Lẩu Thái có hương vị rất riêng, với nước lẩu vị chua cay đặc trưng của ẩm thực Thái.
Chị Châu Ngọc (Hà Nội) cho biết, những ngày thời tiết lạnh chị hay nấu lẩu Thái chiêu đãi cả nhà, đơn giản là vị chua chua ngọt ngọt cay cay dễ ăn kèm các thực phẩm nhúng cũng không quá kén chọn.
Bài viết về cách nấu lẩu Thái được chị Châu Ngọc chia sẻ trên nhóm Facebook Yêu Bếp (Esheep Kitchen Family) được nhiều chị em nội trợ quan tâm:
Nguyên liệu
2 củ sả
2 củ hành khô
1 củ tỏi, 5 lát riềng
10 lá chanh
1 quả dứa, ngô ngọt
3 quả cà chua
1 củ hành tây
Gia vị lẩu Thái, nước cốt dừa
Thịt bò, đậu phụ, hải sản như cua, ghẹ, tôm, mực, bạch tuộc...
Rau nhúng lẩu các loại tùy sở thích như hoa bí, cải thảo
Cách nấu nước lẩu Thái
Phần A: Đập dập 2 củ sả, 2 củ hành khô, 1 củ tỏi, 5 lát riềng, 10 lá chanh xé đôi.
Phần B: Xay nhuyễn (bằng máy sinh tố) 1/4 quả dứa cùng 2-3 quả cà chua. Thêm 1 bát nước, lọc qua rây lấy nước cốt.
Cho dầu vào phi thơm phần A, sau đó cho thêm 1/4 quả dứa thái vát, 2 quả cà chua thái múi cau, 1 củ hành tây nhỏ vào đảo. Cho phần B vào thêm 500ml nước dừa xiêm (cho nước dừa vào nước dùng thơm ngon dậy vị), thêm lượng nước vừa ăn. Nếu bạn không thích dùng nước dừa thay thế bằng nước lọc.
Cho tiếp gia vị lẩu Thái mua sẵn.
Cuối cùng cho 1 thìa nhỏ cafe cốt dừa (ai không thích bỏ). Nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn là được.
Trang trí lên nồi cùng ít ngô ngọt cắt khoanh, lá chanh xé dọc… xanh đỏ vàng vàng cho đẹp mắt.
Rau nhúng tuỳ thích, chị em nội trợ nên mua rau theo mùa. Mẹ đảm 8X Châu Ngọc cho biết, hiện hoa bí nhiều nên mua hoa bí nhúng vừa ngon lại đẹp.
Các loại hải sản như cua, ghẹ, tôm, mực, bạch tuộc… thịt bò thì dùng bò ta (thái mỏng không ướp) hoặc bò Mỹ đều được, thêm đậu phụ hoặc đậu phô mai.
Nồi lẩu Thái thơm phức mùi lá chanh, sả, ớt vị chua cay, đậm đà khi ăn cùng thịt bò, hải sản, rau, nấm… sẽ có vị thơm ngon của nước lẩu, với thời tiết se lạnh này ngồi ăn lẩu Thái chua cay thì thật là tuyệt.
Chúc các bạn thành công với món lẩu Thái thơm ngon!