ngôi trường ở Đồng Tháp - Ảnh 1.

Giồng Găng là một trường tiểu học nằm ở vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Mặc dù còn nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhưng các em đang được giáo dục để trở thành những thế hệ có tính cách đẹp, làm người trung thực. Điển hình nhất là việc học sinh trả lại của rơi như một việc làm đương nhiên.

Cuốn sổ công khai danh sách học sinh và đồ vật được trả lại

Chỉ trong 2 năm học, 2017-2018 và 2018-2019, Trường TH Giồng Găng có hơn 170 mục ghi chú số học sinh trả lại của rơi được viết rõ ràng: tên học sinh, lớp, ngày giờ và giá trị “của rơi” được mang trả. Từ số tiền trị giá 1.000 đồng, cho tới hơn 100 nghìn đồng, từ đố vật nhỏ như cây bút viết đên 4 lượng vàng trị giá hơn 150 triệu đồng đều được học sinh mang trả lại.

Vật có giá trị lớn nhất là 4 lượng vàng được 2 em học sinh Ngọc Ý và Như Ý nhặt được vào cuối năm 2018. Các em cùng phụ huynh đã liên hệ với nhà trường, nhờ trả lại cho người đánh rơi. Sự trung thực của các em đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ nhà trường, chính quyền và cộng đồng.

mo-hinh-giao-duc-hoc-sinh-tra-lai-cua-roi-cua-ngoi-truong-tai-dong-thap-1

Hai em Ngọc Ý và Như Ý nhận được khen ngợi sau khi trả lại 4 lượng vàng cho người làm mất (Ảnh: thdt).

Ông Nguyễn Khắc Đảm, hiệu trưởng nhà trường cho biết, mô hình vận động học sinh trả lại của rơi được bắt đầu triển khai từ cuối năm 2017.

“Chứng kiến những học sinh nhặt được của rơi nhưng không biết làm cách nào để trả lại. Có những em cầm lấy sử dụng cho mục đích riêng, có em mang tới nhờ thầy cô trả, nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Nhiều lần như vậy, nhà trường xét thấy cần phải làm cách nào đấy để vấn đề này được giải quyết hiệu quả. Và chúng tôi nghĩ ra là ghi chép cụ thể vào sổ sẽ dễ quản lý hơn”.

Cuốn sổ được quản lý công khai, ghi chép tỉ mỉ. Các em học sinh có thể thông qua giáo viên chủ nhiệm, đội cờ đỏ hoặc giáo viên tổng phụ trách để trả lại đồ nhặt được.

“Ban đầu, việc ghi chép và quản lý khá phức tạp. Vì nhiều khi, học sinh chỉ nhặt được 1.000 đồng, 3.000 đồng. Nhưng nhà trường vẫn ghi chép đầy đủ”, ông Đảm cho biết.

Cách dạy học trò trả lại của rơi tại ngôi trường ở Đồng Tháp - Ảnh 3.

Trường TH Giồng Găng trong ngày hội thiếu nhi vui khỏe năm học 2018-2019.

Công khai biểu dương, khen ngợi trước lớp và toàn trường

Sau khi nhận vật trả lại từ học sinh, tới giờ ra chơi hoặc giờ sinh hoạt, giáo viên tổng phụ trách sẽ thông báo tới toàn trường, nếu có học sinh hoặc giáo viên nhận dạng đúng số tiền hoặc đồ vật thì sẽ được trao trả lại, nếu không có ai đứng ra nhận, nhà trường sẽ đưa vào hộp kín được bảo quản công khai.

Những học sinh mang trả lại vật nhặt được không chỉ được tuyên dương trước lớp, vào buổi chào cờ, các em còn được tuyên dương trước toàn trường. Riêng hai em Ngọc Ý và Như Ý, các em còn nhận được khen ngợi từ công an huyện, Phòng GD-ĐT huyện Tân Hồng, SỞ GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp.

Theo ông Đảm, được khen ngợi sẽ khiến các em cảm thấy vui vẻ, dù rằng lúc đó có thể các em chưa nhận thức rõ ý nghĩa hành động của mình. Nhưng dần dần, khi nhìn thấy niềm vui của những người được trả lại, các em sẽ có nhận thức thiết thực hơn.

Thành lập tổ tư vấn học đường

Tổ tư vấn học đường có nhiệm vụ giải quyết những thắc mắc của học sinh trong học tập, đồng thời tư vấn tâm lý cho các em khi gặp khó khăn. Và tổ tư vấn học đường cũng sẽ hướng dẫn, lý giải, phân tích đúng sai khi phát hiện học sinh nhặt được của rơi nhưng không mang trả lại.

Đơn giản như, có học sinh nhặt được cây bút viết, các thầy cô sẽ nhẹ nhàng khuyên bảo, rằng nếu em không trả lại, bạn bị mất bút sẽ không có gì để ghi chép bài. Cũng nhờ tổ tư vấn học đường, có nhiều em học sinh đã được vận động trả lại đồ nhặt được.

Số tiền không người nhận sẽ được sử dụng minh bạch, ý nghĩa

Tại Trường TH Giông Găng, từ cuối năm 2017 đến nay, số tiền học sinh trả lại không có người nhận khá lớn. Nhà trường đã trích số tiền để mua quần áo cho một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ông Đảm nhận định, luôn công khai, minh bạch trong mọi hoạt động thì mới có thể kêu gọi học sinh trung thực.

Trong vấn đề giáo dục trẻ nhỏ, nhà trường cũng đã kết hợp với phụ huynh để giúp các con hoàn thiện những tính cách đẹp.