1. Da nhờn do đâu?
Da từ ngoài vào trong gồm 3 phần: Thượng bì, trung bì và hạ bì.
Các tuyến bã nhờn nằm ở lớp trung bì, tập trung nhiều nhất ở da mặt và da đầu, có nhiệm vụ bài tiết chất nhờn giúp da luôn mịn màng. Đó chính là lý do vì sao người thuộc type da nhờn thường có da mặt bóng nhờn, nhiều trứng cá, tóc thường xuyên bị bết.
Da nhờn là do yếu tố di truyền kết hợp cùng chế độ sinh hoạt, ăn uống, mức độ căng thẳng… khiến tình trạng da nhờn hơn. Phụ nữ lạm dụng mỹ phẩm, uống thuốc tránh thai và có chế độ chăm sóc da sai cách cũng góp phần kích thích hoạt động của các tuyến bã nhờn.
2. Cách trị tình trạng da nhờn thế nào?
Người có type da nhờn, đến mùa hè do mồ hôi tiết ra nhiều cùng với khói bụi, vi khuẩn... càng khiến tình trạng da nhờn nhiều hơn. Để điều trị tình trạng này, đầu tiên là phải loại bỏ chất bã nhờn dư thừa trên bề mặt da, nhưng không làm ảnh hưởng đến thành phần chất béo cấu tạo làn da.
Bề mặt của da bình thường có độ pH acid khoảng 5.4 đến 5.7. Độ pH này được hình thành từ các chất nhờn tiết ra từ tuyến bã nhờn và tuyến mồ hôi; có vai trò bảo vệ da khỏi sự xâm nhập của các vi khuẩn. Nếu chăm sóc da không đúng, da mất cân bằng pH và có tính kiềm, vi khuẩn sẽ sinh ra từ lớp chất nhờn gây viêm nhiễm, mụn trứng cá và xuất hiện các vùng da dễ bị mẫn cảm rất dễ bị vi nấm và vi khuẩn tấn công. Vì thế, điều trị tình trạng da nhờn là không được loại bỏ hoàn toàn mà chỉ hạn chế mức độ nhờn của da.
Nguyên tắc chung
Nguyên tắc cơ bản là giữ làn da luôn sạch sẽ, hạn chế dùng các loại mỹ phẩm dễ gây kích ứng da, đặc biệt đối với những người có da nhờn kèm nhiều mụn trứng cá. Hiện nay các sản phẩm mỹ phẩm dành riêng cho da nhờn được nhiều hãng mỹ phẩm sản xuất, bao gồm các loại sữa tắm, sữa rửa mặt, sản phẩm chăm sóc da… Nhưng biện pháp tốt nhất là nên rửa mặt bằng nước ấm, hạn chế dùng xà phòng có độ kiềm cao.
Khi đi ra ngoài nên thoa kem chống nắng loại dành riêng cho da nhờn để tránh tia UV. Đeo khẩu trang, mặc quần áo dài, đội mũ rộng vành để hạn chế khói bụi bám lên bề mặt da.
Chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, uống nhiều nước; không ăn thức ăn nhanh, đóng gói sẵn, đồ uống có gas; hạn chế các thực phẩm nhiều đường, nhiều tinh bột, dầu mỡ, sữa.
Trường hợp da quá nhờn, mụn trứng cá nặng cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám và hướng dẫn điều trị trực tiếp.
Đắp mặt nạ
- Mặt nạ đất sét, mặt nạ than hoạt tính: Phù hợp với da dầu nhẹ đến da hỗn hợp. Đất sét và than hoạt tính có tác dụng hấp thụ chất nhờn thừa trên bề mặt da, hút bụi bẩn từ lỗ chân lông. Do đó giúp da sạch, bớt nhờn và giúp se khít lỗ chân lông. Tuy nhiên cần lựa chọn sản phẩm có chất lượng, có nhà sản xuất cụ thể để tránh dùng phải sản phẩm kém chất lượng. Để tránh da khô quá khi đắp mặt nạ loại này quá nhiều, chỉ nên sử dụng 1-2 lần mỗi tuần.
- Mặt nạ dạng hoạt chất active: Có chứa các thành phần như niacinamide, AHA, BHA… với nồng độ thấp tới trung bình, giúp làm sạch tế bào chết, làm sạch sâu và kiểm soát nhờn, giúp se khít lỗ chân lông. Để tránh da bị kích ứng, nên thử mặt nạ ở vùng da dễ nhạy cảm trước khi sử dụng lên mặt. Tuần không sử dụng quá 2 lần, mỗi lần không quá 10 phút.
- Mặt nạ yến mạch: Có thể sử dụng loại mặt nạ có sẵn hoặc dùng yến mạch trộn tại nhà. Yến mạch giàu các vitamin nhóm B, azelaic acid và các khoáng chất, giúp điều chỉnh lượng bã nhờn trên bề mặt da, cân bằng độ pH, kháng viêm và tăng cường sức đề kháng để da chống lại các tác nhân gây hại. Sử dụng mặt nạ yến mạch giúp làn da thông thoáng, giảm mụn, loại bỏ da chết, bớt viêm nhiễm và chống lại vi khuẩn gây mụn. Mỗi tuần có thể sử dụng loại mặt nạ này 3 lần.
- Sử dụng hyaluronic acid: Đây là chất giữ ẩm cho da. Mặc dù chúng ta thấy làn da dầu có vẻ như không cần dưỡng ẩm, nhưng hoàn toàn không đúng như vậy. Bởi làn da dầu do thừa chất nhờn nhưng vẫn cần cấp ẩm. Khi da thiếu độ ẩm, da sẽ tiết dầu nhiều hơn để cân bằng và ngăn cản nước thoát ra qua bề mặt da. Do đó cấp ẩm đủ cũng là cách giảm tiết nhờn cho làn da.
Ngoài ra, một số loại mặt nạ khác chứa tinh chất tràm trà hoặc tinh chất trà xanh cũng được áp dụng trong xử trí da nhờn. Ngoài khả năng chống oxy hóa, kháng viêm thì các tinh chất này cũng giúp giữ ẩm cho da.
Cách chế mặt nạ với sản phẩm có sẵn trong tủ bếp
Có thể tự làm một số loại mặt nạ tự nhiên tại nhà, tuần 3 lần với các nguyên liệu có sẵn trong bếp như sau:
- Mặt nạ sữa chua mật ong: Trộn 1/3 hũ sữa chua cùng 2 muỗng cà phê mật ong, sau đó thoa đều lên mặt (sau khi đã rửa sạch) để nguyên khoảng 20-30 phút.
Các thành phần acid lactic và khoáng chất khác trong sữa chua sẽ giúp kiểm soát dầu nhờn, cân bằng độ ẩm trên da và se khít lỗ chân lông. Mật ong với nhiều vitamin giúp giảm viêm, kháng khuẩn rất tốt cho các làn da dầu mụn.
- Mặt nạ sữa chua, yến mạch: Trộn 2 thìa yến mạch cùng ½ hũ sữa chua sẽ cho một nguyên liệu mặt nạ giúp làn da dầu thông thoáng và còn cấp ẩm, phục hồi cho da. Không đắp quá 30 phút để tránh da bị khô.
- Mặt nạ lòng trắng trứng + tinh dầu nghệ: Mặt nạ này chứa nhiều vitamin B1, vitamin B6 vừa giúp se khít lỗ chân lông và dưỡng da sáng mịn hơn.
Nếu sử dụng các loại mặt nạ nêu trên bằng các sản phẩm mua sẵn (mặt nạ giấy) thì chỉ nên đắp tuần 1-2 lần, mỗi lần khoảng 10 phút để tránh tình trạng hút ẩm ngược trên da. Cần lựa chọn đúng dòng mặt nạ bảo đảm để tránh hại cho da.