Khí CO là một loại khí không màu, không mùi. Nó thường xuất hiện trong khói của lò sưởi, bộ sưởi của xe ô tô, động cơ ô tô, lò sưởi điện, lò nướng than, máy phát điện… Các chuyên gia y tế khuyến cáo nếu người dân sử dụng các loại thiết bị này trong không gian kín vô cùng nguy hiểm, dễ gây ngạt khí và tử vong.

Không dùng máy phát điện trong phòng kín

Trước đó, một vụ nghi ngạt khí do sử dụng máy phát điện đã xảy ra vào rạng sáng 17/9 tại xóm 3, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Hậu quả của vụ ngạt khí từ máy phát điện ở Gia Lâm (Hà Nội) vừa qua đã khiến 4 trường hợp tử vong, 2 người đang trong tình trạng nguy kịch. Đây là hồi chuông cảnh báo đến người dân về việc sử dụng máy phát điện không đúng cách.

ngộ độc khí CO
Khí CO là một loại khí không màu, không mùi, thường xuất hiện trong khói của lò sưởi.

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc khí CO là một tai nạn thường gặp nhất trong các loại ngộ độc khí độc, thường gây tử vong và để lại di chứng thần kinh – tâm thần cao. CO xâm nhập cơ thể chủ yếu qua đường hô hấp... Các tổn thương đầu tiên của nhiễm độc CO xảy ra với hệ thần kinh trung ương (vỏ não, nhân dưới vỏ não, đồi thị) kéo theo tổn thương cả thần kinh ngoại biên. Bên cạnh sự phát triển các tổn thương thần kinh, CO còn gây rối loạn tuần hoàn mạch, làm tăng tính thấm của mạch máu, nhất là các mao mạch, gây xuất huyết ở hàng loạt các cơ quan: não, phổi, đường tiêu hóa. Trung tâm Chống độc đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc khí do sử dụng máy phát điện hay sưởi ấm bằng than. 

Theo BS Nguyên, máy phát điện hoạt động trong không gian kín vô cùng nguy hiểm. Nó sẽ cháy yếm khí, sinh ra loại khí độc là CO, nhanh chóng chiếm chỗ của oxy, hít vào sẽ gây ngạt. Nếu không cấp cứu kịp thời, để thiếu oxy não lâu dẫn đến hôn mê, tử vong, cứu được cũng sẽ sống đời sống thực vật do não bị tổn thương. Đây là một chất khí không màu, không mùi, không gây kích thích, có khả năng khuếch tán mạnh. Nó thường xuất hiện trong khói của lò sưởi, bộ sưởi của xe ô tô, động cơ ô tô, lò sưởi điện, lò nướng than, máy phát điện.

Khi nạn nhân nhận biết được mình bị nhiễm độc thì không còn khả năng phản kháng, gọi cấp cứu.

Triệu chứng khi bị ngộ độc khí CO

Các triệu chứng nhiễm độc CO tùy theo mức độ nặng, nhẹ phụ thuộc vào nồng độ CO trong không khí, thời gian tiếp xúc và đặc điểm mẫn cảm của từng cá thể và chủ đạo là các biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương.

Thể nhẹ: Bệnh nhân cảm thấy nặng đầu, đau nhói hai bên thái dương và vùng trán, choáng váng, ù tai, hoa mắt, xa xẩm mày mặt, run chân tay, đau thắt ngực, mệt, buồn nôn, nôn. Da và niêm mạc của bệnh nhân hồng hào. Nhịp tim, mạch nhanh, thở nhanh, rối loạn.

Nếu được chuyển ra khỏi khu vực ô nhiễm CO, được thở không khí giàu oxy, các biểu hiện bệnh thuyên giảm dần, bệnh nhân có thể khỏe mạnh trở lại sau 1-2 ngày.

Thể nặng: Các triệu chứng nhiễm độc có thể kéo dài vài ngày, bệnh nhân thờ ơ, vô cảm, dần chuyển sang mê sảng, suy giảm, mất trí nhớ, co giật cơ, ngất, đồng tử giãn, phản xạ yếu với ánh sáng, giảm phản xạ cơ-gân, cứng gáy. Thở nông, nhanh, mạch nhanh, yếu, giảm trương lực cơ, đặc biệt là chi dưới, bệnh nhân không đứng được, hai chân run, co giật, chuyển sang liệt không đi được. Nếu bệnh nhân mê sảng lâu (trên 48 giờ), tiên lượng xấu, thậm chí tử vong. 

ngộ độc khí CO
Các triệu chứng nhiễm độc CO tùy theo mức độ nặng, nhẹ phụ thuộc vào nồng độ CO trong không khí.

Cách phòng tránh khi bị ngộ độc khí CO

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, khi ở trong phòng kín mà sử dụng máy phát điện hoặc đồ dùng sinh ra khí CO thì  lúc cơ thể cảm thấy khó thở, hơi choáng, cần nhanh chóng dậy mở cửa phòng, tắt ngay các thiết bị hoặc ra ngoài phòng để không bị mệt mỏi do thiếu khí. Không đặt máy phát điện trong nhà, hay ở gầm sàn nhà, máy phát điện phải để cách xa cửa sổ và cửa chính đang mở. Tuyệt đối không dùng than tổ ong, than củi để sưởi trong phòng kín. Không nổ máy xe máy, xe ô tô trong phòng, trong gara kín gió, kín cửa.

Nếu thấy có người bị ngạt khí, cần mở hết các cửa để không khí tràn vào và đưa ngay nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc, nhanh chóng đưa tới bệnh viện cấp cứu, hạn chế di chứng. Trong trường hợp ngạt khí do hỏa hoạn, nạn nhân cần tìm khăn ướt ấp ngay vào mũi để bảo vệ đường hô hấp trong khi tự tìm cách thoát ra hoặc chờ người đến cứu. Người đến cấp cứu nạn nhân cũng cần nhanh chóng gọi thêm người hỗ trợ, đề phòng bị ảnh hưởng khí độc. Quá trình tới viện nếu nạn nhân thở yếu hoặc bất tỉnh, cần phải hà hơi thổi ngạt.

Cùng với những biểu hiện nhiễm độc CO do hỏa hoạn, nạn nhân có thể xuất hiện thêm các triệu chứng của tình trạng say nóng, vết thương bị phỏng, do đó cần đưa nạn nhân ra khỏi đám cháy, nới lỏng quần áo, làm mát bằng quạt gió hoặc chườm khăn mát. Thực hiện sơ cứu các vết thương phỏng (nếu có) bằng cách sử dụng nước mát, sạch, dội nhẹ lên vết thương, chườm đá vùng bị phỏng và băng ép nơi tổn thương để chống thoát dịch. Sau đó nhanh chóng gọi điện thoại cấp cứu hoặc chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất ngay khi có thể.