Cách vợ chồng tháo gỡ áp lực tiền nong khi thất nghiệp
Hãy cùng nhau đối mặt với khủng hoảng tài chính trong gia đình!
"Mình đã từng trải qua 2 khoảng thời gian: Lúc nhà có tiền và lúc không. Thời mới cưới nhau, lương chỉ 6 triệu đồng/tháng, còn chồng mình thì kiếm trung bình 12-15 triệu. Chi tiêu lúc đó thoải mái nhưng xảy ra chút mâu thuẫn về tài chính, vì nguồn thu chênh lệch nhau.
Nhưng đến sau này, không may có khoảng thời gian chồng bị thất nghiệp. Những tháng ngày đó anh chỉ đưa 1-2 triệu phụ tiền sinh hoạt phí gia đình. Tuy khó khăn nhưng đây lại là cơ hội để tụi mình gỡ rối cho nhau về vấn đề tiền bạc." Lê Phương Anh (1994, Lâm Đồng) chia sẻ về câu chuyện tài chính của gia đình.
Thu nhập chênh lệch khiến vợ áp lực chuyện tiền nong
"Tụi mình kết hôn cũng được hơn 5 năm, có 1 đứa con và không sống chung cùng gia đình. Cả hai chọn thuê nhà để sống và làm việc. Sau này khi có của một chút thì tính về quê xây nhà.
Lúc mới cưới nhau, mình là giáo viên cấp 2, còn anh làm bên kỹ thuật. Thu nhập cũng chênh lệch nhiều nên sau này mới xảy ra chút mâu thuẫn. Trong khi mình nhận mức lương ít ỏi khoảng 6-7 triệu/tháng, thì chồng luôn có cơ hội thăng tiến và tăng lương. Trung bình mỗi tháng chồng kiếm được 12-15 triệu, cao điểm hơn có tháng cũng gần chạm đầu 2. Mình chỉ tiêu khoảng 8-10 triệu/tháng cho tiền thuê nhà, ăn uống và các sinh hoạt phí khác. Thỉnh thoảng cũng chi thêm tiền để về quê nội ngoại chơi. Với mức thu - chi như vậy, tụi mình cũng có dư một chút gửi ngân hàng và dự tính dành số tiền đó để mua đất ở quê.
Mọi chuyện duy trì như vậy gần 1 năm. Đến thời điểm ba mẹ chồng ốm, bắt buộc phải có 1 người thường xuyên chăm nom nên tụi mình bàn nhau chia ca để trực. Tuy vậy, mình thì vướng lịch dạy, chồng thì bận gần như cả tuần. Vậy nên chồng đề nghị thuê người hỗ trợ, chi phí khá đắt đỏ. Vì tiếc tiền nên mình bàn với anh chỉ thuê người trực hộ vào những ngày anh bận. Còn lại thì để mình lo. Lúc này, chồng mới nói một câu: "Sao em phải khổ thế nhỉ?" Câu nói này cũng chạm vào lòng tự ái vì bản thân chỉ kiếm được 6-7 triệu/tháng, nhưng tiền thuê người chăm sóc cũng đã 5 triệu đồng. Mình cũng dần cảm thấy kém tự tin hơn mỗi khi nhắc đến vấn đề tài chính.
Vì giữ lối suy nghĩ đó nên mình thường khá chi ly trong những chi tiêu gia đình, luôn tìm cách tiết kiệm nhất có thể để chồng bớt áp lực kinh tế. Cho đến thời điểm mua đất, tụi mình vay thêm ngân hàng 200 triệu. Nhưng không may lúc này, chồng thất nghiệp. Thế là tụi mình phải cắt giảm chi tiêu tối đa."
Cách vợ chồng đong đếm chi tiêu khi rơi vào cảnh thất nghiệp
"Trợ cấp thất nghiệp của chồng không nhiều, nên mình dành để anh lo làm ăn lại. Mỗi tháng phụ vợ thêm 1-2 triệu, cộng thêm lương của mình để dành lo liệu chi tiêu trong nhà. Sau khi trừ tiền thuê nhà, điện nước, wifi, và tiền lãi ngân hàng, chỉ còn dư chưa đến 3 triệu đồng để tiêu cho những sinh hoạt cơ bản như xăng xe, ăn uống và mua đồ đạc thiết yếu. Mình vẫn cố gắng cân đo sao cho đủ. Thời điểm này kinh tế tuy khó khăn, nhưng lại khiến mình hiểu ra nhiều điều trong việc quản lý tài chính. Mình cũng dần lấy lại sự tự tin vì lo được cho gia đình khi chồng mất việc.
Lúc trước tụi mình hay ăn uống bên ngoài, cũng thích mua sắm lung tung trên mạng. Nhưng bây giờ cắt hết: Không ăn tiệm, không mua đồ mới. Một ngày quy định chỉ mua trong 100k. Sáng bước ra đường chỉ bỏ đúng 100k trong ví để mua đồ ăn cho cả nhà, ưu tiên đồ ăn cho con. Trái cây nào rẻ thì mua nhiều để dành ăn, gom rau củ dập do vận chuyển mà người ta loại ra về gọt để muối dưa. Một số siêu thị hay bán giảm giá 50% sau 9h tối hoặc sáng sớm, mình thường canh mua lựa đồ tốt.
Về phần con cái, mình cũng không cho con đi học thêm ngoài nữa mà tranh thủ dạy kèm buổi tối. Những chi tiêu tốn kém bên ngoài của 2 vợ chồng đều cắt đến mức tối đa.
Nhìn chung, những lúc nghèo khó thế này thì thói quen tiết kiệm trong mình trỗi dậy. Tụi mình cũng động viên nhau để vượt qua lúc ngặt nghèo này. Đây coi như cũng là cơ hội để tụi mình gỡ rối cùng nhau trong vấn đề tài chính: Thông cảm cho nhau, và thấu hiểu những khúc mắc mà cả 2 đang có." - Phương Anh khép lại câu chuyện.
Không thể tránh được hết những mâu thuẫn tài chính trong gia đình, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ. Phương Anh cho biết, mỗi lần đối mặt với thay đổi về mặt tài chính, các thành viên trong gia đình đều có những suy nghĩ riêng. Lúc này, điều cần làm là tìm cách giải quyết vấn đề, đối diện trực tiếp để đạt được kết quả tốt nhất. Như gia đình Phương Anh, cô nàng chọn cách cân đối lại các hạng mục chi tiêu, cắt giảm những khoản tiền không cần thiết, nhưng đồng thời cũng phải tìm cách để duy trì mức sống ổn định cho gia đình.
Thêm vào đó, là sự thẳng thắn và minh bạch giữa vợ chồng. Không nên giấu giếm những cảm xúc tiêu cực nếu như nguồn thu của cả hai chênh lệch. Phương Anh cũng bày tỏ: "Khi tụi mình ngồi xuống và cùng nhau công khai chuyện tiền bạc, mâu thuẫn gia đình theo đó cũng ngày một ít đi."