Mới đây, Giang Ơi đã tiết lộ trên trang cá nhân cách sắp xếp tủ lưu trữ trong phòng bếp của mình và loạt mẹo hữu ích đưa ra cho chị em tham khảo.
Giang Ơi chia sẻ: "Một trong những việc mà bà bầu như mình rất mê trong nhà là sắp xếp. Có một cảm giác gì đó rất thỏa mãn khi mình tỉ mẩn tổ chức đồ đạc thành từng nhóm gọn gàng sao cho tiện nhất với sinh hoạt của mọi người trong nhà. Việc sắp xếp tủ đồ khô và ngăn kéo cũng mang tính cách mạng.
Bởi so với những căn bếp cũ mà mình từng ở, nó thay đổi toàn bộ cách mình lưu trữ đồ khô và tổ chức dụng cụ theo hướng tuyệt vời hơn. Tưởng chỉ là những chi tiết nhỏ nhỏ nhưng thực sự là khi đồ đạc trở nên dễ thấy dễ lấy hơn, tối ưu không gian hơn, trượt ra trượt vô êm hơn thì việc nấu nướng cũng thoải mái hơn nhiều".
Cụ thể, Giang Ơi có hai không gian lưu trữ muốn giới thiệu tới chị em đó là tủ đựng đồ khô 4 ngăn dạng kéo tên gọi là Blum Space Tower và hệ dụng cụ chia ngăn kéo có tên gọi Blum Ambia-line. Đây là hai nơi giúp Giang Ơi lưu trữ nhiều đồ nhất trong phòng bếp và cũng được đánh giá là "cuộc cách mạng". Cùng tìm hiểu kỹ hơn về chúng nhé.
1. Tủ đồ khô 4 ngăn dạng kéo Blum Space Tower
Nhân vật chính của kho bếp nhà Giang Ơi là hệ tủ đồ khô dạng kéo Blum Space Tower. Thực ra với hệ kéo tinh giản như này thì có thể ứng dụng lắp ở nhiều tủ nhiều nơi khác nhau, tức là bạn có thể dùng để đựng dụng cụ bếp hoặc nếu lắp trong phòng ngủ thì có thể đựng quần áo, vật dụng cá nhân…
Nhưng lý do nó hoàn hảo để đựng đồ khô trong kho bếp là một khi đã kéo từng ngăn ra, không có món nào bị chìm vào lãng quên.
"Nếu bạn cũng như mình và từng để gia vị, đồ khô bị quá đát vì nó bị khuất phía trong góc ngăn tủ thì đây là giải pháp cực tuyệt vời. Bên cạnh đó thì mình cũng không còn phải gạt hết đồ phía trước để lấy món phía sau nữa, các cánh cửa sẽ mở góc rộng và phần ngăn kéo thì kéo mở toàn phần, lấy được hết và lấy từ mọi hướng trước, trái, phải rất tiện thao tác", Giang Ơi chia sẻ.
Đối với 4 ngăn kéo, Giang Ơi sẽ xếp theo mục đích và tần suất sử dụng cho phù hợp:
- Ngăn trên cùng: Để nguyên liệu nấu sữa, pha đồ uống, trà cà phê. Mỗi ngày sử dụng khoảng 1 - 2 lần.
- Ngăn thứ hai trong tầm với hơn: Để đựng đồ ăn chó mèo, mỗi ngày tần suất sử dụng khoảng 4 - 5 lần.
- Ngăn thứ ba thấp hơn xíu: Để nguyên liệu chế biến khô, các loại gia vị và đồ ăn vặt.
"Sau này khi nào em bé biết chạy nhảy thì cũng sẽ có thể lấy snack trong tầm với. Còn hiện giờ mỗi ngày mình mở ngăn này khoảng 3 – 4 lần".
- Ngăn dưới cùng gần mặt đất nhất: Để đồ nặng nhất, cụ thể ở đây là rượu.
"Các bạn cũng có thể để bao gạo, các can dầu, chai nước… dưới này vì thường ngăn này sẽ được tính toán để chịu tải trọng nặng nhất. Thường các ngăn kéo sẽ có tải trọng từ 30 - 70kg, nhưng cái hay của nó là có giảm chấn nên dù tải nặng thì kéo ra vẫn rất nhẹ và êm".
"Vì đặc thù của hệ tủ này là các ngăn kéo ra độc lập, từ trọng tải đến vị trí sẽ đều được tính toán để lắp linh hoạt tùy theo sinh hoạt nên mẹo của mình dành cho các bạn là khi làm việc với bên nhà cung cấp và lắp ráp, hãy cho họ biết các nhu cầu lưu trữ đồ khô của bạn.
Ví dụ nếu gia đình hay có sẵn nhiều bình nước cao thì có thể ngăn kéo dưới cùng sẽ được tính toán cho tải trọng lớn phù hợp, cộng với khoảng cách đến ngăn trên cũng tăng để vừa với chiều cao các bình nước. Bên cạnh đó thì lấy đồ nặng từ phía dưới thấp cũng tiện và an toàn hơn là để trên cao.
Nói tóm lại, không có chiếc tủ đồ khô nào là hoàn hảo cho tất cả mọi người mà chỉ có chiếc tủ hoàn hảo cho sinh hoạt gia đình bạn. Càng cố gắng tính toán rõ ràng cách sắp xếp từ giai đoạn thi công, tủ đồ khô của bạn sẽ càng hoàn hảo. Vì có chiếc tủ đồ khô phù hợp nên mình dự trữ được nhiều đồ hơn, tiết kiệm số lần phải đi mua hơn", Giang Ơi chia sẻ thêm.
2. Hệ dụng cụ chia ngăn kéo Blum Ambia-line
Ra đến bếp phía ngoài thì nhân vật chính là hệ dụng cụ chia ngăn kéo Blum Ambia-line. Dụng cụ làm được 2 việc là di dời các máy móc mặt bếp (như máy xay, ấm đun, nồi cơm điện…) vào lưu trữ bên trong và tối ưu được tổ chức đồ đạc trong các ngăn tủ giúp căn bếp phía ngoài có thể gọn và “trống” trong khi vẫn đầy đủ công năng thậm chí tiện thao tác và dễ lấy đồ hơn. Đối với ngăn kéo đựng muỗng đũa và dụng cụ ăn uống, Giang Ơi dùng ngăn tùy chỉnh để chiều dài vừa vặn với từng món đồ.
"Các bạn để ý thấy những cái lỗ dọc ngăn đũa không? Đó chính là các mấu để mình tháo gắn ngăn chia tùy ý cho phù hợp. So với nhà cũ không có điều kiện xếp riêng và muỗng đũa dao nĩa phải để chung hết vào một khay xáo xào thì hệ chia ngăn này đối với mình thực sự là gọn một trời một vực".
Đây là ngăn kéo phía dưới ngăn muỗng đũa, Giang Ơi dùng để sắp xếp dụng cụ chế biến. "Có nhiều bình luận nói rằng để dao ở ngăn kéo thấp thế kia đến lúc em bé biết đi sẽ với tới, rất nguy hiểm. Hiện tại con vẫn còn đang đạp trong bụng mình nên chưa lo chuyện đó, còn đến khi con biết đi có lẽ mình sẽ dời chỗ đựng dao đi chỗ khác", Giang Ơi chia sẻ.
Những đồ phụ kiện này không gắn cứng mà có thể nhấc ra di chuyển linh hoạt và dễ dàng vệ sinh. Về chất liệu, Giang Ơi chọn thép để tối ưu cho bếp. Hệ khay sắp xếp đồ có thêm lựa chọn là gỗ, phù hợp hơn cho ngăn kéo phòng khách hoặc phòng ngủ.
Thường thì tủ nồi niêu trong các căn bếp là một trong những nơi khó xử nhất vì những món này cồng kềnh và rất khó để xếp sao cho gọn. Trong ngăn kéo nồi niêu xoong chảo của Giang Ơi sẽ có một thanh chia để xếp các nắp đậy theo hướng nghiêng, gọn sang một bên. Thế là việc sắp xếp nồi chảo phía bên kia dễ hơn hẳn, mọi thứ trở nên gọn gàng và tối ưu cho không gian.
Nếu thích bạn cũng có thể đặt hàng tương tự tại đây. Giá sản phẩm được tính theo kệ từ 1,7 triệu - 2,2 triệu/kệ (chưa tính công lắp ráp của thợ).
Giang Ơi chia sẻ thêm: "Phần tủ bếp thì công ty thi công sẽ lắp đặt theo thiết kế của kiến trúc sư. Giá thành từng món có từng giá niêm yết khác nhau và không có giá trọn gói. Khi lên thiết kế ban đầu là 1 giá dự trù nhưng trong quá trình còn thay đổi, thêm bớt nhiều nên tổng chi phí cũng thay đổi qua các đợt thanh toán".
Ảnh: NVCC