Mệt mỏi, chán ăn
Anh Nguyễn Văn Trường (sinh năm 1983, Mỹ Đình II, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, khoảng 1 tháng nay anh thấy người mệt mỏi, chán ăn. Ban đầu anh Trường nghĩ nắng nóng mệt mỏi là đương nhiên nhưng tình trạng vẫn tăng lên. Anh Trường đi khám, làm xét nghiệm máu, các bác sĩ cho biết chỉ số men gan của anh tăng cao.
Kết quả chỉ số AST 102 U/l và ALT 86 U/l, bình thường là 40U/L. Bác sĩ cho biết, men gan của anh Trường tăng cao và gan đang bị hủy hoại tế bào dần dần. Trước đây, anh Trường đã tiêm phòng viêm gan B nên rất lo lắng về lá gan của mình.
Viêm gan vi rút đang là căn bệnh nguy hiểm
Không riêng anh Trường, chị Bùi Lan Hương (33 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hốt hoảng khi chị thấy người hay bị ngứa khó chịu, chị Hương gọi dịch vụ xét nghiệm máu tại nhà muốn kiểm tra chức năng gan.
Kết quả, men gan tăng gấp 5 lần bình thường. Kiểm tra các xét nghiệm chuyên sâu, chị Hương được bác sĩ thông báo chị bị viêm gan tự miễn, chưa tìm được nguyên nhân.
PGS Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Bệnh viện Thu Cúc, Hà Nội cho biết, bệnh nhân bị các bệnh liên quan về gan mật ngày càng tăng, đặc biệt là bệnh ung thư gan đang đứng đầu bảng ở nước ta.
Lá gan có thể tích to nhất trong cơ quan nội tạng ở người và gan có chức năng rất lớn. Đặc biệt, gan có chức năng giải độc, còn thận là thải độc. Nếu ăn vào cơ thể không giải độc được sẽ mệt ngay, cảm giác mệt lả không muốn làm gì, đây là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo tế bào gan đang bị hủy hoại.
Gan còn có chức năng tiết mật cho cơ quan tiêu hóa và khi chức năng này bị giảm sẽ gây ra cảm giác khó tiêu. Đây là dấu hiệu thứ hai cảnh báo gan đang ốm yếu.
Gan bị hủy hoại, viêm gan sẽ gây ra nhiều biến chứng cho người bệnh.
Ứ mật gây nước tiểu vàng đây là dấu hiệu thứ ba phải đi kiểm tra lá gan của mình ngay.
PGS Thành cho biết, men gan tăng cao là chỉ số cảnh báo lá gan đang bị tổn thương, giải phóng ra men gan vào máu nên xét nghiệm thấy men gan tăng. 5 nhóm có thể tổn thương tế bào gan: Các vi rút gây tổn thương gan
Rối loạn chuyển hóa
Gan nhiễm độc
Do thuốc
Do bệnh gan tự miễn
Thải độc như thế nào?
Đầu tiên, cần làm xét nghiệm viêm gan, đặc biệt là viêm gan B và C. Riêng viêm gan B, ngoài xét nghiệm xem HBsAg khi có dương tính còn cần làm thêm xét nghiệm HBeAg, HBsAb, anti HBeAg… Nếu có điều kiện, cần xét nghiệm định lượng ADN của vi rút.
Nếu men gan tăng có nguyên nhân do viêm tắc đường dẫn mật thì cần hỗ trợ cải thiện triệt để nguyên nhân.
PGS Thành cho hay, nếu viêm gan do rượu, cần kiêng rượu, bia và các loại nước giải khát có cồn.
Nhiều bệnh nhân thấy các biểu hiện gan bị nóng đã tự ý mua các thuốc nam hay thuốc Ðông y theo lời truyền miệng để hỗ trợ cải thiện điều này là không nên.
Bởi vì, các loại thuốc chưa được kiểm chứng khoa học hoặc chưa có bằng chứng rõ ràng sẽ dẫn đến nhiều hậu quả tai hại, làm bệnh gan thêm trầm trọng hoặc không thể cứu chữa.
Thải độc gan bằng cách tốt nhất là không đưa chất độc vào gan. Theo PGS Thành cần hạn chế ăn uống, sử dụng quá nhiều một thứ nào đó: nên có chế độ ăn cân bằng, vừa phải, không ăn quá nhiều đường, chất béo, ăn nhiều rau xanh.
Mọi người tìm hiểu về thức ăn sạch, ít hoá chất, ít các thành phần bảo quản. Học cách nấu nướng lành mạnh, ăn ít thực phẩm nướng, chiên, không ăn thực phẩm lên mốc.
Đặc biệt, PGS Thành khuyến cáo hãy ngưng tự hạ độc bằng rượu, thuốc lá và các chất gây nghiện. Không dùng thuốc hay thực phẩm chức năng vô tội vạ, không rõ nguồn gốc, tác dụng, liều lượng, độ an toàn, không dùng thuốc nếu không cần thiết.
Ngoài ra, uống đủ nước, giúp thận lọc bỏ các chất không cần thiết, giúp đổ mồ hôi nhiều hơn, không táo bón.