Việc tìm người giúp việc gia đình trong xã hội hiện đại là nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít gia đình đã gặp rủi ro khi thuê người giúp việc như mất tài sản, con cái bị bạo hành… Gần đây nhất, sự việc người giúp việc gia đình bỗng dưng trở thành kẻ sát nhân máu lạnh, nhẫn tâm bắt cóc bé gái 2 tuổi, sát hại rồi đòi tiền chuộc, dấy lên hồi chuông cảnh báo đối với nhiều gia đình.
Người giúp việc gia đình và những vụ án rúng động
Ngoài vụ án rúng động là người giúp việc đòi tiền chuộc và sát hại cháu bé, ngày 25/9/2023, bà N.T.C (61 tuổi người giúp việc), đã tẩm xăng vào người tự thiêu, khiến căn nhà trong hẻm trên đường số 2, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP.HCM) của ông N.T.T (45 tuổi) bốc cháy dữ dội. Hậu quả bà C. tử vong.
Nguyên nhân ban đầu xác định, do đầu tháng 9 này, chủ nhà thông báo cho bà C. thôi việc khi bà đã giúp việc cho gia đình này được 15 năm.
Cách đây 1 năm, dư luận TP.HCM cũng được một phen “bàng hoàng”, khi hai người giúp việc gia đình trong một căn biệt thự trên đường Trần Bình Trọng (quận 5) đã bàn bạc với người thân dàn cảnh xông vào nhà cướp 1,8 tỷ đồng và 10.000 USD….Đó chỉ là vài vụ việc trong rất nhiều vụ án do người giúp việc gây ra. Vậy chọn người giúp việc như thế nào để an toàn cho bản thân và gia đình, về vấn đề này, Trung tá, Tiến sỹ Mạc Xuân Hương, khoa Hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân đã đưa ra những phân tích cụ thể.
Nghiên cứu trên thực tế, những vụ việc như vậy xảy ra không phải là phổ biến. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có nhiều vụ việc mang tính chất nghiêm trọng và đặc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra. Đối tượng không chỉ ra tay với những đứa trẻ, mà còn ra tay với những người thân khác trong gia đình chủ. Và hành vi của các đối tượng này, lại rất dã man, tàn độc. Khi ra tay, là quyết tâm thực hiện hành vi đến cùng.
“Mặc dù không phổ biến. Tuy nhiên, phương thức hoạt động của các đối tượng lại hết sức tinh vi. Bởi, các đối tượng này có quãng thời gian nhất định, sống, ăn, ở chung với chủ nhà. Vì vậy, các đối tượng thường nắm bắt rất rõ quy luật sinh hoạt, đặc điểm tâm lý của chủ nhà nên thuận tiện gây án”- Tiến sỹ Mạc Xuân Hương phân tích.
Theo Tiến sỹ Mạc Xuân Hương, các đối tượng, khi đã có âm mưu, ý đồ thực hiện hành vi phạm tội, họ thường có sự tính toán rất tỉ mỉ, thận trọng trước khi gây án.
Ý thức chủ quan của chủ nhà là một phần nguyên nhân
Để xảy ra tình huống này, TS Mạc Xuân Hương cho rằng, một phần do ý thức chủ quan của chủ nhà khi tìm người giúp việc. Khi tìm người giúp việc, gia chủ thường thông qua người quen giới thiệu, nên hoàn toàn tin tưởng. Hoặc thông qua các trung tâm môi giới, họ có giấy xác nhận cụ thể, giấy xác minh về lý lịch. Do đó, chủ nhà tin đó là người tốt.
Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên gia về tâm lý tội phạm học, Tiến sỹ Hương khẳng định, giấy xác minh về lý lịch không nắm bắt hết đặc điểm tâm lý. Thậm chí, nó không thể hiện mối quan hệ phức tạp của người giúp việc.
Trên thực tế, những người đó họ có quá khứ. Ví dụ như nợ nần, chơi bời,…Mà những cái này, trung tâm tuyển dụng không quản lý được. Về phía gia đình thuê người giúp việc cũng không tìm hiểu một cách kỹ lưỡng, tin tưởng vào người quen giới thiệu. Cho nên, khi đưa họ về nhà mình, sẽ xảy ra một số hệ luỵ
“Thứ nhất, không có biện pháp chủ động, kịp thời để giám sát người giúp việc. Ví dụ như, trong trường hợp thuê người giúp việc để làm theo giờ sẽ ít rủi ro hơn so với trường hợp giao hoàn toàn nhà cửa, con cái cho người giúp việc và coi họ như một thành phần trong gia đình. Trong trường hợp đó, có những người giúp việc lợi dụng thời gian đi làm của chủ nhà để họ ra tay với những đứa trẻ. Ví dụ như bạo hành, ngược đãi”- Trung tá Hương nói.
Có những trường hợp, theo Trung tá Hương, thời gian chủ nhà đi vắng nhiều và dài ngày. Với những trường hợp này, người giúp việc có thể lên kế hoạch trộm đồ rồi bỏ trốn.
Vì vậy, theo Trung tá, Tiến sỹ Mạc Xuân Hương, khi tìm được một người giúp việc theo giới thiệu, chủ nhà có thể quan sát bằng mắt, thấy ưng ý nhưng chủ nhà nên có hành động để thử thách người giúp việc.
Cần có sự thử thách tính ngay thẳng của người giúp việc
“Ở đây, sự thử thách không chỉ là trung thực, thật thà, mà thử thách ở đây còn cần phải có biện pháp theo dõi, giám sát”- Tiến sỹ Hương nói.
Cụ thể, theo Tiến sỹ Hương, trong gia đình, nếu như chủ nhà thường xuyên đi làm về muộn, thường xuyên đi công tác xa, cần phải lắp hệ thống camera ở các vị trí thiết yếu xem họ đã thật tâm hay chưa?
“Có một số người giúp việc có hành động tắt mắt những đồ đạc lặt vặt trong gia đình, lâu dần nếu mình không kịp thời phát hiện sẽ trở thành những hành vi lớn. Và nếu không ngăn chặn được nó sẽ hành hành vi phạm tội”- Trung tá, Tiến sỹ Mạc Xuân Hương nói.
Trung tá Hương phân tích thêm, trong giai đoạn hiện nay, pháp luật coi người giúp việc cũng là một nghề. Khi người giúp việc đến nhà, chủ nhà có chế độ đãi ngộ cũng như có sự quan tâm đến người giúp việc. Tuy nhiên, không được để cho họ biết được những thói quen, những bí mật riêng tư trong gia đình, đặc biệt là vấn đề liên quan đến tài sản, công việc. Bởi vì, khi họ biết họ sẽ đòi hỏi, hay tạo ra yêu cầu khó khăn cho gia chủ.
Bên cạnh đó, bản thân gia chủ cũng cần có thói quen sinh hoạt đúng mực, chuẩn mực để người giúp việc nhìn vào đó người ta trân trọng gia đình, trân trọng người chủ, người ta toàn tâm toàn ý chăm lo cho gia đình, không để điều đáng tiếc xảy ra.
Trong trường hợp, nếu gia chủ để phát sinh mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình với người giúp việc, mâu thuẫn đó âm ỉ sẽ sinh ra thù hận. Đến thời điểm nào đó, người ta sẽ có hành động trả thù. Nếu chủ nhà phát hiện có nhen nhóm những hiểu lầm, cần có hành động giải quyết dứt điểm. Tránh họ nuôi thù hận, dẫn đến những hành động phạm tội.