Mẹ tôi sinh năm 1955, năm nay mẹ đã 68 tuổi rồi. Kể từ hồi 34 tuổi, mẹ đã phải một mình nuôi tôi và em trai, sau khi bố tôi không may gặp tai nạn và qua đời. Mẹ chỉ là nhân viên kế toán trong một công ty tư nhân nhỏ.

Nói vậy để bạn hiểu được mẹ tôi đã phải vất vả, tằn tiện tới mức nào mới có thể nuôi hai chị em tôi học xong Đại học, rồi còn dựng vợ, gả chồng cho chúng tôi nữa.

Giờ đây, khi đã trưởng thành, may mắn làm ăn khấm khá, có chút của ăn của để, chị em tôi bàn với nhau sẽ đón mẹ ra ở cùng, đứa này chăm mẹ 3 tháng rồi tới đứa kia. Dù sao chị em tôi cũng ở cùng một thành phố và đều đang ở riêng, như vậy là phương án khả thi nhất. Chúng tôi ngỏ lời với mẹ và bà nhanh chóng đồng ý.

Ở cùng mẹ khi bản thân đã trở thành một người mẹ, tôi mới nhận ra trước đây mẹ mình đã tiết kiệm, tằn tiện tới mức nào. Thời đó, tôi còn quá bé hoặc chưa đủ lớn để nhận ra tính cần kiệm ấy của mẹ.

Cách tiết kiệm đỉnh cao của mẹ: Không lãng phí dù chỉ một giọt nước hay một tờ giấy ướt! - Ảnh 1.

1 - Khăn mặt dùng một lần có thể tận dụng làm khăn lau bếp, giấy ướt cũng vậy

Ngay bữa cơm đầu tiên khi tới nhà tôi, mẹ đã mắng tôi té tát vì "sao mà mày hoang thế hả con?". Chuyện cũng chẳng có gì, chỉ là bà thấy tôi rút một tờ giấy ướt để lau miệng rồi thẳng tay quăng nó vào thùng rác.

Mẹ bảo lau miệng xong rồi, tờ giấy vẫn còn chỗ sạch, có thể tận dụng để lau bàn ăn, lau bếp. Gấp tờ giấy ướt lại thì chỉ cần 1 tờ là có thể lau sạch cả bàn ăn lẫn bệ bếp rồi.

"Nhưng tốt nhất vẫn là dẹp mấy cái giấy ướt này đi, cả khăn mặt dùng một lần nữa. Giẻ lau, khăn mặt dày, dùng xong vò sạch rồi treo lên không tiết kiệm hơn mấy cái thứ mỏng tang này à?" - Nguyên văn lời mẹ tôi nói đấy.

Tôi cứ cười mãi vì câu nói của mẹ. Mẹ đã dùng khăn mặt cả đời mà nào có bị mụn nhọt do vi khuẩn tích tụ hay da nhăn nhúm, chảy sệ đâu? Đến lúc 60 tuổi, da mẹ tôi vẫn còn đẹp lắm. Giừo 68 tuổi thì không thể được như xưa nhưng nhìn mẹ, tôi chợt nhận ra có khi nào mình đã bị quảng cáo dắt mũi, đánh lừa rồi không. Phụ nữ dùng khăn mặt một lần có phải vì chúng ta lười đâu, mà vì sợ vi khuẩn tích tụ gây mụn đấy chứ, đúng không?

2 - Giặt tất cả quần áo trong một mẻ

Cách tiết kiệm đỉnh cao của mẹ: Không lãng phí dù chỉ một giọt nước hay một tờ giấy ướt! - Ảnh 2.

Cuối tuần trước, khi thấy tôi ngồi phân loại quần áo bẩn để giặt, mẹ đã hỏi tôi đang làm gì đấy. Tôi bảo rằng phải chia ra, đồ trắng, đồ đen, quần áo sáng màu, mỗi loại cần giặt riêng một mẻ để đỡ bị phai màu vào nhau.

Nghe xong, mẹ tôi thốt lên như thể đây là chuyện gì động trời lắm: "Ối giời ơi! Thế thì bao nhiêu tiền điện, tiền nước cho đủ".

Sau đó, mẹ nằng nặc bắt tôi đưa đi tìm cửa hàng tạp hóa để mua một thứ gọi là "giấy chống phai màu". Theo lời mẹ, chỉ cần cho tờ giấy này vào cùng quần áo khi giặt bằng máy, không bao giờ lo áo quần bị phai màu loang lổ.

Tôi nín thở thử giặt một mẻ lẫn lộn 4-5 món đồ theo lời mẹ, đúng là chúng không bị phai màu thật!

3 - Đừng dùng nước lau sàn, hãy dùng viên lau sàn

"Cả đời tôi đây chưa biết đến 1 giọt nước lau sàn, cái thứ vừa đắt vừa dễ hao" - Mẹ tôi lại tiếp tục thốt lên khi thấy tôi xách một chai nước lau sàn về nhà.

Lần đó, mẹ quen đường rồi, không còn bắt tôi chở ra cửa hàng tạp hóa nữa. Bà tự đi bộ tới và mua cho tôi một túi viên lau sàn. Mẹ tôi bảo cái này rẻ lắm, còn rất dễ tiết kiệm. Một viên có thể chia làm 3 phần, mỗi lần dùng 1 phần thôi. Cứ ném vào nước, khuấy cho nó tan ra là có thể giặt giẻ lau nhà và lau sàn được rồi.

"Cái này chỉ mấy xu thôi, không đắt như nước lau sàn mà còn làm sàn sáng bóng" - Mẹ tôi khẳng định, không quên nói khéo nếu tôi không tin thì thử đi lau nhà luôn đi.

Vài hôm sau, tôi mới thử và mẹ lại đúng!

Ở với mẹ một tuần, tôi mới thấm thía ngày xưa mẹ đã phải cố gắng tiết kiệm thế nào. Quả nhiên là cách tiết kiệm của mẹ luôn là các đỉnh cao nhất, đáng học hỏi nhất, cần gì phải tham khảo lời khuyên của chuyên gia tài chính này kia cơ chứ!