Chào bác sĩ, em năm nay 23 tuổi, chưa kết hôn. Từ ngày ra trường, đi làm em mới chú ý hơn đến bản thân mình. Em nhận ra rằng mình rất hay bị ra nhiều khí hư, cho dù đó không phải là ngày rụng trứng. Thỉnh thoảng em thấy khí hư có mùi hôi. Ngoài ra em không thấy có biểu hiện đặc biệt nào khác. Bác sĩ cho em hỏi, như vậy có phải em đang bị bệnh gì đó không và làm sao để tránh tình trạng khí hư ra nhiều? Em xin cảm ơn bác sĩ! (Trần Thanh Hiếu)
Trả lời:
Bạn Thanh Hiếu thân mến!
Khí hư vốn là một trong những đặc điểm sinh lý bình thường của người phụ nữ. Nó có tác dụng làm sạch âm đạo cũng như tạo điều kiện cho việc "sinh hoạt vợ chồng" hoặc thụ thai được dễ dàng hơn. Khí hư có 2 dạng là: dịch tiết sinh lý và khí hư bệnh lý. Theo cơ chế sinh học, trong những ngày rụng trứng, khí hư ra nhiều hơn. Đây là dịch tiết sinh lý bình thường. Khi đó, bạn thường thấy đường sinh dục của mình ẩm ướt hơn mọi ngày, dịch ra nhiều, có màu trắng trong, loãng và thường dính. Khí hư là dịch tiết sinh lý thì không bao giờ gây ra các triệu chứng cơ năng như: đau bụng dưới; ngứa vùng âm hộ, âm đạo, tầng sinh môn; đau khi giao hợp, không có mùi (mùi hôi)...
Khí hư bệnh lý thường xuất hiện khi "vùng kín" bị nhiễm trùng như nhiễm nấm Candida, trùng roi, Chlamydia, các tạp khuẩn...
Đặc điểm của khí hư bệnh lý thường là: Khí hư âm đạo thường ra nhiều; Khí hư có màu vàng xanh, có bọt hoặc trắng đục như mủ hoặc trắng đục bẩn (tùy vào loại vi khuẩn gây bệnh); Dịch thường có mùi hôi; Có các triệu chứng kèm theo như: đau bụng dưới; ngứa vùng âm hộ, âm đạo, vùng sinh dục; đau khi giao hợp, bỏng rát sau giao hợp...
Để tránh tình trạng khí hư ra nhiều, cách tốt nhất là bạn nên giữ cho "vùng kín" sạch sẽ, phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng. Dưới đây là 5 nguyên tắc bạn cần nhớ để phòng ngừa tình trạng này:
- Không thụt rửa âm đạo: Càng thụt rửa, vi trùng, vi khuẩn càng có cơ hội xâm nhập sâu vào bên trong. Bạn chỉ nên vệ sinh bên ngoài âm hộ, giữ cho âm hộ luôn được khô thoáng.
- Uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ: Dùng không đúng thuốc có thể khiến tình trạng bệnh càng thêm nghiêm trọng.
- Không mặc quần áo bó sát người: Hạn chế mặc những loại quần áo quá chật hoặc quần bò bó sát người, tránh mặc đồ lót chật hoặc đồ lót chất liệu nilong, nên chọn đồ lót chất liệu cottong để tạo sự thoáng mát.
- Hạn chế dùng băng vệ sinh: Ngoại trừ những ngày đèn đỏ nên tránh sử dụng băng vệ sinh (băng vệ sinh hằng ngày) và mỗi tối trước khi đi ngủ nên vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục và thay đồ lót.
- Đi khám khi có dấu hiệu bất thường và khám phụ khoa định kì: Khi phát hiện bất cứ biểu hiện bất thường nào của khí hư cần lập tức tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán. Hoặc dù không có bất kì dấu hiệu bất thường nào cũng nên khám phụ khoa định kì ít nhất mỗi năm 1 lần, để sớm phát hiện và điều trị bệnh.
Bạn nên đi khám để biết nguyên nhân của tình trạng hiện tại và được chỉ định điều trị cụ thể, phù hợp. Bạn không nên để lâu vì như vậy có thể khiến cho bệnh trầm trọng hơn.
Chúc bạn vui khỏe!
Nếu có thắc mắc muốn được giải đáp liên quan đến các vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính, tình dục... bạn có thể gửi câu hỏi về cho chúng tôi tại email:[email protected]. |