Những khoản đầu tư thụ động
Thủy Tiên (26 tuổi, nhân viên văn phòng) vào năm trước đã bắt đầu góp vốn cùng bạn bè mở cửa hàng quần áo trực tuyến. "Mình không trực tiếp tham gia vào hoạt động của cửa hàng mà chỉ đơn thuần là góp vốn. Bạn mình là người trực tiếp lên kế hoạch sẽ dùng tiền như thế nào, cụ thể nhập nguồn hàng từ đâu, tuyển nhân viên hỗ trợ, nghiên cứu cách làm việc tại các trang thương mại điện tử,.... Về vốn cửa hàng, mình góp 65% nhưng vì mình không góp sức vào các khâu hoạt động hàng ngày nên lợi nhuận mình nhận 30%".
Thủy Tiên chia sẻ rằng người bạn mà cô cùng hợp tác đã có kinh nghiệm kinh doanh 5 năm từ khi còn là sinh viên. Và cũng bởi vì đã thân quen khá lâu, biết hiệu suất làm việc nên cô bạn đã không ngần ngại tham gia khi bạn đề nghị kinh doanh cùng.
"Lúc đó, mình có một khoản tích lũy sau hơn 3 năm làm việc và cũng muốn có nguồn thu nhập thụ động. Song, lúc đó ngoài giờ hành chính, mình có 1 công việc tay trái là làm nội dung. Do vậy, mình gần như không có thời gian để nghiên cứu về những nguồn thu nhập thụ động phổ biến bây giờ chẳng hạn như đầu tư chứng khoán, mua vàng,... Góp vốn kinh doanh cùng 1 người mà mình quen biết từ lâu, có hợp đồng rõ ràng là lựa chọn phù hợp nhất tại thời điểm đó".
Được biết sau 1 năm, cửa hàng quần áo đã bắt đầu có lợi nhuận. Hiện nay, cô bạn kiếm được khoảng 6-7 triệu đồng từ khoản lợi nhuận phân chia hàng tháng.
Còn Minh Ngọc (25 tuổi, nhân viên văn phòng) thì bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán vào đầu năm 2021. Mong muốn có 1 nguồn thu nhập thụ động an toàn, Minh Ngọc đầu tư hướng đến những mục tiêu dài hạn. "Khi nhận lương, mình sẽ canh thời gian phù hợp để mua thêm các cổ phiếu đã nghiên cứu trước đó. Trên thực tế, mình chỉ theo dõi một số thông tin của thị trường và những cổ phiếu 'quốc dân' - tức là hoạt động sản xuất kinh doanh khá tốt, luôn tăng trưởng trong dài hạn".
Cô bạn đầu tư dài hạn nên không thể tính toán cụ thể là kiếm thêm được bao nhiêu mỗi tháng. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm đầu tư theo phương pháp này, Minh Ngọc vẫn đang sở hữu một khoản lời khá tốt dù trải qua khoảng thời gian thị trường khá nhiều biến động. Ngoài ra, khi có một khoản đầu tư tăng trưởng khá tốt, Minh Ngọc cảm thấy an toàn tài chính hơn, đặc biệt trong thời điểm bão sa thải như bây giờ.
Cần phải cân nhắc kỹ càng khi đầu tư và góp vốn kinh doanh
Thủy Tiên và Minh Ngọc đều cho rằng trước khi quyết định lựa chọn phương thức "tiền đẻ ra tiền", mọi người nên cân nhắc cẩn thận. Góp vốn kinh doanh hay đầu tư không phải là những khoản thu nhập thụ động phù hợp với tất cả mọi người.
Thủy Tiên chia sẻ rằng khi lựa chọn người để cùng kinh doanh, bạn nên tìm hiểu kỹ về những dự án mà họ đã làm trước đó. Bởi vì nếu cả 2 đều là những người chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, bạn sẽ rất dễ dàng rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ. Bên cạnh đó, dù có thân thiết đến mức nào cũng cần có hợp đồng kinh doanh rõ ràng về phần góp vốn, phân chia lợi nhuận cũng như những điều khoản khác.
"Dù chỉ góp vốn và không tham gia vào các hoạt động kinh doanh hàng ngày. Song, với những quyết định quan trọng chẳng hạn như thay đổi nguồn hàng hay chạy chiến dịch khuyến mãi, bạn nên nghiên cứu và trao đổi ý kiến. Bởi vì những quyết định này có thể giúp tăng lợi nhuận của cửa hàng nhưng cũng có thể khiến bạn thua lỗ nếu có 1 bước đi sai".
Bên cạnh đó, theo Minh Ngọc trước khi tham gia đầu tư, bạn cần xác định mục tiêu của bản thân. Chẳng hạn, Minh Ngọc là một người khá ngại rủi ro, ưa thích an toàn, và cũng không có quá nhiều thời gian nên cô bạn lựa chọn đầu tư nắm giữ trong dài hạn. Cũng sẽ có một số người thích "chốt lời" nhanh, quay vòng vốn liên tục thì họ cần dành nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường cũng như chấp nhận rủi ro ở mức cao hơn.
"Mình mong muốn có 1 nguồn thu nhập bền vững, vì vậy đầu tư dài hạn sẽ giúp mình đỡ phải liên tục theo dõi thị trường. Tuy nhiên, tham gia thị trường chứng khoán dù trong dài hạn cũng sẽ có những rủi ro nhất định, do vậy mọi người nên tìm hiểu thật kỹ lưỡng để xem phương thức đầu tư này có phù hợp với bản thân không".