Để giúp các sĩ tử tự tin hơn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới, tránh sai sót không đáng có cũng như cách làm bài thi đạt điểm cao, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với cô Lương Thu Thủy - Tổ phó chuyên môn, phụ trách môn Ngữ văn Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) về những điểm cần chú ý nhất khi làm đề thi môn Văn.

Cách giải quyết đề thi Ngữ văn vào 10 đạt điểm cao nhất từ cô giáo Hà Nội - Ảnh 1.

Cô Lương Thu Thủy - Tổ phó chuyên môn, phụ trách môn Ngữ văn trường THCS Trưng Vương

Thưa cô, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội chính thức bắt đầu. Theo cô, thời gian này thí sinh nên ôn luyện thế nào thì hiệu quả?

Với môn Văn giai đoạn này, các em nên kết hợp vừa luyện đề thi thử các năm trước hoặc đề trong sách luyện đề vừa ôn tổng hợp các văn bản và nên ôn theo hình thức sơ đồ tư duy. Bởi lẽ, ôn theo sơ đồ tư duy sẽ khiến các em không bị mất ý, đúng với tiêu chí chấm thi đại trà là “đếm ý ăn điểm”.

Các em cần kết hợp quan tâm cả chế độ sinh hoạt ăn uống, nghỉ ngơi hằng ngày, chế độ dinh dưỡng cho hợp lý, có thêm các hoạt động giải trí và đặc biệt không nên thức khuya vì khi sức khỏe không đảm bảo thì việc tiếp thu bài học cũng rất hạn chế.

Cũng không nên học thêm quá nhiều trong thời gian này, cha mẹ cũng đừng áp lực cho con mà động viên con. Học sinh cần phải tự học nhiều, tự biến kiến thức được các thầy, cô trang bị, ngấm và thấm, biến chúng thành của mình.

Bài thi môn Văn nên trình bày thế nào để được đánh giá cao?

Với môn Văn, các thí sinh hãy lưu ý kĩ năng khi làm bài thi. Trước một đề bài, điều đầu tiên các em cần làm là đọc kỹ đề, phân tích đề, bằng cách gạch chân những từ khóa trong đề để định hướng cho câu trả lời của mình sao cho đúng trọng tâm câu hỏi.

Sau đó thì thí sinh nên phân bổ thời gian hợp lý và câu nào làm được ngay thì làm luôn, câu nào chưa làm thì khoanh vào đề để tránh bị sót.

Với môn Văn, nhiều học sinh nghĩ rằng không cần nháp nhưng đó là sai lầm; nhất là với hai đoạn văn: đoạn văn nghị luận văn học và nghị luận xã hội càng cần phải làm nháp vì hai phần này chiếm 55% tổng điểm của bài thi.

Chẳng hạn như với câu nghị luận văn học, đề bài yêu cầu làm khổ thơ nào thì viết khổ thơ đó ra nháp và lập dàn ý những tín hiệu nghệ thuật cùng nội dung đi kèm.

Để viết tốt đoạn văn nghị luận xã hội: các em nên quan tâm đến những tin tức thời sự, câu chuyện cuộc sống, những gì đang diễn ra xung quanh mình… để có thể làm dẫn chứng, ví dụ, minh chứng cho quan điểm, ý kiến của mình.

Với những câu hỏi nhỏ (như hỏi về hoàn cảnh sáng tác, mạch cảm xúc, tình huống truyện…), tôi khuyên các em nên gạch đầu dòng trả lời rõ ràng, đủ ý.

Bên cạnh đó, với môn Văn, một điều rất quan trọng là hình thức trình bày bài phải sạch sẽ, chữ viết ngay ngắn để tạo thiện cảm cho người chấm. Trong quá trình làm bài nếu gạch xóa thì gạch nhẹ một nét và trình bày bài thi bằng một màu mực. Nếu cần phải gạch 1 đoạn dài thì học sinh nên ghi chú ngoài là “bỏ” chứ tuyệt đối không được gạch chéo.

Cô có thể nói rõ hơn về cách trình bày phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội không?

Phần viết nghị luận văn học cũng như nghị luận xã hội sẽ quyết định phân loại thí sinh, kỹ năng tạo sự khác biệt của các em.

Phần nghị luận văn học chiếm 3,5 điểm: Các em chú ý xác định kiểu đoạn văn đó viết theo lối gì, (diễn dịch, quy nạp hay tổng phân hợp) để mình làm đúng yêu cầu. Độ dài khoảng 12 câu, các em đừng viết nhiều quá, không phải cứ dài được nhiều điểm.

Trong đoạn văn sẽ yêu cầu tích hợp thêm 2 kiến thức về tiếng Việt, phần này các em lưu ý dùng càng đơn giản thì càng không bị mất điểm, nên viết đúng, viết đủ, phải gạch chân và chú thích cuối đoạn văn thì mới được điểm.

Đặc biệt lưu ý khi đề thi hỏi về tác phẩm thơ, các em nhớ đừng quên phải phân tích từ tín hiệu nghệ thuật để suy ra nội dung. Vì nếu chỉ nhắc đến nội dung không thì sẽ sa vào lối diễn xuôi thơ; như vậy các em sẽ chỉ được không quá 50% tổng số điểm về nội dung đoạn.

Khi phân tích thơ nên lưu ý viết đến đâu thì trích dẫn thơ đến đó, chú ý mạch cảm xúc của bài thơ; còn với truyện phải nắm được diễn biến câu chuyện cũng như yếu tố nghệ thuật đặc trưng: tình huống truyện, điểm nhìn trần thuật, người kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật…

Khi phân tích nhân vật thì nên giới thiệu khái quát về hoàn cảnh sống nhân vật đó, sau đó đi sâu vào vẻ đẹp và cuối đoạn không được quên nhận xét một chút về những đặc sắc nghệ thuật của truyện.

Cách giải quyết đề thi Ngữ văn vào 10 đạt điểm cao nhất từ cô giáo Hà Nội - Ảnh 2.

Cô Thủy cùng các học sinh của mình.

Với đoạn văn nghị luận xã hội thì đề theo hướng mở, đáp án cũng mở và tất nhiên người chấm sẽ rất tôn trọng ý kiến cá nhân của các em. Khi viết dạng này nên theo dạng mẫu, có các dạng bài nghị luận tư tưởng đạo lý, hiện tượng xã hội như những tấm lòng sẻ chia, tình người ấm áp trong đại dịch, câu chuyện đời thật việc thật như anh Nguyễn Ngọc Mạnh cứu em bé rơi từ tầng cao của chung cư xuống hay cô bé Nguyễn Hải An hiến giác mạc, khi cô bé mất đi ánh sáng vẫn còn lại cho cuộc đời... Đây là những dạng bài kiểm tra hiểu biết cũng như cảm nhận cuộc sống của các em như thế nào.

Lưu ý dạng bài này không lấy dẫn chứng nào từ tác phẩm văn học cả mà phải lấy dẫn chứng từ thực tế cuộc sống, từ những câu chuyện diễn ra xoay quanh cuộc sống của các em, các câu chuyện mang tính thời sự cập nhật thì càng được đánh giá cao.

Khi viết nghị luận xã hội nên nêu khái niệm (ví như hỏi lòng nhân ái thì mình sẽ viết lòng nhân ái là gì...) sau đó thì nêu biểu hiện, ví dụ cũng như câu chuyện người thật, việc thật liên quan đến câu hỏi... để đánh giá vốn sống cũng như nhận thức của các em.

Các em hãy nêu những ý nghĩa, vai trò cũng như tầm quan trọng của vấn đề (ví như sự sẻ chia có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống...) nếu hỏi về hiện tượng tiêu cực thì các em phải nêu được nguyên nhân cũng như hậu quả của vấn đề.

Sau đó là phần mở rộng vấn đề: không phải ai cũng nhận thức đúng, vẫn có người suy nghĩ lệch lạc và phải nêu giải pháp hành động như làm sao phát huy những điều tích cực và giảm thiểu những điều tiêu cực; sau đó liên hệ bản thân.

Các em nên sử dụng câu kết cho đoạn nghị luận xã hội bằng một thông điệp hoặc một khẩu hiệu khiến cho bài viết không bị cứng nhắc mà còn gây được ấn tượng với người chấm. Hãy viết càng chân thành, càng thiết thực càng tốt.

Tôi có lập những đôi bạn cùng tiến trong lớp học tôi phụ trách và nhận thấy, những bạn học tốt môn văn sẽ hỗ trợ những bạn học chưa tốt và điều này có hiệu quả rõ rệt, vậy nên các em hãy tích cực học cùng những người bạn, đừng ngần ngại.

Tôi dự đoán năm nay học sinh bị ảnh hưởng dịch bệnh, học trực tuyến thời gian dài nên đề thi sẽ rất cơ bản, vừa sức với học sinh và không đánh đố nên các em cứ yên tâm ôn tập. Hãy giữ một tâm lí thoải mái nhất; ôn tập một cách khoa học, hiệu quả; đừng quá áp lực cho bản thân. Hãy biến áp lực thành động lực để quyết tâm giành kết quả cao nhất.

Xin cảm ơn cô về cuộc trò chuyện!