BSCKII Nguyễn Hoàng Yến, Phòng trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đây là một thực tế đáng quan ngại trong quá trình khám bệnh cho trẻ em.
“Trẻ con bé tí có gì mà áp lực”
“Thay vì gạt đi thì các bậc cha mẹ cần nhận thấy đây là tín hiệu “kêu cứu”, phải đặc biệt lưu tâm, là những dấu hiệu khởi đầu của hành vi, mong muốn tự sát ở trẻ. Khi trẻ bày tỏ cảm xúc, đó là lúc con rất cần sự đồng cảm, sự chia sẻ, sự lắng nghe… Các bậc cha mẹ, người thân khi bắt được tín hiệu này nên hỏi han, khơi gợi để con nói ra những bất an, sự đau khổ, tuyệt vọng của trẻ”, BS Yến nói.
Trong một group riêng tư trên mạng xã hội, một học sinh chia sẻ: “Tôi là một học sinh lớp 8, tôi luôn cảm thấy tự ti vì nhan sắc và đôi lúc cũng cảm thấy ghen tị với các bạn nữ trong lớp, trong khi các bạn ấy được các bạn trai quý mến và giúp đỡ. Tôi không có bạn chỉ bởi vì tôi không có một gương mặt ưa nhìn, cả tiết học thậm chí là cả buổi và cả ngày đi học tôi dần như một đứa tự kỷ ngồi một mình một chỗ ngồi và nhìn các bạn nữ khác trong lớp vui vẻ với đám con trai. Nhiều lúc tôi chỉ muốn kết thúc buổi học nhanh chóng để trở về căn phòng im lặng chỉ một mình tôi. Tôi không có ai để tâm sự ngoài chiếc điện thoại, kể cả bố mẹ tôi đều không quan tâm đến mọi ngày đi học của tôi như thế nào. Tôi gần như tránh mặt mọi người trong gia đình và gần như không tham gia một bữa tiệc, bữa cỗ nào đông người, và chỉ ngồi trong phòng một mình là chủ yếu. Nhiều lúc tôi muốn tìm được một người để tâm sự hết những việc mà tôi cất giấu trong người lâu lắm rồi nhưng không tìm được. Tôi không muốn đến chỗ đông người và cũng dần chán những thứ mà tôi từng thích thú trước kia…”.
Cùng tâm trạng, nhiều thành viên là trẻ em, học sinh giấu danh tính bày tỏ câu chuyện, áp lực của mình, trong đó đều thể hiện nỗ lực, cố gắng vượt qua. Nhưng khi tâm sự với bạn bè thì một số lại đem ra để trêu chọc, cũng có một số người động viên “đừng suy nghĩ nhiều”, “cố lên”; còn bố mẹ thì gạt đi “trẻ con bé tí có gì mà áp lực”… Khi không được lắng nghe, thấu hiểu dễ dẫn đến trạng thái trầm cảm ở trẻ với các biểu hiện buồn chán, đau khổ, không có động lực và hứng thú trong cuộc sống, không cảm thấy mình còn ý nghĩa, hoặc các hành vi mang tính chống đối: Bỏ học, sử dụng chất kích thích… Các nghiên cứu cho thấy, trầm cảm là một trong những căn nguyên dẫn đến hành vi tự sát ở mọi lứa tuổi. Để phòng tránh, trẻ cần được tư vấn, hỗ trợ tâm lý và không bắt buộc phải là các bác sĩ, chuyên gia mà phụ huynh, giáo viên cũng có thể đồng hành, từ đó nhận biết những nguy cơ và sớm ngăn chặn hành vi không đáng có của trẻ.
Học cách “làm cha mẹ”
Phải khẳng định rằng, trong chăm sóc trẻ em thì bố mẹ có vai trò đầu tiên và quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ, bởi họ là người gần gũi con nhất, hiểu con nhất và có những giải pháp để giải quyết khi có những dấu hiệu bất thường.
“Phụ huynh, cha mẹ có vị trí, vai trò chăm sóc và bảo vệ con mà không ai thay thế được. Đầu tiên, cha mẹ phải là người mà trẻ em sẵn sàng chia sẻ những tâm tư tình cảm, biến động trong suy nghĩ, tình cảm, cuộc sống hằng ngày. Không chỉ là chăm con, cho con ăn uống đầy đủ, tạo điều kiện tối đa cho con học hành, mà quan trọng hơn tất cả là cha mẹ đi sâu đi sát, trở thành người bạn để hiểu được mong muốn, diễn biến tình cảm, về tâm lý, đạo đức của con. Thông qua nghiên cứu một số trường hợp trẻ em có dấu hiệu sang chấn tâm lý, dấu hiệu dẫn đến hành vi không mong muốn hoặc đã xảy ra như tự sát, tự tử thì chúng tôi thấy đều có vấn đề trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái bị đứt gãy. Do đó cha mẹ phải có cách ứng xử đúng đắn chứ đừng để đến khi đọc được thư tuyệt mệnh của con thì lúc đó là sự ăn năn muộn màng”, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) bày tỏ.
Một đứa trẻ sinh ra, các bậc cha mẹ thường lên mạng tìm hiểu, học cách chăm con về mặt dinh dưỡng như làm sao có nhiều sữa, cho ăn dặm như thế nào, con lười ăn thì khám ở đâu… Khi đó đứa trẻ được quan tâm về mặt dinh dưỡng, nhưng khi đứa trẻ lớn lên, tâm sinh lý thay đổi thì cha mẹ lại ít chăm sóc, bảo vệ con về mặt tâm lý, tình cảm. Nhiều phụ huynh nhận biết vấn đề của con nhưng lại không biết làm thế nào để thay đổi. Về điều này, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, “không phải tự nhiên mình sinh con ra là làm cha mẹ được ngay. Để học làm cha mẹ, các phụ huynh có thể chọn lọc những thông tin trên mạng (website của những cơ quan uy tín, các trang fanpage, kênh YouTobe mà mình cho là hữu ích); mua sách dạy chăm sóc con về tâm lý, tình cảm, phát hiện sớm những sang chấn; thông qua các khóa học; trải nghiệm cuộc sống hằng ngày tiếp xúc với con”. Cho nên, trước khi cha mẹ đổ lỗi cho việc áp lực học tập quá nặng nề, ngành Giáo dục chậm giảm tải thì các phụ huynh phải học làm cha mẹ trước. Cha mẹ tự cứu con mình trước khi trông chờ vào các cơ quan, dịch vụ bên ngoài đang thay đổi chậm hơn. Đó là câu chuyện mà các bậc cha mẹ phòng ngừa sớm được để hiểu con hơn, để chăm sóc và bảo vệ con tốt hơn ngay trong chính môi trường gia đình của mình”.
Thực tế cho thấy, tại Việt Nam việc quan tâm, chăm sóc con cái, phần lớn là thuộc về các bà mẹ. Theo các chuyên gia điều này là không đủ, dễ dẫn đến mất cân bằng trong tâm sinh lý của trẻ, và khi bố mẹ xảy ra xung đột, mâu thuẫn và xấu nhất là ly dị sẽ càng khiến đứa trẻ rơi vào trạng thái ít được quan tâm, lo sợ, trầm cảm. Theo ThS.BS Lê Công Thiện, Trưởng phòng Trẻ em và Thanh thiếu niên, Viện sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai: “Với một đứa trẻ thì sự quan tâm của cả gia đình là điều vô cùng cần thiết. Bởi lẽ, tư duy, cách quan tâm, cách hỏi han của ông bà, cha mẹ đến với đứa trẻ là khác nhau. Nếu chỉ một mình mẹ hỏi han, quan tâm thì không chắc đã bao quát được hết và đáp ứng đúng điều trẻ cần. Vì vậy, hãy xem việc quan tâm con cái là công việc, phân chia đồng đều. Đừng để đến lúc sự đã rồi, tìm giải pháp khắc phục vô cùng khó”.
Những em cô đơn và đứt gãy các mối quan hệ là một trong những cái dẫn đến sang chấn về mặt tâm lý đến vấn đề sức khỏe tâm thần. Vì thế, thông điệp mà tôi muốn nói là tránh để con mình cảm thấy cô đơn và không ai hiểu trong chính ngôi nhà của mình, gia đình của mình, lớp học của mình.
Nếu gia đình không hiểu con mình, nhà trường không hiểu học sinh của mình thì các em dễ bị sang chấn, ảnh hưởng sức khỏe tâm thần, dẫn đến hậu quả rất đáng tiếc.
(Ông ĐẶNG HOA NAM, Cục trưởng Cục Trẻ em)