Không dưới một lần, chị em công sở cảm thấy vài đồng nghiệp bên cạnh mình bỗng trở nên buồn bã ngay từ khi bước cửa vào văn phòng từ sáng sớm. Đối diện với nỗi buồn của người khác, hầu hết chị em đều lựa chọn việc hỏi han và cho lời khuyên. Tuy nhiên, tiếc rằng những cách này hầu như chẳng mấy hữu dụng.
Chị em có biết hay không, dù làm việc cùng lâu năm, nhưng một khi bước ra khỏi văn phòng thì mỗi người đều có một cuộc đời riêng khác nhau. Niềm vui riêng, hạnh phúc riêng, nỗi buồn riêng và cả những khổ đau cũng riêng biệt, không ai giống ai.
Chính vì thế, mọi lời khuyên hay việc hỏi han tâm sự đôi khi chẳng giúp ích được gì một khi đồng nghiệp gặp phải sự cố to lớn trong cuộc sống. Thậm chí lời khuyên luyên thuyên lắm lúc còn khiến đồng nghiệp cảm thấy phiền hơn bởi chúng ta làm sao biết và hiểu hết những gì họ đã trải qua...
Vậy thì phải làm thế nào mới tốt nhất? Câu trả lời cho câu hỏi này rất đơn giản: Hãy trở thành một cái cây. Đây cũng chính là một phần trong nội dung mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trả lời nhà báo Andrea Miller vào năm 2011 và khiến cả phương Tây chấn động về những triết lý sâu sắc ẩn đằng sau.
Cụ thể, khi Andrea Miller hỏi Thiền sư chúng ta phải làm gì để giúp đỡ những người yêu quý đang gặp các vấn đề quá lớn trong cuộc sống, Thiền sư Thích Nhất Hạnh liền đáp:
“Trước tiên bạn phải tập trung vào việc rèn luyện cuộc sống của mình. Sống sao thật tươi vui, thật an lành. Sống quan tâm tới người khác. Sống hào phóng và biết cảm thông. Đây là các nguyên tắc cơ bản.
Chuyện cũng giống như khi ta ngồi dưới gốc một cái cây vậy. Cái cây chẳng phải làm gì, trừ việc sống khỏe mạnh và tươi tắn, nhưng vẫn khiến ta thấy dễ chịu. Khi bạn sống như cái cây đó và lan tỏa làn sóng tươi mới, bạn đã giúp giảm bớt sự khổ đau của những người khác rồi. Vì thế, hãy ngồi cạnh một người đang đau khổ và hãy cố hết sức để làm những điều bạn có thể làm tốt nhất: Thể hiện sự dễ chịu, quan tâm, tươi mới”.
Quả thật, xét về bản thân chúng ta, khi gặp một vấn đề lớn lao nào đó trong cuộc sống không thể nói ra, thứ mà chúng ta cần nhất là có một người thân quý ở bên cạnh và chỉ lắng nghe thôi, đừng cố tò mò hay dò xét về câu chuyện phía sau vốn dĩ không muốn chia sẻ.
Từ việc cần sẽ đi đến chọn, vậy chúng ta sẽ chọn ai? Chắc chắn là những người có nguồn năng lượng tích cực, dễ chịu, tinh tế và im lặng như một cái cây tươi xanh. Cho nên, khi chúng ta bắt gặp ai đó đáng quý đang gặp chuyện buồn, thì hãy biến mình thành một cái cây như lời Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói - đó là điều tốt nhất cần làm.
Tuyệt đối đừng tỏ ra tò mò hay luyên thuyên những lời khuyên sáo rỗng. Nếu đối phương muốn họ sẽ tự sẻ chia, còn không vẫn cứ nên im lặng và yên ả bên cạnh họ. Cũng đừng quên một chi tiết nữa là, muốn trở thành một cái cây, bản thân mỗi người cần phải sống thật tích cực trước đã.