Lại một tháng mười tăm tối của showbiz Hàn. Sulli đã chết. Một cái chết không ai có thể tin được. Nó thậm chí còn sốc hơn cả cái chết của Choi Jin Sil vào một ngày đầu tháng 10 của 11 năm trước. Bởi Sulli còn quá trẻ, mới 25 tuổi, xinh đẹp, độc thân cùng một sự nghiệp hứa hẹn đang chào đón phía trước. Bởi Sulli chưa từng trải qua những biến cố cuộc đời khắc nghiệt như Choi Jin Sil.
Nhưng có lẽ, chẳng có nỗi đau nào so sánh được với nhau. Lớn hay bé, nó nằm ở kết quả của sự sát thương. Tóm lại, Sulli đã chết. Cô đã bị hạ gục bởi nỗi đau của riêng mình ở tuổi 25.
Liệu có phải Sulli đã tiên đoán được rằng, chỉ có cái chết mới giúp cô được người ta nhắc đến mình bằng những mến thương?
Cái chết của Sulli đặt ra một câu hỏi lớn về thủ phạm. Đầu tiên cô bị đổ lỗi. Như cách người ta đã đổ lỗi cho Choi Jin Sil. Rằng cô quá yếu đuối và ích kỷ, quá nuông chiều bản thân tới nỗi không chấp nhận được những lời đối lập. Rằng cô đã không có khả năng chịu đựng thất bại và nhìn vào thất bại để nỗ lực vươn lên như nhiều Idol khác. Rằng cô đã hèn nhát bỏ cuộc ở cái tuổi mà tương lai vẫn rờ rỡ phía trước, với đầy đủ những điều kiện tốt đẹp mà triệu người khát khao.
Nhưng lập luận đổ lỗi nhanh chóng bị vùi dập. Khi thủ phạm khả thi hơn bị chỉ đích danh. “Dư luận đã ám sát cô ấy”, một kết luận làm rúng động mạng xã hội. Nhưng dư luận là ai? Là người yêu? Là kẻ ghét? Hay cả hai?
Chạm chân vào điện ảnh năm 11 tuổi với vai diễn nhỏ trong bộ phim cổ trang “Bài ca Seo-dong”, chính thức gia nhập làng giải trí năm 15 tuổi với tư cách ca sĩ thành viên nhóm nhạc F(x), phát triển sự nghiệp cá nhân ở tuổi 20 và 5 năm sống trong thị phi vì lối sống lệch chuẩn “Idol”. Đó là vài dòng tóm lược bản lí lịch ngắn ngủi của Sulli.
Phan Thanh Nhàn - thành viên nữ của Lộn Xộn Band - đã đăng tải một dòng trạng thái tạm biệt Sulli như thế này: “Trong phim Song Lang có một đoạn hội thoại:
- Sao anh mê hát mà lại đi đòi nợ thuê vậy?
- Cái nghề đòi nợ thuê, coi vậy mà nó đúng như vậy. Chứ làm nghệ sĩ, nhiều khi coi vậy mà nó không phải vậy”.
Bi kịch của Sulli bắt nguồn từ đâu, cô ấy đã phải chịu những nỗi đau nào, sau sân khấu và bên ngoài ống kính máy quay là những điều tệ hại gì, đó là những câu hỏi mà người yêu lẫn kẻ ghét Sulli không bao giờ giải mã được. “Làm nghệ sĩ, nhiều khi coi vậy mà nó không phải vậy”. Đáp số sẽ được giữ kín vì sứ mệnh tồn tại của làng giải trí. Và bởi đáp số ấy vốn dĩ có sự mê hoặc khủng khiếp mà những ai có khả năng biết đều chấp nhận. Chấp nhận những góc tối để đánh đổi hào quang sáng lòa, ngay cả khi bản thân họ không ai biết trước giá của sự đánh đổi là bao nhiêu.
Những lời phỉ báng, chỉ trích, thậm chí hạ nhục, mạt sát từ dư luận vốn dĩ đã được định lượng trong sự đánh đổi kia. Sulli hay bất kỳ một idol, một nghệ sĩ nào của showbiz đều hiểu rõ điều này.
Sulli hiểu rõ. Nên cô ấy mới có những hành động cố ý gây chú ý như trong 5 năm qua. Cô ấy cố ý phá vỡ những nguyên tắc, cố ý lệch chuẩn, cố ý tạo sóng gió bằng hình ảnh, hành động và những phát ngôn.
Cô ấy mặc áo “thả rông” ngực. Cô ấy chụp ảnh khiêu khích. Cô ấy nướng con lươn còn sống trong lò và thích thú chứng kiến sự giãy chết của nó. Cô ấy hành hạ một chú mèo và cười khoái trá. Trong khi ấy, những kẻ ghét nhảy dựng lên, còn những kẻ yêu hết lời bênh vực và ca tụng.
Sự nhảy dựng lên kia cô ấy đủ thông minh để trù liệu, và thậm chí nó nằm trong kế hoạch của cô ấy, không ngoại trừ là kế hoạch của chính công ty quản lý cô ấy nữa. Cô ấy có lẽ chẳng sợ đâu. Vì ngay bên dưới những comment báng bổ, kiểu gì cũng có một comment ra sức biện hộ, chở che.
Nhưng rõ ràng, những kẻ yêu đã không cứu vớt được cô ấy, không lấp đầy được tâm hồn cô ấy. Sự trống rỗng mà Sulli từng chia sẻ không hoàn toàn do những kẻ ghét đã gặm nhấm đến rách thủng cuộc đời cô. Đó là kết quả cộng hưởng của những tung hô mê muội và những vùi dập mù lòa, những yêu và những ghét mang màu tăm tối không mục đích ngoại trừ sự tự thỏa mãn điên rồ. Còn người nhận, giữa muôn vàn hoa hồng cùng gạch đá ném ào ạt về mình, không còn một cảm giác nào ngoài sự đau khổ và trống rỗng.
Họ mất phương hướng, mất định vị vào bản thân, mất khả năng kiểm soát cuộc sống, mất ý thức đánh giá đúng sai, không còn niềm tin vào chính mình. Và khi ấy, bi kịch xảy ra.
Sulli chết có thể do sự tàn nhẫn của dư luận. Một tâm hồn yếu đuối không thể chống chọi được với những đả kích, và càng không thể mạnh mẽ hơn bởi những tung hô. Nhưng dư luận lại không dành thời gian để ngẫm nghĩ về điều đó. Họ bận làm “việc tốt”, với ý chí rằng đang giúp cô gái kia “sáng mắt ra”.
Người chỉ trích ra sức mắng mỏ với lý do cô ấy phải nhìn thấy cái sai của bản thân mà sửa đổi cho kịp lúc. Người bảo vệ ra sức bênh vực với lý do cô ấy có quyền làm những gì cô ấy muốn mà không cần quan tâm ý muốn của người khác. Họ quên mất một điều, giữa mớ thanh âm ồn ã ấy, Sulli nhận ra được bao nhiêu chân tình để đổi thay hay để vững tin vào bản thân mình? Hay nó chỉ khiến tai cô bùng nhùng những tiếng ra rả nhức nhối làm cô muốn đóng chặt cánh cửa lòng mình lại để được tĩnh tại, và rồi sau đó là bất lực chạy trốn, bất lực hóa điên?
Sulli chết và bố mẹ của cô cũng bị lôi vào cuộc như một nguyên nhân sơ cấp, bởi họ đã đưa con gái mình vào làng giải trí từ khi còn quá nhỏ. Vốn dĩ, làng giải trí toàn cầu đã chứng kiến nhiều cái chết lẫn sự vụt tắt tức tưởi của các ngôi sao nhí, khi họ lớn lên với một hành trình không bình thường như những đứa trẻ khác.
Nhưng Hollywood có Macaulay Culkin mà cũng có Natalie Portman, K-biz có Moon Geun Young mà cũng có Shim Eun Kyung. Hành trình trưởng thành của những ngôi sao nhí không bao giờ có mẫu số chung. Người may mắn người bất hạnh, người mạnh mẽ người yếu đuối, người có sự định hướng sát sao từ gia đình người phải tự lực bươn chải. Thành công hay thất bại đôi khi lại cách nhau hai chữ hên xui.
Cái giá của sự nổi tiếng chưa bao giờ là rẻ, chỉ có đáng và không đáng. Người chiến thắng không phải người tài năng nhất, may mắn nhất mà là người mạnh mẽ nhất. Sự mạnh mẽ ấy không thể có nếu thiếu đi nền tảng của yêu thương, sự hiểu biết và lòng tin.