Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về sản xuất cafe chỉ sau Brazil, nên cafe đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của người Việt. Tại các đô thị lớn sầm uất như Hà Nội và Sài Gòn, dù không trồng được cafe nhưng lại có nhiều món cafe ngon và độc đáo, với điểm chung là những quán "cafe cóc" vỉa hè, xe cafe rong, cafe đường tàu... khá thú vị trong mắt du khách.
Trên đường phố châu Âu hoặc Mỹ, rất dễ bắt gặp những cửa tiệm sang trọng ngập đầy ánh sáng và mùi bánh thơm phức lẫn với hương cafe. Nhưng ở Việt Nam, thói quen uống cafe đã được "nhập gia tùy tục", trở nên bình dân và giá cũng rẻ hơn rất nhiều.
Trong một bài báo có tựa đề "Why the world is waking up to Vietnamese coffee" (Tạm dịch: Vì sao thế giới thức dậy với cà phê Việt Nam) của 2 tác giả Sarah Lazarus và Mike Phạm đăng trên trang CNN ngày 16/3 vừa qua, cafe Việt Nam đã được giới thiệu như một thức uống phổ biến với nhiều cách pha chế khác nhau.
Tác giả cũng nhận định, đối với người Việt thì cafe không chỉ là thứ mang lại năng lượng trong cuộc sống, mà nó còn là một phong cách sống đặc trưng. Cafe giúp kết nối các mối quan hệ từ gia đình đến công việc, bạn bè, các quán cafe là không gian thứ 3 được mọi người ưa thích nhất sau nhà và nơi làm việc.
Ai cũng thích tụ tập tán gẫu ở quán cafe, vào bất kể thời điểm nào trong ngày. Người già đọc báo, người trẻ lướt điện thoại, làm việc với máy tính xách tay, hoặc nói chuyện huyên náo, và bên cạnh thường là cốc cafe. Những thương hiệu cafe nổi tiếng ở thành thị luôn kín khách, vào dịp cuối tuần thì đó còn là điểm hẹn lý tưởng cho các gia đình.
Những ly đen đá, nâu đá, sữa đá quen thuộc mỗi sáng ở Hà Nội.
Bài viết trên CNN cũng nhắc đến 5 loại thức uống làm từ cafe có hương vị thơm ngon và phổ biến tại Việt Nam, đó là cafe muối, cafe trứng, cafe cốt dừa, sinh tố cafe trái cây và sữa chua cafe. Cafe trứng của Việt Nam nổi tiếng đến mức lọt vào danh sách những món cafe độc đáo của thế giới. Nó được làm từ cafe đen và hỗn hợp lòng đỏ trứng gà, đường sữa đánh bông. Nhấp một ngụm nhỏ, vị đắng của cafe sẽ xen lẫn với các tầng vị ngọt, béo của lòng đỏ trứng đánh bông.
Cách đây 2 năm, trang Buzzfeed của Mỹ đã đưa ra danh sách 4 món cafe ngon nên thử khi đến thủ đô Hà Nội. Hãy thử đoán xem? Vẫn là cafe cốt dừa và cafe trứng trong top lựa chọn. Ở các nước phương Tây, hay Nhật, Hàn, Mỹ... bạn vẫn có thể tìm thấy đồ ăn Việt Nam dù ít và đắt đỏ, song cafe trứng lại là một món mà nếu đọc tên hỏi mua ở những nơi đó thì bạn có thể bị nhìn bằng ánh mắt khá kỳ dị. Vì ngoại trừ Việt Nam, nó vô cùng hiếm trên bản đồ văn hóa ẩm thực thế giới.
Tại một cửa tiệm có tên Dak Lak Coffee ở Toronto (Canada) thuộc sở hữu của một ông chủ người Việt, 80% khách đến đó vì món cafe trứng. Nhiều người không tin rằng cafe đắng như thế lại có thể biến thành thức uống thơm ngậy, ngọt ngào bằng cách kết hợp với một quả trứng sống. Và khi trót nếm thử rồi, họ quên cả thắc mắc, chỉ muốn tận hưởng nó mỗi ngày.
Đối với nhiều vị khách lần đầu đặt chân đến Việt Nam, ly cafe trứng giá chỉ 30k ở một quán vỉa hè mộc mạc góc phố Hà Nội lại là thứ khiến họ bất ngờ, ấn tượng và sẵn sàng dành tặng mỹ từ "tuyệt vời" sau khi nếm thử. Nhắc đến cafe truyền thống, thì Hà Nội cũng có "bộ tứ" Nhân - Nhĩ - Dĩ - Giảng nổi danh từ thập niên 50, qua nhiều thế hệ vẫn nổi tiếng. Còn các tiệm cafe hiện đại thì mọc lên vô số để phục vụ nhu cầu cuộc sống.
Là người từng nghe nhiều du khách khen ngợi cafe Việt, Nguyễn Phương Quỳnh - một nữ barista trẻ tuổi đầy đam mê đã nhún vai như thể đó là một điều đương nhiên. Quỳnh từng làm pha chế cafe tại Hà Nội, Sài Gòn và cả ở nước ngoài, từ việc làm thêm để kiếm tiền, giờ đây ngày ngày cô "sống chung với cà phê" vì yêu thích thực sự.
Nếu như chúng ta coi việc thưởng thức các loại đồ uống là nghệ thuật, thì những người pha chế như Quỳnh là nghệ sĩ, và barista ở một tầm cao hơn với sự nghiên cứu tỉ mỉ xoay quanh loại hạt kỳ diệu màu nâu khiến hàng triệu người say mê trên thế giới.
Quỳnh đã mất 1 năm chỉ để tập vẽ trên các đồ uống làm từ cafe. Bởi một barista mẫu mực sẽ là quyển "từ điển sống" về cà phê: lịch sử của từng loại hạt cà phê, quá trình rang, xay, cách lựa chọn cà phê hạt, quy trình pha chế, khởi đầu của các loại đồ uống có nền cafe...
Công việc đứng pha chế đòi hỏi sức khỏe, chịu đựng áp lực tốt, và rất nhiều yếu tố ngoài lề khác như dọn dẹp, giữ chỗ làm việc của mình sạch sẽ, vì "nhà sạch thì mát, tách sạch thì… cà phê ngon" nên Quỳnh là cô gái hiếm hoi theo đuổi nghề này.
Cafe cũng là một thứ nguyên liệu rất khó tính, khó chiều, đòi hỏi sự tinh tế và tỉ mỉ. Quỳnh luôn cố gắng giữ gìn để không bị ốm, bởi sụt sịt chút thôi là cô cũng mất cảm giác, không nếm được chính xác vị cafe. Với nghề barista, khứu giác chính là "vũ khí bẩm sinh" để họ giữ bí quyết riêng, bởi công việc ấy cho phép họ sáng tạo các công thức pha chế cà phê khác nhau, tạo nên rất nhiều hương vị mà ta không thể hình dung ra hết. Chỉ một chút khác biệt cũng có thể đem đến cho thế giới một loại đồ uống mới mẻ, có thể đắng ngắt, ngọt sắc, hơi chua, hoặc mằn mặn.
Quỳnh thích không gian yên tĩnh trong những tiệm cafe nhỏ, với các vị khách trò chuyện khe khẽ hoặc ngồi đọc sách, ngày nắng thì ấm áp, ngày mưa thì có tiếng lộp độp ngoài cửa kính xen lẫn với tiếng máy xay cafe rù rì êm dịu, thêm bản piano du dương khiến lòng thảnh thơi.
"Em muốn thổi hồn cho những ly cafe và đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người khi họ dừng chân tại quán, ngắm nhìn đường phố với tách đồ uống cao cấp trên tay". Đó là mơ ước của Quỳnh.