Mặc dù là một sản phẩm được thường xuyên sử dụng nhưng tác dụng thực sự của các loại kem chống muỗi không phải ai cũng nắm rõ. Chính vì không nắm rõ về công dụng cũng như thành phần của các sản phẩm kem thoa chống muỗi nên nhiều người sử dụng rất tuỳ tiện, dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn.
Ảnh minh họa
Theo chia sẻ của TS. Nguyễn Ngọc Thanh, Khoa Công nghệ hóa học, Đại học Công nghiệp Hà Nội, bản chất những chất để có thể khiến muỗi tránh xa hoặc để tiêu diệt muỗi thì đều phải là các chất hóa học có độc tính. Do vậy khi chúng ta sử dụng, bôi quá nhiều lên da có thể gây những hiện tượng như: kích ứng da, gây mẩn đỏ, viêm nhiễm, đặc biệt đối với trẻ em, việc sử dụng những thuốc này hết sức nguy hiểm do hệ da, hệ thần kinh của trẻ chưa phát triển. Mặt khác trẻ chưa ý thức được việc mình đang bôi thuốc, trẻ có thể quệt lên mũi, quệt lên mắt gây kích ứng những bộ phận nhạy cảm này, ảnh hưởng đến giác mạc, hoặc trẻ có thể nuốt kem vào gây ảnh hưởng đến hô hấp.
Theo các chuyên gia, để có thể phát huy được hiệu quả của các loại kem thoa chống muỗi, người tiêu dùng cũng cần trang bị những kiến thức nhất định. Đặc biệt, không nên dùng kem thoa chống muỗi cho những trẻ dưới 5 tuổi. Nếu không muốn sử dụng các loại kem thoa chống muỗi, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản sau để giảm thiểu việc bị muỗi và côn trùng đốt:
- Lựa chọn những bộ quần áo có gam màu nhẹ như màu be hay ôliu để giảm thiểu sự chú ý của côn trùng.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B1 như: đậu xanh, các loại hạt và khoai tây… sẽ làm cho máu của bạn có vị khó chịu đối với muỗi. Bên cạnh đó, nên tránh những thực phẩm có nhiều muối, vì nồng độ muối trong cơ thể cao sẽ làm tăng axit lactic, một chất có khả năng thu hút muỗi và côn trùng.