"Làm bạn với con" là một cụm từ hầu hết được các phụ huynh hiện đại xem như kim chỉ nam trong việc nuôi dạy trẻ. Nhà văn Hoàng Anh Tú từng chia sẻ: "Làm bạn với con có nghĩa là hãy san bằng vị trí của mình đi, chấp nhận sự đúng sai trên lý luận và đối thoại chứ không phải trên cương vị cha mẹ với con cái.

Làm bạn với con có nghĩa là bình đẳng, dân chủ và minh bạch với con mình. Làm bạn với con có nghĩa là dùng sự chân thành, tin tưởng chứ không phải bằng sự hy sinh, yêu thương hay bảo ban, dạy dỗ".

Nói về vấn đề này, chuyên gia Anh Nguyễn, tác giả của cuốn sách "Làm mẹ không áp lực" chia sẻ: Không ít lần anh gặp hai hình ảnh tương phản. Cũng là 1 tình huống gọi trẻ ra về khi đang chơi trong công viên, nhưng cách của 2 người mẹ lại có kết quả tương phản nhau.

“Người mẹ thứ nhất nói: "Lucy này, mẹ xin lỗi, nhưng con và mẹ phải ra về ngay", trong khi đó người mẹ thứ 2 nói với cậu bé Itto rằng: "Trễ rồi, nghỉ chơi đi, đi về!".

Cô bé Lucy đáp lại mẹ: "Sao lại về ạ, con đang chơi với Daisy mà", bà mẹ giải thích "bà đang đợi ở nhà, chúng ta phải về thôi". Lucy chào bạn và theo mẹ đi về.

Còn Itto, cậu bé hét với mẹ "Không! con không về", bà mẹ nắm tay con đi về mặc dù cậu la khóc.

Cách nói chuyện của cha mẹ gây ra tác động khác biệt đến con - Ảnh 1.

Chúng ta chắc hẳn nghĩ rằng: Sao Itto lại hư quá, còn Lucy ngoan hiền dễ thương. Nhưng, thực ra kết quả của Itto hay Lucy đều nằm ở bao nhiêu "tiền gửi tiết kiệm" mà những người mẹ bỏ vào để xây dựng mối quan hệ.

XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ BẠN BÈ VỚI CON CÁI

Nghe có vẻ lạ, thậm chí có người sẽ bảo: Muốn con cái “được voi đòi tiên” hay sao mà bình thường như bạn bè. Thực ra, quan niệm này đã lỗi thời. Làm bạn với con là cách hay nhất để dạy dỗ và hướng dẫn trẻ. Khi làm bạn, bạn mới cho trẻ cảm giác an toàn để chia sẻ.

Dù gia đình ngày nay đã thu nhỏ lại và thường chỉ cha mẹ và con cái cùng sống trong 1 mái nhà, nhưng chưa chắc bạn biết con cái mình làm gì, chơi với ai và suy nghĩ gì.

Rất nguy hiểm nếu chúng ta không biết gì về các con và cũng không thể hiểu các con khi nào cần giúp đỡ. Mỗi con người chỉ có 1 cuộc đời để sống, mỗi đứa trẻ chỉ có 1 tuổi thơ để nhớ. Nếu hời hợt qua loa, thì dù sống cạnh nhau kết quả cũng chỉ là người "xa lạ".

"GỬI TIỀN TIẾT KIỆM" CHO MỐI QUAN HỆ NÀY NHƯ THẾ NÀO?

Khi đề cập đến tình bạn với con cái, chúng ta nên nhớ đến hình ảnh con heo đất của TS. Joseph, ĐH Colorado, Mỹ. Như việc chúng ta bỏ ống heo, theo ông mọi mối quan hệ đều phải được xây dựng, và với con cái bạn cần phải bỏ “tiết kiệm” mỗi ngày nếu muốn các con chọn làm bạn với bạn.

Chúng ta nên gửi "tiết kiệm" điều gì?

Không phải cho trẻ quà bánh, tiền, đồ chơi mà là cách chúng ta :

1. Bày trò chơi với trẻ.

2. Đọc sách cho trẻ mỗi tối.

3. Bày tỏ sự tôn trọng trẻ khi giao tiếp và xem trẻ như người bạn để chia sẻ, thậm chí cần sự cảm thông như gọi tên trẻ, bày tỏ xin lỗi nếu điều đó là đang ảnh hưởng đến trẻ, cho trẻ sự lựa chọn...

Trở lại ví dụ của mẹ Lucy, người mẹ này đã xem và tôn trọng con như một người bạn, mong muốn sự thông cảm của Lucy "phải về nhà sớm với bà" nên bà đã gọi tên Lucy, xin lỗi cô bé và đưa ra lí do. Khi bạn biết tôn trọng trẻ thì trẻ sẽ học được cách tôn trọng lại bạn và cả người khác. Đó là khoản gửi “tiết kiệm” rất quan trọng và nên làm từ độ tuổi sớm.

4. Dành thời gian cuối tuần với trẻ và gia đình, mà không điện thoại.

5. Tận dụng những khoảng thời gian trong ngày để cho trẻ biết bạn quan tâm trẻ như ôm hôn con, chúc con ngủ ngon, cùng con làm bài tập, cùng trẻ di dạo, làm cái gì đó cùng nhau như làm con diều chẳng hạn...

6. Nếu có lúc nào đó trong ngày, tâm trạng con bạn cứ như cọng bún thiu, mệt mỏi và chán nản. Đây chắc chắn là thời điểm tốt mà bạn nên gửi “khoản tiết kiệm” của mình, hãy cho trẻ biết bạn là người bạn trung thành nhất của trẻ. Khi đó, nắm tay trẻ và nói: "hôm nay là một ngày khó khăn và mẹ cũng vậy. Mình đi ăn món tàu hủ con thích và kể mẹ nghe có chuyện gì nào?".

7. Khi đứa trẻ chạy sà vào bạn và nói: "Con nhớ mẹ quá!", bạn sẽ làm gì? Đừng bàng quan không nghe thấy hay trả lời cho xong. Có 1 số trẻ thích thể hiện yêu thương hay nhớ nhung, cũng có trẻ ít thể hiện hơn, nhưng dù trẻ thuộc tính cách nào điểm chung là lúc đó trẻ đang cần 1 đáp ứng tích cực từ cha mẹ. Để có “khoản gửi tiết kiệm” tốt, bạn nên ngồi xuống hay bế trẻ lên để ngang tầm mắt bạn và nói "mẹ cũng nhớ con lắm!".

8. Có những việc nên cho trẻ là một phần của bức tranh.

* Ví dụ: Bức tranh siêu thị: Khi đi siêu thị đừng chỉ cho trẻ đi cùng, mà còn trao 1 trách nhiệm cho trẻ như lấy túi nilong bỏ rau củ giúp mẹ;

* Ví dụ: Bức tranh quán cafe: Đừng để trẻ bận rộn với chiếc điện thoại, hãy cùng nói chuyện, đố vui;

Cách nói chuyện của cha mẹ gây ra tác động khác biệt đến con - Ảnh 2.

* Ví dụ: Bức tranh phòng đợi bác sĩ: Đừng đi đến chỉ để ngồi đợi đến lượt khám, mà cho trẻ biết: Khi đợi con chơi ở đâu và giọng sẽ ở mức nào là được phép.

Thực ra, đó chỉ là 1 số ví dụ về những bức tranh cuộc sống hằng ngày của chúng ta và sẽ có nhiều bức tranh khác. Dù ở bức tranh nào, bạn nên xem trẻ như 1 cá thể thực thụ thì trẻ sẽ hành xử như 1 người bạn để không làm bạn thất vọng.